Ở Ấn Độ và Uganda hiện đang lưu hành một sản phẩm y tế tên Covishield, nó được mô tả như một loại vắc xin COVID-19 mới. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành một thông cáo cảnh báo đây là vắc xin giả. Những dược phẩm giả này đã được báo cáo cho WHO vào tháng 7 và đầu tháng 8 năm nay.

“Nhà sản xuất chính hãng của Covishield (Serum Institute of India Pvt. Ltd.) đã xác nhận rằng các sản phẩm được liệt kê trong cảnh báo này là giả mạo và nó được dùng cho bệnh nhân ở Uganda và Ấn Độ”, WHO thông báo.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa những sản phẩm là giả mạo thông qua các tiêu chí như cố tình gian lận, xuyên tạc danh tính hoặc thay đổi bất kỳ thành phần nguồn gốc của công thức pha chế mà chính hãng đã đăng ký bản quyền y tế.

Lọ vắc xin Covishield trong một đợt tiêm chủng, tại Trường Navyug, Mandir Marg, ở New Delhi, Ấn Độ
Lọ vắc xin Covishield trong một đợt tiêm chủng tại Trường Navyug, Mandir Marg, ở New Delhi, Ấn Độ

“Dược phẩm giả mạo - dưới dạng bào chế 5 ml/lọ và chứa 10 liều với ký hiệu số lô hàng 4121Z040 cùng thời gian hết hạn sử dụng vào ngày 10/8 - được phát hiện ở Uganda”, WHO cho biết thêm. Loại dược phẩm giả khác được phát hiện ở Ấn Độ là lọ 2 ml - 4 liều, mà hãng dược phẩm SII khẳng định họ không sản xuất các lọ thuốc chứa 5 ml/lọ.

WHO nói rằng những sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn và giả mạo này được phát hiện bởi hệ thống giám sát toàn cầu của tổ chức này. Đây không phải là lần đầu tiên vắc xin COVID-19 giả được phát hiện, trước đó WHO từng xác định vắc xin COVID-19 giả Pfizer-BioNTech đang lưu hành ở châu Mỹ.

Những sản phẩm giả mạo này đã được cung cấp và sử dụng cho bệnh nhân bên ngoài các chương trình tiêm chủng được ủy quyền của Tổ chức Y tế Thế giới. Thuốc và vắc xin giả đang là một vấn đề lớn ở Nam Á cũng như châu Phi và WHO đã bày tỏ quan ngại về các loại vắc xin giả đang lưu hành này.

“Vắc xin COVID-19 giả gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, nó sẽ làm sụp đổ các hệ thống y tế, làm dịch bệnh tiến triển một cách không thể kiểm soát”, WHO khẳng định.

Ấn Độ đã sử dụng hơn 282 triệu liều vắc xin Covishield. Ảnh Getty Images
Ấn Độ đã sử dụng hơn 282 triệu liều vắc xin Covishield - Ảnh Getty Images

WHO cũng đã kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ có khả năng bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm giả mạo này nên tăng cường cảnh giác trong các chuỗi cung ứng và tiêu thụ.

“Những nhà cung cấp các sản phẩm y tế trên toàn cầu, bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng khám tư cùng những nhà bán buôn và phân phối nên tăng cường cảnh giác để sớm phát hiện các sản phẩm y dược giả mạo tương tự. Tất cả các sản phẩm y tế phải được lấy từ các nhà cung cấp được ủy quyền hoặc được cấp phép. Cần kiểm tra cẩn thận tính xác thực và tình trạng vật lý của sản phẩm. Trong trường hợp nghi ngờ, hãy tìm lời khuyên từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe”, WHO cảnh báo.

Đối với người dân, WHO cho biết, nếu bất kỳ ai sử dụng các sản phẩm này hoặc gặp phản ứng bất lợi khi sử dụng các sản phẩm này, nên tìm kiếm lời khuyên y tế ngay lập tức từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ. Song song đó báo cáo sự việc cho Cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia. WHO cũng yêu cầu các cơ quan quản lý dược và y tế quốc gia thông báo ngay cho họ nếu phát hiện những sản phẩm giả mạo đang lưu hành tại đất nước mình.

Theo phunuonline.com.vn