Phòng thí nghiệm Pavillon des Sources từng là nơi nữ bác học Marie Curie sống và làm việc, nằm ở trung tâm Paris, dự kiến sẽ được san ủi hoàn toàn. Đây là một phần trong dự án phát triển Institut Curie (Viện Curie) - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý địa điểm này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Rima Abdul Malak cho biết trong một bài đăng trên X cuối tuần qua rằng việc phá dỡ đã bị tạm dừng sau các cuộc thảo luận với Chủ tịch viện Thierry Philip.

Ngăn chặn việc phá dỡ phòng thí nghiệm của Marie Curie- Ảnh 1.

Ảnh chụp Marie Curie trong phòng thí nghiệm

CNN

Phòng thí nghiệm ở số 26 đường d'Ulm là 1 trong tòa nhà được xây dựng khi Viện Radium, ngày nay gọi là Institut Curie, thành lập vào năm 1909. Phòng thí nghiệm được dự định phá bỏ để nhường chỗ cho một tòa nhà mới, lớn hơn nhưng các nhà hoạt động bảo vệ di sản văn hóa đã phản đối quyết định này vì vai trò của Pavillon des Sources trong sự nghiệp khoa học đột phá của Marie Curie.

Chính tại đây, nhà vật lý người Pháp gốc Ba Lan từng sống và làm việc, thực hiện một số công trình dẫn đến việc bà phát hiện ra polonium và radium.

Đại sứ Ba Lan tại Anh, Piotr Wilczek, ca ngợi quyết định tạm dừng việc phá dỡ trong một bài đăng trên X.

"Một thắng lợi cho việc bảo tồn di sản! Phòng thí nghiệm ở Paris của Marie Curie, nơi người phụ nữ đoạt giải Nobel gốc Ba Lan đi tiên phong trong nghiên cứu mang tính đột phá, đã thoát khỏi việc bị phá dỡ. Chúng ta hãy lưu giữ di sản của nhà nữ bác học phi thường này!", Wilczek viết.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Baptiste Gianeselli, một nhân vật chủ chốt trong chiến dịch cứu phòng thí nghiệm và đưa nó vào danh sách di tích lịch sử, cho biết cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.

Ngăn chặn việc phá dỡ phòng thí nghiệm của Marie Curie- Ảnh 2.

Pavillon des Sources ở trung tâm Paris

CNN

Trong khi đó, Institut Curie khẳng định dự án xây dựng nên được tiến hành.

Một tuyên bố của Institut Curie công bố hôm 5.1 cho biết Pavillon des Sources chỉ đơn giản là một khu lưu trữ chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, Institut Curie xác nhận việc dỡ bỏ phòng thí nghiệm trong dự án bị đình chỉ, dành "thời gian suy ngẫm". Trong thời gian đó các giải pháp thay thế sẽ được xem xét.

Marie Curie (1867-1934) trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel và là người phụ nữ duy nhất từng đoạt giải Nobel ở 2 hạng mục: vật lý và hóa học.

Marie Curie (Maria Sklodowska) sinh ra ở Warsaw, Ba Lan. Bà chuyển đến Paris vào năm 1891 để theo học tại Đại học Sorbonne, nơi bà gặp chồng - nhà vật lý Pháp Pierre Curie - vào năm 1894. Cặp đôi kết hôn vào năm sau và cùng nhau thực hiện một số nghiên cứu ban đầu trước khi Pierre qua đời năm 1906.

Theo Thanh niên