Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (giữa, hàng đầu) chụp ảnh chung với các thành viên nội các tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 25/12, Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang "rất tụt hậu" trong thúc đẩy bình đẳng giới khi dự kiến phải mất đến gần 2 thập kỷ để có thể đạt được mục tiêu ít nhất 30% vị trí lãnh đạo do phụ nữ nắm giữ.
Chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đã thông qua kế hoạch 5 năm mới về bình đẳng giới, trong đó nhấn mạnh sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu ít nhất 30% vị trí lãnh đạo tại nước này do phụ nữ đảm nhiệm trong thời gian sớm nhất có thể vào thập kỷ tới.
Tại Nhật Bản, phụ nữ hiện chỉ nắm giữ 14,8% vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị, cũng như kinh doanh. Đây được coi là tỷ lệ thấp so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Dù Nhật Bản được xếp thứ hạng cao ở một loạt chỉ số quốc tế nhưng nước này vẫn kiên trì thúc đẩy bình đẳng giới. Trong Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Nhật Bản đứng thứ 121 trong tổng số 153 quốc gia được khảo sát về bình đẳng giới.
Mục tiêu 30% nói trên ban đầu được đặt ra vào năm 2003 dưới thời Thủ tướng khi đó là ông Koizumi Junichiro , người đã thông qua mục tiêu đầy tham vọng rằng buộc bộ máy chính trị và doanh nghiệp chủ yếu do nam giới nắm giữ phải chấp nhận sự tham gia của nữ giới.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người đã từ chức trong năm nay, cũng nhiều lần cam kết đạt được mục tiêu tương tự, và đưa ra sáng kiến "Womenomics" (chính sách phát triển hướng đến phụ nữ), nhằm đưa nhiều hơn nữa phụ nữ vào vị trí lãnh đạo như một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của ông.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng nguyên nhân nước này chậm chạp trong việc đạt được mục tiêu trên là do tư tưởng phân biệt giới tính vẫn còn rất nặng nề trong xã hội, đồng thời cho biết chính phủ sẽ nỗ lực để phụ nữ chiếm khoảng 30% vị trí lãnh đạo sau một vài năm tới.
Theo Văn phòng Nội các, trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ đang phải cân bằng giữa hoạt động chính trị và trách nhiệm gia đình, và họ phải đối mặt với những hành vi quấy rối khác nhau do giới tính của họ. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không chú trọng thúc đẩy vai trò của phụ nữ.
Theo Vietnamplus