leftcenterrightdel
 Hàng nghìn tăng ni, Phật tử, học viên Học viện Phật giáo Việt Nam tham gia Đại lễ Vu Lan ngày 27/8/2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Vu Lan báo hiếu vốn là một nghi lễ quan trọng trong Phật giáo, trải qua nhiều thế kỷ, hòa quyện với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, Đại lễ Vu Lan vào tháng Bảy Âm lịch đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Thích Đạo Tịnh (Trụ trì Chùa Linh Sơn, Bắc Hà, Lào Cai) và Đại đức Thích Đạo Thắng (Phó Chánh Văn phòng Ban Từ thiện, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Linh Ẩn, Phú Thọ) để nghe những kiến giải xoay quanh lễ Vu Lan.

Vu Lan: Hiểu và thực hành đúng

- Vu Lan từ lâu đã là một dịp lễ quan trọng của số đông người Việt. Thưa Tiến sỹ Thích Đạo Tịnh, thầy có kiến giải như thế nào về nguồn gốc của nghi lễ này?

Tiến sỹ Thích Đạo Tịnh: Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về Mục Kiền Liên Bồ tát (một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nhờ tấm lòng hiếu thảo của mình.

leftcenterrightdel
Tiến sỹ Thích Đạo Tịnh (giữa) chia sẻ về ngày lễ Vu Lan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

 

Chuyện kể rằng khi mẹ của Ngài là bà Thanh Đề mất đi, Ngài đã dùng thần lực tìm kiếm khắp nơi xem bà đang ở đâu. Không ngờ, Ngài nhìn mẹ mình đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi đây là quả báo từ những việc ác trước đây của bà. Quá đau lòng, Mục Kiền Liên liền dùng phép biến ra cơm đưa tới cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa.

Ngài Mục Kiền Liên vội vàng đến bạch Đức Phật để tìm cách cứu mẹ. Đức Phật chỉ dạy rằng vào ngày Rằm tháng Bảy chính là ngày Tự tứ, là lúc chư tăng vừa hoàn thành an cư kiết hạ, thần lực mạnh mẽ, Mục Kiền Liên cần sắm sửa đủ đầy lễ vật, món ăn chay được đựng trong bình bát thanh tịnh để cúng dường Tam Bảo và chư tăng mười phương, nhờ các vị ấy cùng cầu nguyện cho mẹ.

Ngài Mục Kiền Liên đã dùng tấm lòng thành của mình và thực hiện việc cúng dường. Nhờ công đức đó, mẹ của Ngài đã được giải thoát.

Phật dạy rằng tu trăm hạnh vạn hạnh mà chưa tu hạnh hiếu thì chưa phải là tu. Kể từ đó, lễ Vu Lan (hay còn gọi là Pháp Vu Lan Bồn) ra đời để những người con có dịp bày tỏ lòng tri ân đến cha mẹ, tổ tiên, rộng hơn là “Tứ đại ân” gồm có ơn cha mẹ, ơn Trời Đất, ơn quốc gia và ơn chúng sinh.

leftcenterrightdel
Vu Lan là dịp để thể hiện lòng hiếu thảo, truyền thống 'uống nước nhớ nguồn.' (Ảnh: PV/Vietnam+) 

 

- Thưa Tiến sỹ, vậy người dân có thể thực hành nghi lễ Vu Lan tại nhà như thế nào?

Tiến sỹ Thích Đạo Tịnh: Như tôi đã nói, Vu Lan là nghi lễ báo hiếu, có thể thực hiện bất kỳ lúc nào. Người dân có thể thực hiện đơn giản ngay tại nhà, chỉ cần lưu ý một số điều sau:

Đầu tiên là phần sửa soạn lễ vật. Chúng ta chỉ nên chuẩn bị vật phẩm thanh tịnh, là thanh bông hoa quả, cơm chay. Tuyệt đối không cúng đồ mặn vì theo quan điểm Phật giáo, việc sát sinh hại vật để cúng tế thì không mang lại lợi ích gì mà lại tạo thêm nghiệp chướng. Việc cúng rượu, bia, thuốc lá là những thứ gây nghiện, khiến tâm trí không tỉnh táo thì cũng không được dùng.

Thứ hai, chúng ta phải dùng pháp ngữ “khai thị” (mở mắt) cho hương linh: Hôm nay, chúng con kính dâng tấc lòng thành hướng về Tam Bảo, phát nguyện tụng kinh sám hối, khai thị vong linh, nguyện cầu cho vong linh xa lìa đường dữ, không còn tham đắm theo cảnh sắc phàm, quay về nẻo đạo, quy y Tam Bảo, thoát khỏi u đồ, vãng sanh cõi tịnh. Chúng con cũng nguyện cho tất cả muôn loài lên bờ giác ngộ, sống an vui trong chánh niệm.

Pháp ngữ “khai thị” hướng cho người ta hướng đến việc thiện, không làm việc ác. Việc ác nhỏ đến đâu cũng không được làm, việc thiện nhỏ đến đâu cũng phải làm.

Bước tiếp theo là chúng ta tụng kinh niệm Phật, đơn giản nhất là niệm “A Di Đà Phật” - vị Phật của lòng từ bi quảng đại, giúp cho cha mẹ, ông bà vãng sinh giải thoát.

Người dân nên cúng lễ cho đúng, cần nhớ mục đích quan trọng nhất của Vu Lan là báo ân chứ không phải là cầu xin. Nhiều người có thói quen dâng hương, dâng lễ vật và cầu xin công danh, lợi lộc, xin được “phù hộ” mà quên mất là mình phải tri ân ông bà, cha mẹ.

Làm việc thiện từ tâm

- Nhân mùa Vu Lan, người ta cũng thường hay thực hiện việc bố thí, tức là làm điều thiện. Xin Đại đức Thích Đạo Thắng chia sẻ về vấn đề này theo quan điểm Phật giáo?

Đại đức Thích Đạo Thắng: Có 3 loại bố thí là Tài thí (bố thí tiền tài, tịnh vật); Pháp thí (tức bố thí pháp); Vô úy thí (tức bố thí sự động viên, khiến người ta không sợ hãi, đem lại sự bình an cho người khác).

Đức Phật dạy rằng trong tất cả các loại bố thí, thì bố thí Pháp là vĩ đại hơn hết, công đức thù thắng hơn hết. Trong Pháp thí lại chia ra rất nhiều loại, như thuyết pháp, nghị luận Pháp, lời khai thị khuyến tu của Chư tổ Đại đức, bài giảng giải kinh Phật... miễn đúng với lời Phật dạy, có thể khiến người khác tăng trưởng thiện tâm, thì tất cả những cách bố thí Pháp đó đều có công đức vô lượng.

Tài vật có thể giúp người ta qua cơn đói khát một chốc một lát còn Pháp thí là những bài học, chân ngôn giúp con người biết tu tập, tự mình kiến tạo đời sống an vui.

Bố thí là cho đi với cái tâm thanh tịnh, không vụ lợi, không điều kiện, không hối tiếc và không cần hồi đáp. Bởi vậy, dù là loại bố thí nào thì chúng ta cũng phải hiểu đúng để thực hành đúng.

leftcenterrightdel
Đại đức Thích Đạo Thắng (phải) chia sẻ về việc làm từ thiện nhân mùa Vu Lan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

 

- Trong xã hội ngày nay, hoạt động từ thiện đang diễn ra rất phổ biến nhưng cũng có những "lùm xùm." Theo Đại đức, chúng ta nên làm từ thiện thế nào cho đúng?

Đại đức Thích Đạo Thắng: Đạo Phật khuyên người ta làm việc thiện nhưng phải đúng pháp, nếu mang cho người khác rượu thịt, các chất độc hại thì không còn ý nghĩa của việc thiện. Làm từ thiện mà tư lợi cá nhân hay vì mục đích vụ lợi thì cũng không đúng.

Từ thiện nghĩa là làm việc thiện bằng cái tâm chân thật và yêu thương, cho đi mà không cần nhận lại, thậm chí quên đi người được nhận, quên đi việc mình làm, của mình cho. Thậm chí, người làm từ thiện còn phải hoan hỉ, biết ơn vì có cơ hội làm việc thiện lành. Nếu họ tự đẩy mình lên thành người quan trọng, ở tâm thế cao hơn những người nhận sự bố thí thì lại là sai lầm.

Việc làm từ thiện trong xã hội hiện nay có nhiều vấn đề khiến dư luận tranh cãi. Theo tôi, người làm từ thiện cần minh bạch, công khai trong mọi hoạt động, trước hết là để cho nội tâm mình thanh thản, người ủng hộ, đồng hành với mình có niềm tin rằng đó là việc làm chân chính, tài sản quyên góp được sử dụng đúng mục đích đúng người, đúng việc.

Cá nhân tôi cho rằng việc cho “cần câu” quan trọng hơn là cho “con cá.” Nếu mình mang gạo, tiền đi ủng hộ thì cũng tốt nhưng chỉ giúp người ta trong một giai đoạn. Tôi thường kêu gọi Phật tử quyên góp công sức xây trường học, trang bị máy tính, sách vở, đồ dùng cho thầy trò ở vùng sâu, vùng xa.

- Xin trân trọng cảm ơn hai thầy./.

Theo vietnamplus