Người dân và du khách bắt buộc phải đeo khẩu trang tại khu nghỉ dưỡng Saint-Tropez. (Nguồn: AFP)

 

Các khu nghỉ dưỡng và địa điểm nghỉ mát của Pháp vẫn đang náo nhiệt trong giai đoạn cao điểm du lịch bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, với việc thiếu vắng du khách nước ngoài và tác động của đại dịch nguy hiểm trên ngày càng lớn, các địa điểm du lịch của Pháp đang trải qua một mùa Hè khác biệt so với mọi năm.

Đối với mỗi người dân Pháp, một kỳ nghỉ Hè kéo dài vài tuần, thường được tổ chức trong nước thay vì ra nước ngoài, vốn là một "nghi thức" thiêng liêng hằng năm.

Chính phủ Pháp đã tích cực khuyến khích người dân đi du lịch nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn bị đại dịch tàn phá.

Do đó, khu nghỉ dưỡng Saint-Tropez hào nhoáng ở Địa Trung Hải - vốn là "một thỏi nam châm" thu hút du khách quốc tế - nay đã tấp nập du khách trong nước song lại vắng bóng những du khách nước ngoài "chịu chi."

Claude Maniscalco, chủ văn phòng du lịch Saint-Tropez chia sẻ: "Vào mùa Hè, chúng tôi thường đón 85% khách quốc tế và 15% khách trong nước. Năm nay, 60% du khách đều là người Pháp."

Mặc dù vẫn còn lác đác du khách nước ngoài đến từ các quốc gia láng giềng, song việc vắng bóng khách du lịch từ những nơi xa xôi hơn đã là minh chứng cho sự khác biệt rõ rệt nhất so với những mùa Hè tấp nập khách nước ngoài trong quá khứ.

Một quan chức địa phương cho biết dù Saint-Tropez vẫn tiếp đón một lượng khách trong nước và châu Âu giàu có, lưu trú tại những địa điểm cao cấp, song họ lại không "chịu chi" như du khách Nga hay Mỹ.

Trong khi đó, Jean-Francois Tourret, chủ bến cảng Saint-Tropez, cho biết bến cảng của ông thậm chí tấp nập và bận rộn hơn năm ngoái, song điều khác biệt được thấy rõ khi họ chủ yếu tiếp đón nhiều tàu thuyền của người Pháp hơn, trong khi hình ảnh những chiếc siêu du thuyền đến từ Nga hay vùng Vịnh cập cảng không còn xuất hiện.

"Một mùa Hè khác biết" cũng là cảm giác chung của các du khách tới nghỉ mát tại Saint-Tropez khi họ không thể hoàn toàn thoát khỏi "bóng đen" dịch COVID-19 để thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng của mình.

Với tỷ lệ lây nhiễm vẫn đang gia tăng trên khắp nước Pháp, Saint-Tropez trong tháng này đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài sau khi ghi nhận một loạt ca mắc tại các quán bar và nhà hàng.

Dù các câu lạc bộ giải trí ban đêm trên khắp nước Pháp vẫn đóng cửa, song điều này không thể ngăn cản những bữa tiệc ngẫu hứng được tổ chức ngay trên các bãi biển và trong nhà mà sau đó có thể trở thành những ổ dịch phát tán virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Mùa Hè năm nay cũng là một thảm họa đối với các khách sạn và nhà hàng ở Avignon thuộc vùng Provence, miền Đông Nam nước Pháp.

Khách du lịch tham quan Cung điện của Giáo hoàng ở Avignon. (Nguồn: en24.news)

 

Ngành du lịch tại đây đã phải hứng "một đòn mạnh" khi Liên hoan sân khấu hằng năm - một trong những sự kiện văn hóa quan trọng bậc nhất của ngành kịch nghệ Pháp vốn kéo dài nhiều tuần vào dịp Hè - đã phải hủy bỏ.

Một chủ khách sạn cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng trong tháng 7 chỉ đạt 20% trong khi thông thường khách hàng đã đặt kín phòng từ cách đấy 1 năm.

Trong khi đó, lượng du khách tham quan Cung điện của Giáo hoàng theo kiến trúc gothic - một trong những di sản thế giới - đã giảm mạnh xuống còn 2.500 người/ngày so với thời kỳ đỉnh điểm 6.000 người/ngày hồi tháng 8/2019.

Vùng Arles lân cận cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự khi lễ hội nhiếp ảnh hằng năm - vốn thường thu hút hàng chục nghìn du khách - đã bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, không phải mọi ngành nghề kinh doanh tại Pháp phải hứng chịu tình cảnh ế ẩm. Những ngôi làng "đẹp như tranh" ở Luberon thuộc Provence và các dịch vụ cao cấp khác vẫn "giữ vững phong độ" bất chấp khủng hoảng.

Tại thị trấn nhỏ L'Isle-sur-la-Sorgue bên ngoài Avignon, du khách vẫn tấp nập trên những con phố chật hẹp nổi tiếng với các cửa hiệu đồ cổ.

Tại cửa hàng chuyên kinh doanh loại nấm cúc (truffle) quý hiếm và đắt đỏ, chủ cơ sở Michelle Colomina cho biết đã ghi nhận doanh thu bán hàng tăng 40% chủ yếu nhờ du khách người Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ cùng du khách trong nước.

Phần còn lại của nước Pháp vẫn đang kỳ vọng xu hướng này sẽ được nhân rộng trên khắp cả nước trong thời gian tới.

Theo Vietnamplus