Nhật Bản: Khả năng tự cung cấp lương thực gần mức thấp kỷ lục
Cập nhật lúc 23:57, Thứ ba, 08/08/2023 (GMT+7)
Tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Nhật Bản tính theo lượng calo ở mức 38% trong năm tài chính 2022 không thay đổi so với năm trước đó nhưng vẫn gần mức thấp kỷ lục, gây áp lực đối với an ninh lương thực của đất nước, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cho biết. Tỷ lệ 38% của năm tài khóa 2022 gần với mức thấp kỷ lục 37% năm tài khóa 2020.
|
|
Nhân viên kiểm tra giá các mặt hàng tại siêu thị Itoyokado ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Khi tính theo giá trị sản xuất, tỷ lệ này là 58%, giảm 5 điểm phần trăm so với năm tài chính 2021, và là mức thấp nhất trong số các số liệu so sánh kể từ năm 1965, do giá ngũ cốc toàn cầu tăng và xu hướng giảm giá của đồng yen đã làm tăng giá trị nhập khẩu, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản cho biết.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực để đạt được tỷ lệ 45% vào năm tài khóa 2030 khi cuộc khủng hoảng do xung đột tại Ukraine, một nước sản xuất ngũ cốc lớn và đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức đối với nguồn cung an ninh lương thực.
Tính theo giá trị sản xuất, chính phủ đặt mục tiêu đạt được tỷ lệ 75% vào năm tài khóa 2030.
Xu hướng giảm tỷ lệ tự cung cấp lương thực kéo dài hàng thập kỷ cho thấy những thay đổi trong chế độ ăn uống của người Nhật, với việc tiêu thụ gạo trong nước giảm và tiêu thụ thịt tăng.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, tỷ lệ tự cung cấp, tính theo trọng lượng, đối với gạo tăng 1 điểm phần trăm lên 99%, trong khi lúa mỳ giảm 2 điểm phần trăm xuống 15%, và đậu tương ở mức 6%.
Tỷ lệ tự cung cấp đối với rau là 79%, giảm 1 điểm phần trăm, trong khi động vật có vỏ (như nghêu, sò...) và cá biển giảm 4 điểm phần trăm xuống 54%.
Theo baotintuc