Dự Liên hoan sân khấu quốc tế Chekhov lần thứ 16 diễn ra tại Thủ đô Moskva (Nga), công chúng Nga đã được thưởng thức tiết mục múa rối nước truyền thống của Việt Nam.
Nhiều người bày tỏ ngạc nhiên khi thấy những chú rối múa được trong nước không thấy người điều khiển. Bà Varvara Vyazovkina, chuyên gia về múa ba-lê chăm chú theo dõi chú Tễu trong chiếc khố đỏ vừa ngâm thơ, vừa nhảy múa trên làn nước xanh rêu.
|
Tiết mục múa rối nước của Nhà hát Nhà hát Múa rối Thăng Long tại Moskva (Ảnh: mskagency.ru). |
“Khi vở diễn kết thúc, nghệ sĩ Việt Nam vén rèm bước ra. Mới đầu tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra trên sân khấu nước. Sau tôi đoán họ đã ngâm mình hoàn toàn dưới nước, hoặc bằng một cách nào đó để điều khiển các con rối. Mọi thứ khiến tôi thích thú”, bà Varvara Vyazovkina nói.
Khán giả Nga đã dành những tràng pháo tay tán thưởng dành cho nghệ sĩ Việt Nam. Nhiều người đã ùa xuống đứng sát sân khấu, yêu cầu các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn lại kỹ thuật của mình. Họ cũng liên tục đặt câu hỏi cho các nghệ sĩ múa rối nước và cả các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc, những người đã tạo nên những bản nhạc nền ấn tượng, đặc sắc.
|
Phần trình diễn của các nghệ sĩ rối nước nhận được những tràng vỗ tay dài của khán giả Nga (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long). |
Nhà phê bình sân khấu Alexander cho biết: Ở Nga không có loại hình nghệ thuật sân khấu này. Vì vậy hình ảnh những chú rối nhảy múa trên mặt nước, trên nền nhạc được chơi trực tiếp bên cạnh khiến nhiều người thích thú. Qua các tiết mục, người xem có thể hình dung khung cảnh bình yên ở làng quê miền quê Việt Nam.
Tại Voronezh, tiết mục của Nhà hát đã để lại ấn tượng sâu đậm, không chỉ đối với khán giả Nga và quốc tế, mà còn trong trái tim của cộng đồng người Việt Nam.
Nhân vật chú Tễu được ví như linh hồn của múa rối nước, là cầu nối giữa người diễn và người xem… Chú Tễu là hiện thân của một thanh niên nông dân khỏe mạnh, hiền lành, chất phác, có vai trò như người dẫn chuyện trong các dịp lễ hội làng quê.
Chú có nhiệm vụ khai mạc lễ hội, giới thiệu chương trình và thông báo các sự kiện đang diễn ra trong làng. Nhân vật này có quyền tự do nói kháy về bất cứ sự việc nào hoặc bất cứ ai. Sự xuất hiện thường xuyên của chú Tễu làm cho chú trở thành nhân vật trung gian, tạo nên sự cảm thông giữa khán giả và các nhân vật rối.
|
Chị Nguyễn Phương Hoa đã dẫn nhiều em nhỏ người Việt đến công viên Voronezh xem múa rối nước. "Các cháu nhỏ có thể chưa hiểu hết ý nghĩa của những hoạt cảnh mà các nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên không khí từ các buổi diễn sẽ để lại khiến các cháu thêm tự hào vì văn hóa quê hương mình.
Trang vestivrn.ru của Nga ấn tượng với hình ảnh các con rối Việt Nam. Tờ báo giới thiệu: sân khấu truyền thống trên mặt nước đã tồn tại hơn một nghìn năm. Nó được phát minh bởi những người nông dân ở hạ lưu sông Hồng gần Hà Nội, nơi luôn bị ngập vào mùa mưa. Hồ, ao hoặc cánh đồng ngập nước được tái hiện trên sân khấu và các hình nộm là những con rối.
"Các nhân vật xuất hiện đột ngột trên mặt nước, người xem không nhìn thấy các diễn viên điều khiển con rối. Họ ở phía sau tấm bình phong, nước ngập đến thắt lưng trong bộ quần áo bảo hộ không thấm nước. Tất cả các cảnh trong cuộc sống làng quê Việt Nam được tái hiện đi kèm với nhạc cụ dân tộc", trang này viết.
Khán giả Moskva vỗ tay tán thưởng màn trình diễn rối nước Việt Nam (Nguồn: Nhà hát Múa rối Thăng Long):
Theo thoidai