leftcenterrightdel
 Thiếu nhà khoa học nữ gây suy giảm khả năng đổi mới sáng tạo của các quốc gia trên thế giới. Ảnh: ITN

Nhiều cơ sở giáo dục đại học, quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tăng tỷ lệ nữ giới làm khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao khả năng đổi mới, sáng tạo.

Bước “chuyển mình” của Nhật Bản

Là nghiên cứu sinh năm 3 tại Học viện Công nghệ Tokyo - một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu Nhật Bản, chị Yuna Kato muốn trở thành nhà khoa học thành công. Tuy nhiên, gia đình thuyết phục chị từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học vì cho rằng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nói riêng và khoa học nói chung quá bận rộn, không thể sắp xếp thời gian cho cuộc sống riêng. Gạt bỏ lo lắng từ bên ngoài, chị Kato tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu.

“Tín hiệu tuyển sinh nữ giới cho ngành khoa học tại Nhật Bản đã tích cực hơn nhưng triển vọng việc làm sau đó chưa rõ nét. Nếu nữ sinh không được hỗ trợ sau khi tốt nghiệp thì các kết quả chỉ mang tính ngắn hạn. Vì vậy, các bộ, cơ quan liên quan cần phối hợp để tạo điều kiện việc làm cho nhà khoa học nữ”. - Chuyên gia giáo dục Osamu Kondo

Không may mắn như Kato, nhiều nữ nghiên cứu sinh tại Nhật Bản “rẽ lối” do định kiến xã hội đối với nhà khoa học nữ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản xếp cuối danh sách nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại các quốc gia phát triển, dù số lượng nữ sinh đạt điểm cao môn Toán xếp thứ 2 thế giới và thứ 3 về Khoa học. Chỉ riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, Nhật Bản dự kiến thiếu hụt 790 nghìn lao động vào năm 2030, phần lớn do thiếu trầm trọng lao động nữ.

Các chuyên gia cảnh báo, việc thiếu nhà khoa học nữ sẽ gây suy giảm khả năng đổi mới, cạnh tranh và năng suất lao động của Nhật Bản, nhất là khi nước này đạt tốc độ phát triển thứ 3 thế giới nhờ những yếu tố trên.

Vì vậy, Nhật Bản đang thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực khoa học. Nỗ lực đầu tiên của nước này là tuyên truyền về bình đẳng giới. Đầu năm 2023, Nhật Bản công bố video thời lượng 9,5 phút nói về tác hại khi xã hội ngăn cản nữ giới theo đuổi lĩnh vực STEM. Video phát sóng rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông, trường học, cơ quan nhà nước...

Ngoài ra, Cục Bình đẳng giới đã tổ chức hơn 100 hội thảo, sự kiện STEM, chủ yếu dành cho sinh viên nữ hoặc nữ giới quan tâm đến khoa học. Các sự kiện mời diễn giả nữ hoặc nhà khoa học nữ thành công trong nghiên cứu khoa học đến trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm việc làm; từ đó, truyền cảm hứng, khích lệ nữ giới theo đuổi khoa học.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, từ năm học 2024, hơn 10 trường đại học Nhật Bản dành riêng một số chỉ tiêu tuyển sinh lĩnh vực STEM cho nữ giới. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Mitsubishi, Toyota... cấp học bổng cho nữ sinh ngành STEM để thu hút nhân tài. Một số trường đại học: Nagoya, Shimane, Toyama... cấp học bổng cho sinh viên nữ có giá trị tương đương học phí.

leftcenterrightdel
 Cần xóa bỏ định kiến ngăn cản nữ sinh theo đuổi nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN

Tháng 4/2022, Đại học Nữ sinh Nara - trường đại học nữ sinh đầu tiên tại Nhật Bản thành lập Khoa Kỹ thuật. Đại học Nữ sinh Ochanomizu dự kiến mở Khoa Kỹ thuật vào tháng 4/2024.

Giới khoa học đánh giá đây là sự “chuyển mình” lớn ở quốc gia mà phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản khi làm nghiên cứu khoa học. Nổi bật nhất là vụ bê bối tuyển sinh tại Đại học Y Tokyo hồi năm 2018. Trong nhiều năm, ngôi trường danh tiếng này đã sửa điểm thi đại học để tăng tỷ lệ nam sinh và giảm tỷ lệ nữ sinh. Cụ thể, họ trừ điểm thi của thí sinh nữ, tăng từ 10 - 49 điểm cho thí sinh nam.

Sau vụ bê bối cùng nhiều chính sách của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ nữ giới làm nghiên cứu khoa học đã chuyển biến tích cực. Theo dữ liệu của Viện Giáo dục Kawaijuku, tỷ lệ nữ sinh có nguyện vọng vào ngành nhân văn năm 2023 giảm so với năm trước đó. Trong khi số lượng nữ sinh mong muốn theo đuổi nghiên cứu khoa học ngày càng tăng.

Ông Osamu Kondo - chuyên gia nghiên cứu giáo dục cấp cao, dự đoán xu hướng nữ giới theo đuổi khoa học tại Nhật Bản tiếp tục tăng nhờ sáng kiến trên của các trường đại học và chính phủ.

leftcenterrightdel
 Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) có nhiều chính sách cải thiện bất bình đẳng giới. Ảnh: ITN

Bài học từ nước Mỹ

Không riêng Nhật Bản, bất bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học là thách thức chung của nhiều quốc gia, cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Vấn đề này trở nên cấp bách khi đổi mới, sáng tạo và khoa học, công nghệ được xác định là chìa khóa, động lực phát triển ở thời đại mới.

Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu về cải thiện tình trạng bất bình đẳng trên. Theo bảng xếp hạng các nhà khoa học nữ xuất sắc nhất 2022 do tổ chức xếp hạng khoa học Research bình chọn, Mỹ thống trị danh sách 623 học giả, chiếm 62,3%. Vị trí thứ hai thuộc về Vương quốc Anh với 96 nhà khoa học nữ. Đứng vị trí thứ ba là Đức, có 42 nhà khoa học trong bảng xếp hạng.

Tại Mỹ, Đại học Havard là tổ chức sở hữu nhiều nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc nhất với 40 học giả. Theo sau lần lượt là Viện Y tế Quốc gia, Đại học Stanford...

Theo Tiến sĩ Alex Krawiec - chuyên gia kinh tế học tại Research, các trường đã xây dựng nhiều chính sách cải thiện tính đa dạng trong môi trường học thuật như chế độ nghỉ thai sản, tổ chức hội nghị dành riêng cho nữ giới...

Ngoài ra, không ít trường có xu hướng nuôi dưỡng nhân tài nữ giới lĩnh vực khoa học. Hằng năm, cơ sở giáo dục đại học trên phối hợp với trường phổ thông tổ chức hội thảo, tọa đàm, dự án ngoại khóa chia sẻ về vai trò nữ giới trong nghiên cứu khoa học. Các sự kiện này thiết lập mạng lưới hỗ trợ giữa nhà khoa học nữ và học sinh, sinh viên... Trường học cũng chú trọng thu hút, tuyển sinh nữ giới cho chương trình đào tạo STEM, khích lệ nữ sinh học cao học và ở lại trường làm việc...

Một hình mẫu nổi bật khác về công tác phát triển nhà khoa học nữ phải kể đến Viện Công nghệ Massachusetts, (MIT) ngôi trường tốp đầu thế giới nhiều năm liên tiếp.

Năm 1999, MIT thừa nhận phân biệt đối xử với nhà khoa học nữ và cam kết sẽ thay đổi. Đến nay, tỷ lệ bất bình đẳng giới tại MIT thay đổi đáng kể. Ngày càng nhiều nhà khoa học nữ nắm giữ vai trò cấp cao trong bộ máy của MIT.

Có được sự thay đổi trên, MIT áp dụng nhiều quy định, chính sách dành riêng cho nhà khoa học nữ. MIT thành lập Ủy ban Khoa phụ nữ nhằm duy trì và mở kênh liên lạc giữa trưởng khoa và giảng viên nữ. Ủy ban có trách nhiệm nâng cao ý thức cộng đồng về bình đẳng giới.

Ngoài ra, trường lựa chọn nhà khoa học nữ có thành tích, năng lực cho vị trí cấp cao như trưởng khoa, trưởng viện... Thu hút sự tham gia của giảng viên nữ vào việc lựa chọn nhân sự cấp cao, tham khảo ý kiến để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ máy nhân sự cấp cao và vấn đề của giảng viên nữ.

Hằng năm, nhà trường rà soát hệ thống lương thưởng giữa giảng viên nam và nữ, phân bổ nguồn lực cho bình đẳng giới. Nhà trường cũng rà soát, kịp thời xử lý tình trạng đối xử bất bình đẳng, ngăn chặn vấn nạn coi thường, cô lập giảng viên nữ.

Bên cạnh vấn đề chính sách, MIT đặc biệt quan tâm đến đời sống, việc làm, thu nhập giảng viên nữ. Cùng đó, xây dựng cơ chế về chế độ nghỉ thai sản và thống nhất toàn trường; thay đổi quan niệm phụ nữ có con không thể thành công ngang nam giới hoặc phụ nữ không có con; thúc đẩy hòa nhập giữa nhóm giảng viên.

leftcenterrightdel
 Chỉ 30% các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới là phụ nữ. Ảnh: ITN

Ba gợi ý quan trọng

Những năm gần đây, thu hẹp bất bình đẳng và nâng cao tỷ lệ nữ giới nghiên cứu khoa học tại các quốc gia đã đạt kết quả tích cực nhưng còn ít. Theo thống kê của tổ chức UNESCO năm 2020, chỉ có 30% nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới là phụ nữ.

Nhằm tiếp tục nâng cao tỷ lệ trên, bà Maria Barron - chuyên gia phân tích nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và cộng sự Raja Bentaouet Kattan - cố vấn Thực hành Giáo dục Toàn cầu đưa ra 3 gợi ý.

Trước hết, cần xóa bỏ định kiến ngăn cản nữ sinh mơ ước theo đuổi nghiên cứu khoa học. Theo đó, loại bỏ định kiến giới trong tài liệu học tập như liệt kê nghề dành cho nam giới là kỹ sư, nhà khoa học còn nghề cho phụ nữ là giáo viên, y tá... Đồng thời, tăng cường chương trình giảng dạy về STEM cho bé gái.

Tiếp đó, hỗ trợ xuyên suốt cho nữ giới theo đuổi khoa học. Các nghiên cứu chỉ ra, phụ nữ nhận hỗ trợ, cố vấn từ cá nhân hoặc tổ chức có ảnh hưởng sẽ đạt thành công và mức độ hài lòng nghề nghiệp cao hơn.

Cố vấn ở đây không chỉ mang nghĩa hỗ trợ công việc, mà còn là vấn đề bình đẳng giới. Ví dụ, giảng viên nam coi giảng viên nữ bình đẳng với mình, không cô lập hay coi thường.

Cuối cùng, giữ chân nữ giới bằng cách loại bỏ trở ngại trên con đường công việc thông qua cải thiện triển vọng việc làm và chính sách lao động.

Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học được trả lương ít hơn, cơ hội thăng tiến thấp so với nam giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ khó có thể gắn bó với nghề nên quốc gia, tổ chức, trường đại học cần cân nhắc điều chỉnh lại mức lương và trao cơ hội thăng tiến cho nữ giới.

Bên cạnh đó, chính sách làm việc linh hoạt, nghỉ phép có lương, hỗ trợ chăm sóc trẻ em... có thể mang lại lợi ích cao và cho phép nhà khoa học nữ gắn bó với nghề.

“Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm quan trọng để hỗ trợ các cô gái, phụ nữ theo đuổi ước mơ với lĩnh vực STEM. Thay đổi tư duy và tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ tốt hơn trong gia đình, trường học, nơi làm việc là quá trình phức tạp. Vì vậy, cần sự kết hợp giữa biện pháp ngắn và dài hạn. Xã hội không thể mất đi sự đóng góp của hàng triệu trẻ em gái, phụ nữ đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, bà Maria Barron nhấn mạnh.

Để tăng số lượng giảng viên nữ, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) tăng chỉ tiêu tuyển dụng nhà khoa học nữ, trong đó chú trọng tuyển dụng ở khoa có ít giảng viên nữ như Toán học, Hóa học. Các trưởng khoa chủ động tìm kiếm, thu hút và tuyển dụng nhân tài từ bên ngoài là các nhà khoa học nữ. Về phần mình, giảng viên khuyến khích nữ sinh và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tiếp tục ở lại trường làm việc và theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Theo giaoducthoidai