Các giáo viên nhận trông trẻ tại nhà có giá từ 150 - 200 nghìn đồng/ ngày, việc ăn uống, sinh hoạt của học sinh y hệt như trên trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Do dịch bệnh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước quyết định cho học sinh, sinh viên các cấp nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng dịch. Học sinh nghỉ học, người lớn vẫn phải đi làm, nhiều gia đình rơi vào cảnh "đi làm không được, ở nhà không xong".
Cuối tháng 1, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn (34 tuổi, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải chia nhau ra chăm sóc con mới 3 tuổi, nhưng đợt đó cuối năm nên việc thay nhau ở nhà không mấy khó khăn. Ra Tết, nhận được thông báo của Hà Nội cho học sinh nghỉ hết tháng 2, vợ chồng anh bắt đầu lo lắng vì không biết gửi con ở đâu.
"Ông bà hai bên đều ở quê, con còn nhỏ nên bám bố mẹ, vợ chồng tôi cũng không nỡ xa con. Trường học đóng cửa, hơn một tuần nay vợ chồng tôi đã chạy ngược xuôi, nhờ người quen giới thiệu người trông con nhưng khó. Công việc nhiều, phương án thay nhau xin nghỉ để ở nhà trông con không thể kéo dài mãi", anh Tuấn thở dài.
"Mấy hôm nay hai vợ chồng tôi hết gửi con ở nhà người này một buổi, người kia một hôm khiến cả hai như phát điên. Giờ chỉ mong dịch bệnh được khống chế để các con đến trường", anh Tuấn tâm sự.
May mắn hơn gia đình anh Tuấn, chị Vũ Thị Linh (35 tuổi, tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã nhanh chóng tìm được giáo viên nhận trông và dạy con gái 4 tuổi tại nhà. Với mức giá 200 nghìn đồng/ngày, bao gồm 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ cùng phụ đạo môn tiếng Anh. Đa phần, mỗi cô giáo sẽ trông từ 2-3 bé hoặc hơn, tùy vào nhu cầu của phụ huynh.
Gia đình chị Linh sống ở chung cư, hai vợ chồng làm công việc hành chính, chồng lại hay đi công tác xa, không có người trông con nên việc thuê được cô giáo trông con khiến nữ phụ huynh thở phào.
Theo chị, gửi con trong thời gian dịch bệnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng giáo viên đều là cư dân trong tòa nhà, đặc biệt trước khi gửi con chị đã nắm được lịch trình của các cô nên cũng an tâm. "Thực ra các cô cũng như người nhà, trông hộ con giúp mình lúc khó khăn. Mà con cũng quen cô nên mọi chuyện dễ dàng hơn", nữ phụ huynh nói.
Chị Nguyễn Thị Chang (30 tuổi, tại quận Hà Đông, Hà Nội) có một bé trai 3 tuổi. Cả gia đình từ quê lên Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vợ chồng chị vội vàng tìm chỗ gửi con, do con còn bé không thể tự chơi ở nhà một mình. "Tôi có hôm được ở nhà, có hôm không nhưng vẫn cần tìm người trông hộ", chị Chang kể.
Sau một thời gian tìm kiếm trong các hội nhóm ở khu chung cư, nữ phụ huynh mới biết có nhiều giáo viên mầm non ở cùng tòa đang rảnh việc. Nhanh chóng liên hệ, chị Chang vui mừng khi tìm được nơi gửi con, hôm nào bận chị sẽ thuê người trông hộ, có thể nửa buổi hoặc cả ngày, số tiền dao động từ 150 -200 nghìn đồng/ ngày gồm hai bữa chính, phụ.
"Mình sẽ lên cơ quan từ 6h sáng đến 6h tối mới về, khi ấy các cô sẽ đến nhà trông con giúp. Khi nào mình về thì các cô về. Trong thời gian dịch bệnh này, tìm được người trông con đúng là toát mồ hôi", chị cười.
Trước đó, chiều 22/2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống Covid-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện, phường, xã để xem xét diễn biến dịch. Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay toàn thành phố chỉ còn 4 điểm bị cách ly, dự kiến hết tháng 2 các điểm này cũng sẽ được gỡ cách ly. Từ 28/1 đến nay, Hà Nội ghi nhận 35 trường hợp dương tính đang được điều trị, các trường hợp tiếp xúc gần đã được cách ly.
Theo ông Hạnh, nếu tình hình dịch trên địa bàn cuối tháng 2 tiếp tục được kiểm soát, không có phát sinh các ca bệnh mới hay diễn biến phức tạp lên, thành phố có thể xem xét nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch vào đầu tháng 3 như: cho học sinh đi học trở lại; các lễ hội được tổ chức, di tích được mở cửa...
Theo ione