Nam Á khan hiếm nước nghiêm trọng nhất trên thế giới
Cập nhật lúc 23:57, Thứ ba, 14/11/2023 (GMT+7)
55% trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước, 347 triệu thanh thiếu niên dưới 18 tuổi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ở mức cao hoặc cực kỳ cao.
|
|
Tình trạng khan hiếm nước ngày càng tồi tệ hơn ở Nam Á |
Nam Á bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước do tác động của biến đổi khí hậu. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có tới 347 triệu thanh thiếu niên dưới 18 tuổi sinh sống tại khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ở mức cao hoặc cực kỳ cao. Đây cũng là con số cao nhất trong nhóm các khu vực được thống kê trên thế giới.
“Giếng trong làng cạn kiệt, nhà cửa, trung tâm y tế và trường học đều bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn các loại hình thời tiết và lượng mưa, dẫn đến việc khó dự đoán về nguồn nước. Với khí hậu ngày càng khó lường, tình trạng khan hiếm nước dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em ở Nam Á”, báo cáo của UNICEF nêu rõ.
Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á Sanjay Wijesekera nêu rõ tiếp cận nước sạch là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang khiến hàng triệu trẻ em sinh sống tại các vùng ngập lụt, hạn hán thường phải đối mặt với nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác ở Nam Á thậm chí không có đủ nước uống. Chất lượng nước kém, thiếu nước và quản lý yếu kém như bơm quá mức các tầng ngậm nước, trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu lại đang làm giảm đi lượng nước bổ sung.
Nam Á là nơi sinh sống của hơn 1/4 trẻ em toàn cầu, gồm các nước Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. So với 32% trẻ em trên toàn cầu phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao thì con số này ở Nam Á cao hơn gấp đôi, lên tới 76%. UNICEF cảnh báo hệ lụy sẽ trở nên trầm trọng hơn đối với trẻ em vì chúng không thể nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Có nhiều rủi ro có thể đe dọa đến tính mạng các em, từ ngất xỉu, kém phát triển trí tuệ đến rối loạn chức năng thần kinh, co giật và các bệnh tim mạch. Phụ nữ mang thai cũng đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao, có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Năm ngoái, ước tính có tới 45 triệu trẻ em không được tiếp cận các dịch vụ nước uống cơ bản ở Nam Á, cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Tuy nhiên, UNICEF cho biết đang nỗ lực mở rộng các dịch vụ cung cấp nước sạch và con số kể trên dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2030.
Cũng theo UNICEF, sau Nam Á, Đông và Nam Phi sẽ những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất tiếp theo với 130 triệu trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng. Báo cáo còn cho biết thêm rằng cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ - tương đương 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới, đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước cao hoặc rất cao.
|
|
Một em bé nhận hỗ trợ của UNICEF |
UNICEF kêu gọi các bên hành động để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em. Trong đó, cần điều chỉnh các dịch vụ xã hội thiết yếu, trao quyền cho mọi trẻ em để trở thành người đấu tranh vì môi trường, thực hiện các thỏa thuận quốc tế về bền vững và biến đổi khí hậu, bao gồm việc giảm nhanh lượng khí thải.
Theo thoidai