Theo Kyodo News, hơn 600 trường công lập tại 19 quận ở Nhật Bản đang nới lỏng hoặc thay đổi quy định ăn mặc theo giới tính đối với mọi học sinh, bao gồm cả các thiếu niên LGBT.
Sáng kiến trên lần đầu được Bộ Giáo dục đề cập năm 2015, trước số lượng thanh thiếu niên có nhu cầu lựa chọn trang phục phù hợp với bản dạng giới và nhu cầu hoạt động ngày càng gia tăng.
Quy định mới dự kiến được phổ cập trên toàn quốc vào mùa xuân năm 2021. Theo đó, học sinh được phép mặc đồ mà không chịu ràng buộc bởi giới tính: Nữ sinh có thể mặc quần âu, áo vest của nam giới và ngược lại.
Thông thường, đồng phục của nam sinh Nhật Bản là quần âu, áo vest; trong khi nữ giới phải mặc chân váy và đeo nơ.
Xóa bỏ lằn ranh giới tính
Từ trước tới nay, đồng phục là trang phục tiêu chuẩn trong tất cả trường học, phân biệt rõ ràng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, với các học sinh thuộc nhóm thiểu số về giới và tính dục, điều này lại trở thành gánh nặng lớn, cản trở việc học tập.
Hồi tháng 8, một học sinh chuyển giới nam tại quận Edogawa (Tokyo) kiến nghị lên Thị trưởng Takeshi Saito nhằm "ngăn chặn tình trạng học sinh chịu tổn thương tinh thần vì đồng phục".
Nam sinh bày tỏ mong muốn các trường học ở địa phương nới lỏng quy định ăn mặc, cho phép thanh thiếu niên được lựa chọn trang phục đi học mà không bị ràng buộc bởi giới tính.
"Em rất đau đớn khi phải mặc váy đến trường hồi cấp 2. Khi ấy, em thường xuyên nghĩ tới việc tự sát vì không được sống là chính mình", cậu nói với Kyodo News.
Sau kiến nghị từ nam sinh, Thị trưởng Saito đồng ý cân nhắc loại bỏ các quy tắc giới tính đối với đồng phục học sinh.
Ryosuke Nanasaki (bên trái) kiến nghị nới lỏng và thay đổi quy định đồng phục trong buổi gặp mặt Thị trưởng phường Edogawa Takeshi Saito. Ảnh: Kyodo.
"Gia tăng lựa chọn là một giải pháp tạo điều kiện cho học sinh được thể hiện bản dạng giới của mình", Ryosuke Nanasaki (33 tuổi), đại diện cộng đồng LGBT ở phường Edogawa, nhận định.
Anh cho biết đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, tôn vinh đa dạng giới và xu hướng tính dục với lớp trẻ.
Tuy nhiên, Nanasaki bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bắt nạt học đường xảy ra với những học sinh chuyển giới nữ có nguyện vọng mặc váy đồng phục. Đồng thời, nhà hoạt động xã hội cũng nhấn mạnh: "Tầm hiểu biết của một số người trưởng thành vẫn còn nhiều thiếu sót".
Thực tế, nhiều thiếu niên vẫn chần chừ, e ngại mặc đồng phục theo mong muốn vì sợ trở nên khác biệt. "Các em được phép ăn mặc đúng với giới tính, con người của mình. Không gì có thể thay đổi điều đó", một thành viên hội đồng giáo dục địa phương chia sẻ.
Ăn mặc phù hợp nhu cầu
Hiện tại, thay đổi phổ biến nhất là cho phép học sinh nữ mặc quần tây, áo vest giống các bạn học nam. Một số trường thậm chí đã cho phép nam sinh mặc váy đồng phục.
Đối với những trường học chưa có quy định cụ thể, ban giám hiệu có thể xem xét từng trường hợp có nhu cầu để đưa ra giải pháp thích hợp.
Makoto Matsumoto (17 tuổi), một nữ sinh năm 2 tại trường trung học Fujieda Nishi (tỉnh Shizuoka), quyết định đổi sang quần tây thay cho váy ngắn. "Nếu mặc quần dài, em không sợ bị lạnh chân vào mùa đông, cũng không sợ tốc váy khi đạp xe. Mặc quần tiện lợi hơn nhiều!".
Sáng kiến đồng phục phi giới tính nhận được sự ủng hộ từ đông đảo học sinh. Ảnh: Kyodo.
Năm nay, trường Fujieda Nishi cũng giới thiệu mẫu quần short đồng phục cho nam giới. "Kiểu quần này mát mẻ vào mùa hè và dễ vận động hơn hẳn", Daiki Tsuneki (16 tuổi), tân sinh của trường, hào hứng chia sẻ về bộ đồng phục mới.
Dù mất thêm một khoản tiền may quần áo, nhà trường hy vọng quy định đồng phục phi giới tính sẽ giúp người trẻ tự tin, thoải mái hơn khi tới trường.
"Để khuyến khích học sinh trân trọng bộ đồng phục, chúng ta cần cho các em những sự lựa chọn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng cá nhân của mình", Hiroko Onitsuka, giáo viên tư vấn tại trường Fujieda Nishi, bày tỏ.
Theo Zing