Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người
Cập nhật lúc 15:39, Thứ tư, 01/07/2020 (GMT+7)
Công ty dược phẩm AnGes Inc, Nhật Bản, ngày 30/6 cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Osaka vào tháng 7.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm là người trưởng thành khỏe mạnh. Họ sẽ được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 15 người. Trong đó một nhóm tiêm vaccine Covid-19 với liều lượng cao hơn nhóm còn lại. Mỗi người tiêm hai mũi vaccine cách nhau hai tuần.
Nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá dữ liệu trong 8 tuần để xem liệu có tác dụng phụ từ vaccine hoặc đã có sinh các kháng thể chống lại Covid-19.
Vaccine do công ty AnGes hợp tác với Đại học Osaka bào chế. Chúng được phát triển dựa trên các vòng DNA sao chép một phần từ nCoV đã được biến đổi gen. Khi tiêm các DNA vào cơ thể sẽ tạo ra protein gai nhú, một loại đặc trưng trên bề mặt của nCoV. Khi các protein gai nhú được tạo ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích thích để tạo ra các kháng thể chống lại virus.
Nếu thử nghiệm cho thấy loại vaccine này an toàn, nó sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên khoảng 500 tình nguyện viên. AnGes hy vọng sẽ chính phủ cấp phép để sản xuất và đưa vaccine ra thị trường vào giữa mùa xuân đến mùa thu năm sau.
Tại Nhật Bản, công ty Shionogi & Co cũng đang phát triển một loại vaccine nhưng chưa bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người.
Hiện có khoảng 17 thử nghiệm lâm sàng đối với các ứng cử viên vaccine Covid-19 đang được tiến hành trên toàn cầu ở nhiều giai đoạn. Sản phẩm do các "ông lớn" nghiên cứu như công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna Inc, công ty dược phẩm của Anh AstraZeneca PLC và công ty CanSino Biologics Inc của Trung Quốc...
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có loại vaccine ngừa Covid-19 nào được cấp phép ra thị trường.
Mới đây, Trung Quốc cho phép quân đội sử dụng vaccine của công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics sau khi trải qua hai giai đoạn thử nghiệm. Vaccine có tên gọi Ad5-nCoV, thời gian sử dụng là một năm. Sản phẩm hiện được giới hạn dùng trong quân đội, không mở rộng sang phạm vi tiêm chủng rộng hơn nếu chưa có sự chấp thuận của Cục Hỗ trợ Hậu cần.
Theo vnexpress