leftcenterrightdel
 Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thủy

Quyết định này được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28/11 đến 3/12 tại thủ đô Rabat của Maroc.

Phát biểu tại lễ công bố, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, khẳng định chính phủ và đặc biệt là cộng đồng người Chăm ở Việt Nam cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo vệ di sản quý giá này.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay, cùng với các hồ sơ vừa được ghi vào Danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) và Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Thành phố học tập Cao Lãnh.

leftcenterrightdel
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại thủ đô Rabat, Maroc. Ảnh: TTXVN 

Với sự ghi nhận này của UNESCO, đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm Gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Việc ghi danh cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.

Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận), tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay.

Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.

Nguyễn Thu Hà (Nguồn: TTXVN)