Vắc xin của hãng Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều so với 2 liều của các vắc xin khác /// REUTERS
Vắc xin của hãng Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều so với 2 liều của các vắc xin khác
REUTERS
Vắc xin của hãng Johnson & Johnson vốn là một trong những vũ khí quan trọng nhất của châu Phi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Từ đầu, Hãng Johnson & Johnson, trụ sở ở New Jersey (Mỹ), đồng ý sẽ chuyển giao số vắc xin cho phép tiêm chủng 1/3 dân số châu lục đen. Và một phần vắc xin Johnson & Johnson xuất xưởng từ Aspen Pharmacare, một nhà sản xuất ở Nam Phi, làm dấy lên hy vọng vắc xin sẽ sớm đến tay người dân châu Phi. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, theo báo The New York Times hôm 17.8.

Vắc xin “chảy” khỏi châu Phi

Nam Phi vẫn chờ Johnson & Johnson giao vắc xin như thỏa thuận. Đến nay, nước này mới tiêm khoảng 2 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson, so với 31 triệu liều đã ký kết. Đây là nguyên nhân chính đằng sau chiến dịch tiêm chủng chưa thành công của Nam Phi. Hiện chưa đến 7% dân số trưởng thành ở Nam Phi được tiêm đủ vắc xin.
Cùng thời điểm, Johnson & Johnson lại vận chuyển hàng triệu liều sản xuất ở Nam Phi đến châu Âu, theo thông tin từ Johnson & Johnson, Aspen Pharmacare và số liệu xuất khẩu của chính phủ Nam Phi. Tiến sĩ Glenda Gray, nhà khoa học Nam Phi hỗ trợ dẫn đầu chiến dịch thử nghiệm lâm sàng vắc xin Johnson & Johnson ở nước này, cho rằng cần ưu tiên cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho những nước nghèo hơn và tham gia vào quy trình sản xuất vắc xin. Bà so sánh tình trạng này giống như một nước là kho lương thực của thế giới, nhưng phải chứng kiến thực phẩm xuất khẩu đến các quốc gia giàu có, trong khi người dân trong nước lại thiếu ăn.
Nghịch lý chuyện cung ứng vắc xin Covid-19 ở châu Phi - ảnh 1

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiêm vắc xin

REUTERS

Nhiều quốc gia phương Tây không xuất khẩu vắc xin sản xuất nội địa. Tuy nhiên, Nam Phi lại không có đặc quyền đó. Điều này do hợp đồng ký kết giữa chính phủ và Johnson & Johnson trong năm nay có điều khoản ghi rõ Nam Phi phải từ bỏ quyền hạn chế xuất khẩu đối với vắc xin Covid-19. Ông Popo Maja, người phát ngôn của Bộ Y tế Nam Phi, cho hay chính quyền không có lựa chọn: “Phải ký vào thỏa thuận hoặc không có vắc xin”.
Theo The New York Times, số liệu xuất khẩu của Nam Phi cho thấy Johnson & Johnson đã chuyển 32 triệu liều khỏi nước này trong vài tháng gần đây. Trong đó, Đức vào tháng 4 tiếp nhận vắc xin do Aspen sản xuất. Còn Tây Ban Nha nhận được hơn 800.000 liều vắc xin từ Nam Phi trong tháng 6 và tháng 7.

Bức tranh ảm đạm cho châu lục

Trong khi một số quốc gia châu Phi đã nhận được một số lượng nhỏ vắc xin từ Johnson & Johnson vào tuần đầu tháng 8, con số này quá ít so với 400 triệu liều được Liên minh châu Phi đặt mua hoặc được quyền mua cho các quốc gia thành viên. Đến nay, mới có khoảng 2% dân số trưởng thành của châu Phi được tiêm đủ vắc xin Covid-19.
Ông Paul Stoffels, giám đốc khoa học của Johnson & Johnson, cho hay hãng đã cố gắng hết mức để ưu tiên chuyển giao vắc xin cho Nam Phi. Ông đề cập 500.000 liều tiêm chủng cho giới nhân viên y tế của nước này hồi đầu năm, và nhà máy của Aspen sẽ tập trung cung cấp vắc xin cho các quốc gia châu Phi trong những tháng tới.
Aspen chịu trách nhiệm công đoạn cuối của chuỗi quy trình sản xuất vắc xin, gọi là “chiết vào lọ và đóng gói”. Hãng tiếp nhận vắc xin với khối lượng lớn, sau đó chiết vào lọ và đóng gói trước khi kiểm tra và chuyển giao. Phía lãnh đạo Johnson & Johnson giải thích tình trạng thiếu vắc xin cho châu Phi là do xảy ra sự cố ở nhà máy Baltimore của hãng Emergent BioSolutions, vốn xử lý giai đoạn đầu tiên của quy trình sản xuất.
Đầu tháng 6, Reuters đưa tin giới chức y tế Mỹ phải hủy bỏ 60 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson vì xảy ra tình trạng nhiễm bẩn trong khâu sản xuất ở nhà máy trên. Sự cố này đã làm trì hoãn các hợp đồng giao vắc xin của Johnson & Johnson cho nhiều nước, trong đó có châu Phi.
Theo hợp đồng, Johnson & Johnson phải chuyển giao 2,8 triệu liều cho Nam Phi vào cuối tháng 6, thêm 4,1 triệu liều trong tháng kế tiếp. Chính phủ Nam Phi kỳ vọng sẽ tiếp nhận ít nhất 20 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 6, Nam Phi mới nhận được khoảng 1,5 triệu liều trên tổng số đơn đặt hàng, trong khi làn sóng dịch do biến thể Delta tiếp tục hoành hành và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Theo Thanh Niên