Eriko Kobayashi, một phụ nữ Nhật Bản đã phải vật lộn với hàng loạt khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: CNN

Tại Nhật Bản, theo thống kê từ chính phủ, tự tử là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 2.153 người chỉ riêng trong tháng 10/2020, vượt qua 2.087 trường hợp tử vong vì dương tính với virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 27/11/2020.

Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia công bố số liệu về những ca tự tử, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay. Vì vậy, dữ liệu này của Nhật Bản có thể cung cấp nền tảng cho nhiều quốc gia khác về tác động của dịch bệnh lên sức khỏe tinh thần của người dân và nhóm người nào dễ bị ảnh hưởng nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Năm 2016, tính trên 100 ngàn người,  tỷ lệ tử vong do tự tử ở quốc gia này là 18,5. Với tỷ lệ này, Nhật Bản chỉ đứng sau Hàn Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và là quốc gia có tỷ lệ người tử vong do tự tử gần gấp đôi so với số liệu trung bình trên toàn thế giới là 10,6.

Có rất nhiều lý do phức tạp khiến tình trạng tự tử ở Nhật Bản tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian làm việc dài, áp lực học đường, giãn cách xã hội và sự kỳ thị văn hóa xoay quanh các vấn đề tâm thần là 4 nguyên nhân chính khiến số trường hợp tự tử tại quốc gia này ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, số trường hợp tự tử đã có xu hướng giảm tại Nhật Bản. 

Số lượng phụ nữ tử vong do tự sát đang có xu hướng gia tăng

Đại dịch Covid-19 đã đảo ngược xu hướng trên. Sự gia tăng những trường hợp tự tử ảnh hưởng không nhỏ đối với phụ nữ. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ Nhật tự tử thấp hơn nam giới, nhưng số lượng phụ nữ tử vong do tự sát đã tăng lên. So với số liệu vào cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp phụ nữ Nhật tử vong do tự tử đã tăng gần 83% vào tháng 10/2020. Trong khi đó, số trường hợp nam giới Nhật tự sát tăng gần 22%.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do có thể dẫn đến sự gia tăng rõ rệt của những ca phụ nữ tự sát. Thứ nhất, phụ nữ chiếm đông đảo trong thành phần lao động bán thời gian ở các ngành nghề như nhà hàng - khách sạn, các dịch vụ ăn uống và bán lẻ. Tuy nhiên, đây đều là những ngành phải cắt giảm nhân sự và sa thải nhân viên trong bối cảnh khó khăn của đại dịch.

Thứ hai, sức khỏe tâm thần là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự sát ở phụ nữ. Trong một nghiên cứu toàn cầu với hơn 10.000 người do CARE International (tổ chức viện trợ quốc tế có trụ sở tại Mỹ), có đến 27% số phụ nữ được hỏi cho biết áp lực tinh thần đã gia tăng trong bối cảnh đại dịch so với 10% nam giới.

Thứ ba, áp lực và gánh nặng từ con cái cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tự sát gia tăng. Theo nghiên cứu, phụ nữ phải đối mặt với gánh nặng tăng vọt về chăm sóc không được trả lương, bao gồm chăm sóc con cái. Áp lực và lo lắng cho trẻ em đã ảnh hưởng đến tinh thần của các bà mẹ trong bối cảnh đại dịch.

Tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cũng gia tăng

Theo thống kê từ Bộ Y tế Nhật Bản, số người dưới 20 tuổi tự tử đã tăng lên trong đại dịch Covid-19. Đứng trước những thách thức về vấn đề lây nhiễm, nhiều trường học đã phải đóng cửa và học sinh không thể đến trường. Trước tình hình này, trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với sự lạm dụng, những căng thẳng từ gia đình và áp lực từ lượng bài tập về nhà. Những điều này đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản.

Theo một cuộc khảo sát thông qua internet với hơn 8.700 phụ huynh và học sinh, có đến 75% học sinh Nhật Bản có dấu hiệu căng thẳng do Covid-19. Ngoài ra, dường như những căng thẳng từ người lớn "tỷ lệ thuận" với những áp lực của trẻ em. Khi trẻ em gặp vấn đề và cần được chia sẻ với cha mẹ thì người lớn lại đang bận tâm với những vấn đề áp lực khác. Từ đó, trẻ rơi vào bế tắc và nguy cơ tự tử tăng cao.

Phương Thanh (Nguồn: CNN)