Ông bà Betsy và David Sheen đi dạo cùng những chú chó

Trầm cảm vì cô độc

Betsy (76 tuổi) và David Sheen (75 tuổi) cùng những chú chó đi dạo sau khi nhận thư ở Bowdoinham, Maine. Đi bộ là cách giết thời gian khi họ đối mặt với sự sợ hãi, cô lập do dịch Covid-19 gây ra. Cả hai đều dùng thuốc ức chế miễn dịch khiến họ có nguy cơ cao nếu mắc phải virus SARS-CoV-2. 

Họ cố gắng giữ thái độ tích cực, nhưng vẫn hoảng loạn trước hàng trăm tin xấu đăng tải mỗi ngày. Bà Betsy Steen chọn cách đọc sách, may khẩu trang, cung cấp các bài học video cho các cháu… và cố gắng không lo lắng.

Cuộc sống nhiều người già ở Mỹ trong dịch Covid-19 trở nên cô độc và nhàm chán. Bà Gayle Sprague, người sống một mình ở Machias, cách bệnh viện gần nhất 90 dặm đường. Bà cho biết đã 3 tháng bà không được gặp cháu của mình. 

Bà Jerry Horn thì sống một mình không có điện thoại di động, không có máy tính và không có tivi ở Sanford. Ở đó cũng không có nhóm đan lát, không thư viện để giải trí.

Các bác sĩ cho biết, sự cô lập có thể khiến mọi người bị căng thẳng, khiến người già càng dễ bị tổn thương và trầm cảm hơn. Các tiểu bang nông thôn có dân số già như Maine đang phải đối mặt với những vấn đề đặc biệt trong đại dịch chết người như covid-19. Sự cô đơn gây ra tổn thất về mặt cảm xúc và thể xác cho những cư dân mong manh. Việc cung cấp thực phẩm và thuốc men đến nhà người dân trong thời gian cách ly là một thách thức lớn. Trong khi đó, các bệnh viện vùng nông thôn lo rằng các phòng cấp cứu quá tải nếu virus tiếp tục lây lan trong cộng đồng.

Tại Maine, đằng sau những cảnh bình yên của ngọn hải đăng và thuyền đánh bắt tôm hùm là những vấn đề cần quan tâm vì đây là bang có dân số già nhất và nhiều nông dân nhất. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, vấn đề nhân khẩu học thách thức của Maine cũng đã trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu điều dưỡng và trung tâm chăm sóc sức khỏe, kém xa bang nghèo New England.

Bà Jeanne Jordan (75 tuổi), biên tập viên một tờ báo đã nghỉ hưu, đã thành lập một câu lạc bộ sách ảo giúp mọi người đọc sách thư giãn, tạm quên đi nỗi lo về đại dịch

 

Ở Maine, người cao niên nằm rải rác trên một tiểu bang với những vùng đất dân cư thưa thớt rộng lớn. Chỉ 1/3 người dân ở Maine được hưởng phúc lợi, còn nông dân đối mặt với cuộc sống nghèo đói, hạn chế trong tiếp xúc dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như dịch vụ truy cập internet.

Nguy cơ tử vong cao với 80% người cao tuổi

Theo phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đa số các ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ tập trung vào nhóm người từ 65 tuổi trở lên với tỷ lệ lên tới 80%. 

Mỹ có 1 triệu người sống trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe và nhà dưỡng lão. Hiện đã có hơn 3.600 ca thiệt mạng liên quan đến Covid-19 tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe và nhà dưỡng lão. Đây là con số tăng cao kỷ lục trong 2 tuần vừa qua. 

Cư dân các nhà dưỡng lão nằm trong số những người có khả năng tử vong cao nhất do dịch Covid-19 vì tuổi cao và nhiều người có các bệnh nền khác. Gần 60% số ca tử vong ghi nhận xảy ra ở New York, nơi có hơn 1.300 cư dân các viện dưỡng lão và các cơ sở trợ giúp cuối đời đã chết.

Viện dưỡng lão Life Care thuộc thành phố Kirkland, hạt King, bang Washington

 

Với những người cao tuổi bị cách ly trong viện dưỡng lão Life Care thuộc thành phố Kirkland, hạt King, bang Washington - ổ dịch lớn nhất nhì nước Mỹ, nỗi cô đơn đang lây lan nhanh chóng khiến họ đau khổ và tuyệt vọng không kém gì căn bệnh do virus gây ra. Việc phong tỏa viện dưỡng lão Life Care bắt đầu từ ngày 29/1 và chưa biết bao giờ được dỡ bỏ. 

Với những ông bà cụ mắc bệnh và phải cách ly tại Life Care, cuộc sống của họ đang chìm trong sự cô độc và nhàm chán. Họ bị giới hạn trong 4 bức tường phòng ngủ mà không có vị khách nào đến thăm. Họ bàng hoàng nhận ra bạn cùng phòng và hàng xóm của mình lần lượt bị chuyển đi do bệnh tình trở nặng. Khi chính viện dưỡng lão cũng không thể xoa dịu sự lo lắng của mọi người, vết thương lòng lại càng bị khoét sâu.

Hỗ trợ từ cộng đồng

Các doanh nghiệp ở Mỹ đã triển khai những biện pháp để hỗ trợ người cao tuổi giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Zanotto là một trong những chuỗi siêu thị đầu tiên ở bang California có 1 tiếng mở cửa đầu giờ mỗi ngày dành riêng cho người cao tuổi. Trong thời gian này, chỉ những người từ 60 tuổi trở lên mới được mua sắm trong các cửa hàng của chuỗi siêu thị này. 

Tiếp sau Zanotto, một loạt các chuỗi siêu thị lớn như Safeway, Whole Foods, Target, Ralph hay Northgate cũng dành 1 tiếng đầu tiên trong ngày để người cao tuổi mua hàng. Những nỗ lực của các chuỗi siêu thị này vừa để những người cao tuổi không phải đối mặt với tình trạng quá đông trong giờ thông thường, dẫn đến dễ bị lây nhiễm, vừa để có đủ những mặt hàng thiết yếu trước khi bị mua hết. 

Các siêu thị có 1 tiếng mở cửa đầu giờ mỗi ngày dành riêng cho người cao tuổi

 

Không chỉ được hỗ trợ tại các siêu thị, trên toàn nước Mỹ hiện đã thành lập rất nhiều trung tâm chuyên cung cấp đồ ăn miễn phí cho người cao tuổi. Mỗi gia đình cử 1 người dưới 65 tuổi đến nhận đồ ăn mang về. Những ai không có điều kiện sẽ được các nhân viên dịch vụ xã hội hay các tình nguyện viên đưa đồ ăn đến tận nhà. Tất cả là để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm đối với những đối tượng thuộc diện dễ bị lây nhiễm và có tỷ lệ tử vong cao nhất này.

Nhu Thụy (Nguồn: AP, NBC News)