Dự đoán của ông Chung giống với ý kiến trước đó của Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc. Tiến sĩ Antony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, từng đưa ra nhận định tương tự, khẳng định nước này đủ năng lực phân phối 100 triệu liều vaccine cuối năm 2020, trước khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng. 

Trung Quốc đang phát triển 5 "ứng viên" tiềm năng. Một trong số đó là vaccine của Viện Sinh phẩm Bắc Kinh, được điều chế bằng công nghệ truyền thống, sử dụng virus bất hoạt để kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể. Các dữ liệu tiền lâm sàng đã công bố trên Tạp chí Y khoa Cell hôm 6/6, cho thấy sản phẩm hiệu quả trên khỉ. 

Để nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm chủng cho các cá thể khỉ vào ngày đầu và ngày thứ 14 của thử nghiệm. Nhóm khác được sử dụng giả dược. Sau đó, họ cho tất cả tiếp xúc với nCoV. 

Viện sĩ Chung Nam Sơn phát biểu trong một cuộc họp báo tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 28/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Kết quả cho thấy nhóm khỉ dùng giả dược có tải lượng virus cao suốt 7 ngày. Trong khi đó, mức độ nhiễm bệnh ở nhóm được tiêm vaccine ít hơn đáng kể. Chúng cũng không có virus cư trú ở thùy phổi. 

"Kết quả cho thấy vaccine cả liều thấp và cao đều bảo vệ được cơ thể khỉ khỏi sự xâm nhập của nCoV một cách hiệu quả mà không gây ra phản ứng phụ", báo cáo chỉ rõ. 

Trong khi đó, Viện Sinh phẩm Vũ Hán cũng phát triển loại vaccine bất hoạt khác. Đơn vị đã xây dựng các cơ sở sản xuất đủ năng lực tạo ra 200 triệu liều mỗi năm.

Tao Lina, chuyên gia về vaccine tại Thượng Hải, nhận định mỗi "ứng viên" có ưu và nhược điểm riêng biệt. Hiện còn quá sớm để khẳng định loại vaccine nào sẽ được chấp thuận sớm nhất. 

"Vaccine bất hoạt cần tiêm đến hai hoặc ba liều, trong khi những loại khác có thể chỉ cần một liều. Sản phẩm dựa trên công nghệ DNA hoặc RNA sẽ mất nhiều thời gian để tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất lại dễ dàng hơn", ông nói. 

Viện sĩ Chung cho biết ý tưởng về miễn dịch cộng đồng là không khả thi, có thể khiến quốc gia phải đánh đổi bằng nhiều mạng người. Vaccine được coi là phương pháp duy nhất giúp đẩy lùi virus. 

"Muốn đạt được miễn dịch cộng đồng, cần để nCoV lây lan cho khoảng 60 đến 70% dân số, đồng nghĩa với 30 đến 40 triệu người chết. Vì vậy, cách giải quyết tối ưu vẫn là tiêm chủng đại trà", ông nói.

Theo vnexpress