leftcenterrightdel
 Người dân phải chờ hàng giờ để lấy nước ở Gaza

Bên cạnh những tiếng bom đạn, chết chóc, người dân Palestine còn đang đối mặt với đói khát, bệnh tật. Trong đó, tình trạng thiếu nước và nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn đang đe dọa sức khỏe của những người sống sót.

Hình ảnh hàng ngàn người xếp hàng chờ đổ đầy những thùng nước xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ khi nước ngày càng trở nên khan hiếm.

Theo Liên hiệp quốc, không có đường ống nước nào từ Israel vào Gaza hoạt động và một đường ống nối các thị trấn phía nam Rafah và Khan Younis đang bị rò.

Eman Basher, một giáo viên cho biết các con cô không khỏe kể từ khi rời nhà ở thành phố Gaza.

“Các con tôi bị cúm và dạ dày với các triệu chứng bao gồm đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ban đầu, tôi cho rằng đó là kết quả bình thường của việc ngủ trên sàn nhà hoặc thay đổi thời tiết nhưng cuối cùng đó là do nguồn nước bị ô nhiễm mà chúng tôi uống hàng ngày” - chị Basher nói.

Chị Basher nói thêm, gia đình chị phải xếp hàng nhiều giờ để lấy nước và để dành uống những 15 ngày.

Theo Liên hiệp quốc, hiện chỉ có 5% nhu cầu về nước của Gaza được đáp ứng. Các xe tải chở hàng viện trợ từ Ai Cập vào chỉ chở đủ nước cho 15.000 người trong một ngày. Trong khi đó, có đến 1,4 triệu người phải di tản theo yêu cầu của Israel và cần nước.

Một số người dân ở phía nam đã lấy nước từ các nhà máy khử muối hoặc các nguồn nước từ giếng, nhưng nước này có hàm lượng muối tương đối cao.

Maysoun Owda - người đang trú ẩn tạm tại trường tạm trú của Liên hiệp quốc ở Khan Youn cho biết: “Hầu hết nước ở dải đất này đều bị ô nhiễm. Người dân trong các nơi trú ẩn uống nước bị ô nhiễm".

Izzeddin Jarbou, một người Palestine sống ở miền nam Gaza, cho biết: "Mọi người đến bất kỳ nơi nào họ nghĩ có thể có nước và xếp hàng dài chờ đợi hàng giờ cho đến khi họ có thể tìm được nước an toàn để uống".

James Elder, phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết nhiều người không thể nhận được gì ngoài nước mặn.

"Công suất sản xuất nước của Gaza chỉ bằng 5% sản lượng hàng ngày thông thường. Tử vong ở trẻ em - đặc biệt là trẻ sơ sinh - do mất nước là mối đe dọa ngày càng tăng. Nếu không có lệnh ngừng bắn, không có nước, không có thuốc men và không thả những đứa trẻ bị bắt cóc, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nỗi kinh hoàng còn lớn hơn" - ông James Elder nói.

Theo phụ nữ TPHCM