leftcenterrightdel
 Các chuyên gia cảnh báo nắng nóng có thể khiến vận động viên bị mất sức, say nắng, thậm chí tử vong. Anh:Bloomberg.

Thế vận hội mùa hè (Olympic Paris 2024) dự kiến diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8.

Tuy nhiên, các vận động viên (VĐV) hàng đầu cùng nhiều nhà khoa học về khí hậu cảnh báo nhiệt độ cực cao sẽ khiến việc tổ chức Thế vận hội vào các tháng mùa hè đang trở thành "nhiệm vụ bất khả thi" với lo ngại điều kiện nguy hiểm tại Thế vận hội Paris năm nay.

Lo ngại

Một nhóm VĐV Olympic đã làm việc với các nhà khoa học về khí hậu và nhà sinh lý nhiệt từ Đại học Portsmouth của Anh để đánh giá mối đe dọa mà nhiệt độ nóng lên có thể gây ra cho các VĐV thi đấu.

Trong báo cáo công bố hôm 18/6, họ cảnh báo rằng sức nóng dữ dội ở thủ đô nước Pháp vào mùa hè này có thể khiến các VĐV gặp khó.

Một trong những khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo là thay đổi lịch trình thi đấu truyền thống, để các phần thi diễn ra vào những tháng mát mẻ hơn hoặc thời điểm mát hơn trong ngày.

Phát biểu với các phóng viên, Kaitlyn Trudeau, cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Climate Central, cho biết: "Nếu không có nỗ lực phối hợp để giảm lượng khí thải carbon thì chắc chắn rằng nhiệt độ Trái Đất đang đi theo một quỹ đạo khiến cho việc đăng cai Thế vận hội mùa hè là gần như không thể, nếu không muốn nói rằng hoàn toàn bất khả thi".

Trudeau nói thêm rằng nhiệt độ cực cao kết hợp với độ ẩm khiến cơ thể khó hạ nhiệt, có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng do nhiệt, chóng mặt, kiệt sức và say nắng.

Samuel Mattis, VĐV ném đĩa của đội tuyển Olympic Mỹ, cho biết điều kiện nắng nóng đã làm gián đoạn các cuộc thử nghiệm điền kinh ở Olympic 2021, cuối cùng phải tổ chức vào buổi tối dù nhiệt độ vẫn ở khoảng 30 độ C.

"Tôi nghĩ ở nhiều nơi, tại Mỹ và trên khắp thế giới, các giải đấu được tổ chức vào mùa hè trở nên bất khả thi, trừ khi chúng diễn ra vào nửa đêm", anh nói.

Jamie Farndale, một cầu thủ bóng bầu dục bảy người của Đội tuyển Anh, cho biết nhiệt độ khắc nghiệt "làm mất đi rất nhiều sức lực" khi thi đấu.

Cầu thủ người Anh cho biết anh muốn ngành thể thao gióng lên hồi chuông cảnh báo để ngăn chặn tình trạng nóng lên cũng như xem xét các biện pháp thích ứng như thay đổi lịch thi đấu.

Nắng nóng thành mối đe dọa với thể thao

Các nhà nghiên cứu khí hậu cũng xem xét nhiệt độ đã thay đổi như thế nào kể từ lần gần nhất Thế vận hội mùa hè được tổ chức tại Paris và Pháp cách đây một thế kỷ vào năm 1924. Kết quả cho thấy nhiệt độ tăng trung bình 3,1 độ C trong những tuần của tháng 7 và tháng 8.

Họ nhận thấy nguy cơ nắng nóng cực độ cao tại Thế vận hội Paris năm nay, dẫn bằng chứng về đợt nắng nóng chết người ở Pháp năm 2003 và những năm sau đó nhiệt độ đã phá kỷ lục, vượt quá 42 độ C.

Sự kiện lần này diễn ra sau khi Thế vận hội Tokyo năm 2021 được mệnh danh là "nóng nhất trong lịch sử", với mức nhiệt vượt quá 34 độ C và độ ẩm lên tới gần 70%.

leftcenterrightdel
Ban tổ chức cần có kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người thi đấu tại Olympic mùa hè năm nay. Ảnh:Bloomberg.  

Bình luận về Thế vận hội năm đó, Marcus Daniell, một VĐV quần vợt người New Zealand và là người giành huy chương đồng Olympic, cho biết: "Tôi cảm thấy sức nóng đang đến gần với rủi ro thực sự".

Ở một diễn biến khác, Pragnya Mohan, VĐV ba môn phối hợp có thứ hạng cao nhất trong lịch sử Ấn Độ, cho biết cô không thể tiếp tục tập luyện ở quê nhà vì thời tiết quá nóng.

Mohan cho biết các nhà tài trợ muốn "có nhiều khả quảng bá hơn" nên các sự kiện có xu hướng được tổ chức vào buổi chiều, có nghĩa là cô đã thi đấu trong những điều kiện "cực nguy hiểm" với nhiệt độ hơn 40 độ và độ ẩm trên 80%.

Báo cáo do Hiệp hội Thể thao Bền vững Anh và FrontRunners đưa ra đã nêu 5 khuyến nghị nhằm hỗ trợ và bảo vệ VĐV tốt hơn khỏi tình trạng nắng nóng khắc nghiệt.

Cùng với việc lên lịch trình thông minh hơn để tránh thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, những khuyến nghị còn thúc giục các cơ quan thể thao đưa ra kế hoạch bù nước và làm mát tốt hơn cho VĐV; trao quyền cho họ lên tiếng về biến đổi khí hậu; thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan thể thao và VĐV trong các chiến dịch nâng cao nhận thức về khí hậu và đánh giá lại việc tài trợ nhiên liệu hóa thạch trong thể thao.

Sebastian Coe, chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Thế giới và là người 4 lần giành huy chương Olympic, cho biết: "Đối với các VĐV, từ những vấn đề nhỏ ảnh hưởng đến hiệu suất như mất ngủ và thay đổi thời gian thi đấu vào phút chót, cho đến những tác động nghiêm trọng hơn về sức khỏe cũng như căng thẳng và chấn thương liên quan đến nhiệt độ, hậu quả có thể đa dạng và rộng khắp".

"Với nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, biến đổi khí hậu ngày càng được coi là mối đe dọa hiện hữu đối với thể thao", Coe nói.

Các vận động viên khác tham gia vào báo cáo này bao gồm: Hannah Mills, nhà vô địch môn thuyền buồm Olympic người Anh; Imogen Grant, VĐV chèo thuyền Olympic người Anh; Eliza McCartney, VĐV giành huy chương đồng Olympic người New Zealand ở môn nhảy sào; Kelsey-Lee Barber, VĐV giành huy chương đồng Olympic người Australia ở môn ném lao; Rhydian Cowley, VĐV đi bộ Olympic người Australia; Ajla Del Ponte, VĐV nhảy cầu Olympic người Thụy Sĩ; Elena Vallortigara, VĐV nhảy cao Olympic người Italy; Morten Thorsby, cầu thủ bóng đá người Na Uy; Jenny Casson, VĐV chèo thuyền Olympic người Canada; và Katie Rood, cầu thủ bóng đá người New Zealand.

Theo lifestyle.znews