Người dân lao động đến nhận gạo tại ATM gạo tại Khu huấn luyện quân sự quận Tân Phú.
13h30 ngày 14/6, người dân ở quận Tân Phú, TP.HCM tập trung trước khuôn viên Khu huấn luyện quân sự quận Tân Phú (số 2 Đỗ Thừa Tự, phường Tân Quý, quận Tân Phú).
Phần lớn họ là những người chưa kịp đến đây để nhận gạo từ trụ ATM gạo miễn phí đã phát vào buổi sáng cùng ngày.
Người dân ngồi chờ đến lượt vào nhận gạo.
Người dân tập trung tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch và sự điều phối của thanh niên tình nguyện tại đây.
Sát khuẩn tay trước khi vào khuôn viên có trụ ATM gạo.
Mỗi người đến nhận gạo, khi qua cổng đều được xịt dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt. Sau đó, họ xếp thành 2 hàng theo khoảng cách đã được ban tổ chức kẻ sẵn.
Xếp hàng theo đúng khoảng cách quy định để phòng dịch.
Hàng người sẽ di chuyển dọc theo sân vận động bên trong khuôn viên trụ sở sở Ban chỉ huy quân sự quận Tân Phú để đến trụ ATM. Quá trình di chuyển, người dân cũng được các đoàn viên thanh niên tại đây hỗ trợ, hướng dẫn để có thể di chuyển, ngồi nghỉ đúng khoảng cách giãn cánh.
Ngồi chờ đến lượt nhận gạo dưới bóng mát.
Trong lúc chờ đến lượt nhận gạo, người dân được phát ghế, ngồi đợi dưới bóng mát của 2 hàng cây 2 bên sân vận động.
Đứng đúng vị trí để đảm bảo khoảng cách.
Khi đến trụ ATM, người dân vẫn xếp theo một hàng dọc đứng đúng khoảng cách đã được kẻ sẵn. Tại đây, từng người một, lần lượt bước lên lấy bọc nilon rồi tiến đến vị trí trụ ATM để nhận gạo.
Lấy bọc nilon để nhận gạo.
Sau khi máy tự động dừng, gạo ngừng chảy, người nhận cột bao nilon, tiến ra ngoài. Lúc này, người kế tiếp mới tiếp tục bước lên nhận gạo.
Từng người một tiến đến trụ ATM gạo để nhận gạo.
Mỗi người dân được nhận khoảng 1,5 kg gạo. Với sự tổ chức chặt chẽ, quy củ, quá trình nhận gạo của rất đông người lao động, khuyết tật diễn ra trong trật tự, đảm bảo công tác phòng dịch.
Bà Trần Thị Hòa
Bà Trần Thị Hòa (68 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, bà rất vui khi được nhận gạo miễn phí tại ATM gạo. Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách, bà chỉ ở nhà nên không có thu nhập. Nhờ vào số gạo được nhận từ ATM gạo, bà sẽ bớt được một phần chi phí để mua thêm thực phẩm khác.
Điểm ATM gạo trên đường Trương Định (quận 3, TP.HCM).
Trong khi đó, tại số 20A đường Trương Định (quận 3, TP.HCM), người dân nghèo cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa đến xếp hàng chờ nhận gạo từ trụ ATM gạo đặt tại đây. Đến từ rất sớm, bà Trần Thị Ngọc Ngận (65 tuổi) ngồi đợi để được nhận gạo.
Bà chia sẻ, gia đình bà không khó khăn. Tuy nhiên, bà tranh thủ giờ trưa ra đây nhận gạo để đem về gửi lại cho một cụ già yếu phải một mình nuôi đứa cháu nhỏ đang thuê trọ gần nhà mình.
Bà Ngận (bên trái) đến nhận gạo tại ATM giúp cho cụ bà 80 tuổi mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.
Bà nói: “Bà cụ ấy ngoài 80 tuổi, hàng ngày ôm đứa cháu nhỏ ra vỉa hè bán vé số mưu sinh. Bây giờ, bà ấy sang đây đợi nhận gạo sẽ phải bế đứa cháu xếp hàng, đợi đến lượt, tôi thấy thương quá nên đi nhận giúp”.
Hàng ngày, tôi vẫn đi nhận cơm, gạo, quà từ thiện cho 2 bà cháu bà ấy. Không có của thì mình có công, bây giờ ai cũng khó khăn cả. Mình ngồi yên thấy không đành”, bà Ngận nói thêm.
Khai báo y tế trước khi vào khu vực nhận gạo.
Tại đây, mỗi người được nhận khoảng 2kg gạo.
Sau khi khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn, người dân được tiến đến vị trí đặt trụ ATM để nhận gạo. Những người đến nhận đều cho biết, nhờ ATM gạo, họ không còn lo bị đói trong thời gian mất việc hoặc thu nhập giảm.
Theo vietnamnet