Một tác phẩm nghệ thuật ở Delhi được thực hiện để làm nổi bật bạo lực tình dục sau vụ cưỡng hiếp tập thể một phụ nữ Dalit (Ấn Độ) năm 2020. Ảnh: AP

Theo dữ liệu được thu thập bởi tổ chức phi lợi nhuận Equality Now (Mỹ), nạn nhân của các vụ việc tấn công tình dục tại một số quốc gia Nam Á phải trải qua khám nghiệm âm đạo để đi đến kết luận điều tra. Theo đó, có 3 quốc gia đang thi hành quy định này bao gồm Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka.

Kiểm tra âm đạo, hay còn gọi là kiểm tra trinh tiết, được sử dụng để xét xem người phụ nữ đã bị tấn công tình dục hay chưa, từ đó đưa ra phán quyết cuối cùng đối với kẻ gây án. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy nạn nhân chưa bị xâm hại màng trinh, người phụ nữ không được xem là đã bị hãm hiếp.

Luật sư Divya Srinivasan, có văn phòng đặt tại Delhi (Ấn Độ) và là đồng tác giả của báo cáo cho rằng, bài kiểm tra vì mục đích nhân quyền này đã tự vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, bà Sumeera Shrestha, giám đốc điều hành của tổ chức Women for Human Rights (Nepal) cho rằng: "Quy định này hạ thấp phụ nữ và mang tính vô nhân đạo. Bài kiểm tra không đơn thuần để phán quyết rằng đã xảy ra hiếp dâm hay chưa, nó giống như đang kiểm tra trinh tiết của người phụ nữ".

Phụ nữ Ấn Độ biểu tình sau vụ hiếp dâm tập thể và giết một phụ nữ Dalit ở Uttar Pradesh. Ảnh: AP

Khám nghiệm âm đạo - điều tra hay xúc phạm danh dự?

Quá trình khám nghiệm âm đạo được tiến hành bởi một bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ này sẽ đưa hai ngón tay vào âm đạo của nạn nhân bị hãm hiếp để xác định xem màng trinh có bị rách hay không, cũng như kiểm tra độ co giãn của âm đạo.

Nếu màng trinh của nạn nhân còn nguyên vẹn và không bị xâm hại, kết quả kiểm tra sẽ được dùng để đưa ra phán quyết không xảy ra hiếp dâm. Tuy nhiên, hiếp dâm hoặc tấn công tình dục không nhất thiết phải gây ra rách màng trinh.

Hơn nữa, báo cáo cũng chỉ ra khám nghiệm âm đạo thường được sử dụng để tìm ra "bằng chứng" rằng nạn nhân từng quan hệ tình dục trong quá khứ. Điều này nhằm xem xét lại cáo buộc phạm tội hiếp dâm cho những kẻ gây án.

5 quốc gia trong khu vực Nam Á bao gồm Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal và Sri Lanka, cho phép sử dụng bằng chứng nêu chi tiết lịch sử tình dục của nạn nhân bị cưỡng hiếp. Luật sư Srinivasan cho biết, pháp luật ở Bangladesh và Sri Lanka quy định cụ thể trong các vụ việc hãm hiếp, một người có thể đưa ra các bằng chứng về "tính cách vô đạo đức" trong quá khứ. Hành vi hiếp dâm xúc phạm đến danh dự và sự trong trắng của một người phụ nữ".

Báo cáo lần này tập trung vào cảm nhận của phụ nữ ở 6 quốc gia Nam Á về vấn đề kiểm tra âm đạo đối với nạn nhân bị cưỡng hiếp. Kết quả cho thấy, khám nghiệm âm đạo khiến cho quá trình tố cáo và đòi lại công lý cho nạn nhân trở nên vô cùng khó khăn và nặng nề.

Thực tế điều tra và kết án

Ở nhiều quốc gia, tỉ lệ kết án tội hiếp dâm thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn như ở Bangladesh, tỉ lệ này chỉ ở mức 3%. Những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục phải đối mặt với sự chậm trễ trong hệ thống xử lý tư pháp. Nhiều vụ án hãm hiếp phải mất vài năm để điều tra và xét xử. Ngoài ra, không loại trừ các quan chức nhận tiền hối lộ từ phía những kẻ gây án. Những điều trên khiến cho thời gian xử lý vụ việc kéo dài và tỉ lệ kết án rất thấp ở một số quốc gia.

Ngoài ra, theo bà Shrestha cho biết, ở Nepal, những nạn nhân bị hãm hiếp nếu may mắn sống sót thì phải đối mặt với nguy cơ bỏ lọt vụ án và sự kỳ thị của xã hội. "Phụ nữ bị đe dọa. Những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cũng bị đe dọa. Những góa phụ bị các thành viên trong gia đình hãm hiếp không thể công khai báo án vì những kẻ gây án đe dọa đến con cái của họ", bà Shrestha nói thêm.

Một cuộc biểu tình ở Dhaka đòi công lý cho các nạn nhân bị hãm hiếp ở Bangladesh, nơi tỉ lệ kết tội chỉ 3%. Ảnh: Getty

Ở Bangladesh, Nepal và Ấn Độ, khoảng 60% phụ nữ là nạn nhân của các cuộc tấn công tình dục cho biết, họ đang chịu áp lực phải chọn giữa giải quyết hoặc thỏa hiệp đối với trường hợp của mình. Trong một số trường hợp, dù đã đi tới phán quyết thỏa hiệp, nạn nhân sau đó không hề được nhận bồi thường dù hung thủ đã hứa sẽ trả trước đó.

Những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục bị cộng đồng kỳ thị và thậm chí phải đối mặt với các rào cản lớn trong tiếp cận công lý. Những điều này là hậu quả của định kiến, chèn ép giai cấp, bộ lạc, sắc tộc hoặc tôn giáo.

Giải pháp thoát khỏi những bất cập trong xét xử

Theo bà Srinivasan, đào tạo cho những quan chức tư pháp và các chuyên gia chăm sóc y tế cách thức giải quyết vụ việc là giải pháp tốt nhất để hỗ trợ phụ nữ - nạn nhân của các vụ hãm hiếp. Quan trọng hơn, cần phải loại bỏ bài khám nghiệm âm đạo bằng cách sử dụng ngón tay để kiểm tra. Ở những quốc gia đang cấm việc khám nghiệm này, cần đảm bảo tất cả chuyên viên đều tuân thủ lệnh cấm.

Phương Thanh (Nguồn: The Guardian)