leftcenterrightdel
Gần 1/3 tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc chỉ có một người. 

Tủ lạnh trống không. Bồn rửa đầy gói mì ăn liền. Các hóa đơn chưa thanh toán. Đó là những thứ lấp đầy ngôi nhà của một người đàn ông 50 tuổi ở Gangseo-gu, Seoul, người được phát hiện đã chết vào ngày 28/6, theo Korea Herald.

Sự ra đi của người này được xếp vào danh sách "cái chết cô đơn" ở Hàn Quốc, nơi gần 1/3 tổng số hộ gia đình chỉ có một người.

Cô lập xã hội và cảm giác cô đơn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, nan giải tại xứ kim chi nói riêng và trong xã hội hiện đại nói chung. Trong những năm gần đây, các quốc gia như Anh và Nhật Bản đã khởi động nhiều dự án cấp nhà nước để giải quyết nỗi cô đơn của người dân.

Với số lượng hộ gia đình một người ngày càng tăng và nhiều người cảm thấy đơn độc hơn bao giờ hết, Hàn Quốc đối mặt với câu hỏi: Liệu có nên đưa ra các chính sách tương tự Nhật Bản và Anh, đồng thời bổ nhiệm một "Bộ trưởng Cô đơn"?

Người Hàn ngày càng cô đơn

Theo Thống kê Hàn Quốc, số hộ gia đình một người tăng vọt từ 5,39 triệu năm 2016 lên 6,64 triệu năm 2021, chiếm 31,7% tổng số hộ gia đình ở nước này.

Ngoài việc nhiều người sống một mình hơn, sự xa cách xã hội trong đại dịch Covid-19 dường như đã làm tăng thêm cảm giác bị cô lập cho người dân Hàn Quốc.

Cuộc khảo sát chung do Gallup Korea và tờ báo Seoul Shinmun thực hiện trên 1.008 người trưởng thành khắp đất nước vào tháng 12/2021 cho thấy 45,9% số người được hỏi cảm thấy "đơn độc hơn" so với trước đại dịch.

Báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Thống kê cho thấy cảm giác cô đơn ở nam giới đã tăng từ 19,6% vào năm 2019 lên 21,2% một năm sau đó. Tương tự, tỷ lệ này ở phụ nữ tăng từ 21,5% lên 23,4%.

leftcenterrightdel
 Nhiều người cảm thấy cô đơn hơn sau đại dịch.

Đối với chỉ số "hạnh phúc chủ quan" - bao gồm các yếu tố như cảm giác hài lòng, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và cảm xúc tổng thể của một người - cũng có sự khác biệt đáng kể.

Năm 2018, Hiệp hội tâm lý học lâm sàng Hàn Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát với 317 nhà tâm lý học thành viên để chẩn đoán mức độ cô đơn của người Hàn Quốc. Kết quả trung bình được đưa ra là 78/100 điểm cô đơn.

Những người được hỏi chọn "chủ nghĩa cá nhân ngày càng tăng" (62,1%) là nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng này, tiếp theo là các yếu tố như căng thẳng gia tăng giữa các tầng lớp và suy thoái kinh tế lần lượt ở mức 54,6% và 48,3%.

Trong báo cáo được thực hiện cùng năm bởi công ty thăm dò ý kiến Hankook Research, 7% người được hỏi cho biết họ "luôn cảm thấy cô đơn", trong khi 19% nói rằng thường xuyên cảm thấy như vậy.

Khoảng 41% những người độc thân được hỏi cho biết thường xuyên thấy cô đơn, trong khi con số này giảm xuống còn 18% đối với các cặp vợ chồng.

Tất cả nghiên cứu kể trên đều chỉ ra rằng cảm giác cô đơn ngày càng tăng đối với người Hàn Quốc.

Nỗi cô đơn giết chết con người

 Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô đơn có thể gây bất lợi cho sức khỏe thể chất của con người.

Đầu tháng 8, Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã đưa ra một tuyên bố khoa học rằng sự cô lập và cô đơn trong xã hội có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc tử vong do đau tim, đột quỵ.

Crystal Cene, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Có bằng chứng mạnh mẽ liên kết sự cô lập và cô đơn trong xã hội với nguy cơ làm giảm sức khỏe tim mạch và não nói chung".

Báo cáo năm 2020 của các học giả về sức khỏe cộng đồng từ Leeds, Anh, cũng nhấn mạnh mối tương quan giữa sự cô đơn và sức khỏe thể chất.

leftcenterrightdel
 

"Bản thân sự cô lập với xã hội làm tăng 29% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, trong khi cô đơn làm tăng 26% và sống một mình là 32%. Đối với những người dưới 65 tuổi, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thậm chí còn lớn hơn", báo cáo lưu ý.

Một nghiên cứu khác vào năm 2020 được công bố trên Trends in Cognitive Sciences đã chỉ ra cách nỗi cô đơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ và hệ miễn dịch.

"Sự cô lập với xã hội, hoặc thiếu cơ hội giao lưu làm phát sinh cảm giác cô đơn. Trực tiếp hoặc gián tiếp, cảm giác này có nhiều hậu quả trên diện rộng đối với sức khỏe tâm lý cũng như sức khỏe thể chất, thậm chí là tuổi thọ của chúng ta. Nói tóm lại, nỗi cô đơn giết chết con người", các nhà nghiên cứu viết.

Không chấp nhận "Bộ trưởng Cô đơn"

Năm 2018, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, bà Theresa May, đã thành lập một lãnh đạo cấp bộ trưởng để giải quyết vấn đề cô đơn trong nước.

"Đối với nhiều người hiện nay, sự cô đơn là hiện thực đáng buồn của cuộc sống hiện đại", bà Theresa May nói.

"Tôi muốn đương đầu với thách thức này để xã hội chúng ta và tất cả chúng ta bắt tay hành động trước sự cô đơn mà những người lớn tuổi, những người làm công việc chăm sóc người khác, những người mất đi người thân yêu đang phải chịu đựng. Họ là những người không có ai để trò chuyện hay để chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm".

Năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Yoshihide Suga đã bổ nhiệm thành viên Nội các Tetsushi Sakamoto làm "Bộ trưởng Cô đơn" đầu tiên của đất nước, được giao nhiệm vụ giảm bớt sự cô đơn và cô lập để đối phó với tình trạng tử vong do tự tử ngày càng gia tăng.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là quốc gia có nhiều người tự sát nhất trong số các nước thành viên.

Tính đến năm 2020, tỷ lệ tự tử, số lượng người tự tử trên 100.000 người, của quốc gia này đứng đầu trong số các thành viên OECD với 25,4. Tiếp theo là Lithuania và Slovenia lần lượt là 20,3 và 15,7. Nhật Bản, Anh lần lượt là 14,6 và 8,5.

leftcenterrightdel
Nhiều người Hàn cô đơn nhưng ngại chia sẻ vấn đề. 

Dù vậy, người Hàn Quốc vẫn chưa thể chấp nhận sự can thiệp của chính phủ vào nỗi cô đơn của mình.

Sau tin tức về việc Anh bổ nhiệm bộ trưởng cô đơn, Hankook đã tiến hành một cuộc thăm dò về việc liệu Hàn Quốc có nên làm theo hay không, và nhận thấy 46% không đồng ý trong khi 40% chấp thuận.

Shin In-chol, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Seoul, nhấn mạnh sự thiếu nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề cô đơn trong xã hội Hàn Quốc

"Mọi người đều cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, những người phàn nàn về điều này có xu hướng bị coi là có vấn đề về tính cách hoặc kỹ năng xã hội".

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Jeon Byeong-geuk nhận định chính phủ có vai trò quan trọng trong việc điều hành các chương trình văn hóa và nghệ thuật tự do khác nhau ở cấp cộng đồng để giải quyết sự cô lập xã hội, đồng thời cam kết rằng đối phó với nỗi cô đơn sẽ là một trong những dự án cấp nhà nước trong thời gian tới.

Theo zingnews