leftcenterrightdel
 Gà rán là món ăn đậm nét văn hóa tại Hàn Quốc, nhưng nhiều người không còn mạnh dạn gọi món này vì bão giá. Ảnh:Koreatimes.

Clark Park (35 tuổi) là một trong số nhiều người ở Hàn Quốc chán nản vì giá thực phẩm tăng cao. Đó là lý do tại sao anh ấy tham gia vào chương trình mua gà rán giảm giá 12% tại một chuỗi siêu thị.

“Đã có hơn 50 người xếp hàng. Nhiều người thậm chí còn đến sớm và chờ đợi suốt hàng tiếng đồng hồ. Ngay khi mở cửa, chúng tôi chạy thật nhanh đến quầy đồ ăn nhanh để săn sale", Park nói với CNN.

Giờ đây, giá gà rán tăng cao đang phản ánh tình trạng bão giá tại đất nước này. Nó đè nặng lên ví tiền của không ít người trẻ và hộ gia đình xứ kim chi.

Cuộc chiến gà rán

Theo số liệu của chính phủ, giá trung bình của gà rán tại Hàn Quốc đã tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, mức tăng này còn cao hơn các mặt hàng ăn uống phổ biến khác như thịt bò nướng hay các món hầm.

Ông Jeong Woo Park, nhà nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, cho rằng người tiêu dùng có thể sẽ còn cảm thấy một sức ép lớn hơn, tùy thuộc vào chi phí của các nhà hàng, siêu thị.

Cảnh tượng người Hàn Quốc xếp hàng dài chỉ để mua gà rán giảm giá ở siêu thị chứng tỏ họ đang phải đối mặt với siêu lạm phát.

Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Hàn Quốc là nơi tiêu thụ gà lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

“Các chi phí liên quan đến gà rán đang tăng rất nhanh. Lý do vì các nhà cung cấp đang bị ảnh hưởng bởi giá dầu, tiền thuê nhà, nhân công, dịch vụ giao hàng và thậm chí cả thức ăn cho gia cầm tăng vọt. Vì vậy, một số nhà hàng đã bắt đầu sử dụng robot để giảm chi phí lao động”, Jeong Woo Park cho biết.

Yunjin Park, một nhà phân tích nghiên cứu cấp cao về thực phẩm và dinh dưỡng tại Euromonitor, cho biết các chuỗi cửa hàng gà đã tăng giá thực đơn lên trung bình 2.000 won, tương đương 1,44 USD.

Mặc dù sự khác biệt có vẻ nhỏ, nhưng nó đã khiến khách hàng phải bỏ ra 22 USD cho một bữa ăn đơn giản.

“Thịt gà từng là thức ăn thoải mái đối với người Hàn Quốc. Tuy nhiên, giờ đây nó là món ăn khiến người ta băn khoăn, do dự khi lựa chọn”, Yunjin Park nói với CNN.

Ngược lại, các siêu thị địa phương đang đi theo hướng khác. Họ có các chương trình khuyến mãi thực phẩm với giá chỉ bằng 1/3 so với mức giá mà các nhà bán lẻ đưa ra.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng để giảm giá. Một số cửa hàng nhỏ có thể bị buộc phải đóng cửa cho đến khi chi phí của họ giảm và thu hút khách hàng trở lại.

leftcenterrightdel
Một nhân viên siêu thị đang bày bán quầy gà rán. Các doanh nghiệp lớn này đang tạo ra áp lực buộc các cửa hàng khác phải chạy theo các đợt giảm giá phổ biến của họ. Ảnh:CNN

“Lợi thế từ các doanh nghiệp lớn là họ có quy mô. Do đó, họ có được mức giá tốt hơn từ nhà cung cấp. Đây là bài toán khó cho các nhà hàng và cửa hàng nhỏ. Họ không thể tận hưởng lợi thế đó, điều này buộc họ phải chấp nhận chi phí của mình cao hơn nhiều nếu không muốn lỗ”, Barsali Bhattacharyya, quản lý giới thiệu ngành tại Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết.

Một cuộc khủng hoảng toàn cầu

Theo EIU, lý do khiến Hàn Quốc phải đối mặt với những vấn đề như vậy là do nước này nhập khẩu gần một nửa lượng lương thực.

Các nhà kinh tế của Nomura cũng cảnh báo đây là một trong những nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá cả tăng vọt trên thế giới, bên cạnh Singapore, Hong Kong và Philippines.

Vào tháng 8, chỉ số giá lương thực của Liên Hợp Quốc đã giảm, điều này làm lạm phát tổng thể ở Hàn Quốc cũng đã giảm bớt nhiều hơn so với dự kiến.

Nhưng các nhà nghiên cứu thị trường nhận định mọi thứ sẽ không sớm được cải thiện. “Chúng tôi cho rằng lạm phát hiện đã vượt qua đỉnh cao, nhưng có khả năng sẽ duy trì trên 5% trong thời gian còn lại của năm”, Min Joo Kang, nhà kinh tế cấp cao của ING về Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ.

Các mặt hàng chủ lực cũng đang trở nên đắt hơn ở những nơi khác ở châu Á.

Tháng trước, Thái Lan đã tăng giá mì ăn liền lần đầu tiên sau 14 năm. Một gói mì từ thương hiệu phổ biến đã tăng từ 3 xu đến 20 xu. Điều này đe dọa đến các gia đình có thu nhập thấp.

“Lạm phát lương thực là một vấn đề khó khăn đối với châu Á", Bhattacharyya nói với CNN.

Chuyên gia này nhận định thu nhập ở các khu vực châu Á đang nằm ở mức thấp hoặc trung bình, thực phẩm thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo zingnews