Choi Sang-min, giảng viên đại học sống tại thành phố Gwangju, hiện là cha của một em bé 9 tháng tuổi. Anh dự định đăng ký chế độ nghỉ thai sản để giúp vợ chăm con.

Chia sẻ với Korea Times, người đàn ông 37 tuổi ngạc nhiên khi yêu cầu nghỉ phép được cấp trên thông qua nhanh chóng.

"Vài năm trước, đồng nghiệp của tôi từng phải giải trình trước ban lãnh đạo khi có ý nghỉ chăm con. Hiện tại, tôi chỉ cần làm thủ tục, báo cáo cấp trên là được cho phép tạm dừng công tác", Choi kể.

dan ong han nghi thai san anh 1

Việc nam giới tạm dừng công việc, ở nhà cùng vợ chăm sóc con nhỏ

đang dần phổ biến tại Hàn Quốc: Ảnh:Korea Times.

Năm 2019, Yoon Hyo-suk, nhân viên công ty quảng cáo tại Seoul, cũng lựa chọn nghỉ làm một năm vì 2 con nhỏ dưới 5 tuổi.

"Có người khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ, nhưng không ai kỳ thị hay chế giễu quyết định nghỉ thai sản của tôi. Hóa ra, nhiều nam giới khác cũng lựa chọn như vậy", Yoon nói.

Thay đổi quan niệm

Nhờ chính sách khuyến khích do chính phủ khởi xướng và thay đổi tích cực trong quan niệm xã hội, việc nam giới đăng ký chế độ nghỉ phép cha mẹ dần phổ biến tại xứ kim chi.

Theo dữ liệu từ Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, 27.423 lao động nam đã nghỉ thai sản vào năm 2020, tăng 23% so với năm 2019 và hơn gấp đôi so với 12.042 người vào năm 2017.

Ngoài ra, nghiên cứu mới từ Viện Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc chỉ ra 16,8% trong 1.000 cặp phụ huynh trẻ cho biết họ từng hoặc đang có ý định xin nghỉ thai sản. Các đôi ở độ tuổi 20 chiếm đa số với 30,4%, theo sau là nhóm cha mẹ trên 30 tuổi và ngoài 40.

dan ong han nghi thai san anh 2

Việc chăm sóc, nuôi dạy con cái từng được đặt nặng lên vai người phụ nữ trong gia đình.

Ảnh:CNN.

"Các cặp vợ chồng trẻ coi việc nuôi con là nghĩa vụ chung, không đặt nặng trách nhiệm lên người phụ nữ như trước", Kwon Me-kyung - nhà nghiên cứu tại Viện Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc - nhận định.

Với giảng viên Choi, quyết định nghỉ thai sản là chuyện bất khả kháng, song cũng xuất phát từ mong muốn cá nhân.

"Vợ tôi chăm con một mình rất vất vả. Dù là lao động chính trong gia đình, tôi vẫn muốn xin nghỉ phép, ở nhà giúp vợ nuôi con. Tôi tiết kiệm được một khoản tiền để chuẩn bị cho thời gian nghỉ phép cha mẹ sắp tới", anh chia sẻ.

Chính phủ tạo điều kiện

Hàn Quốc lần đầu áp dụng chế độ nghỉ phép cha mẹ dành cho phụ nữ có con dưới một tuổi vào năm 1987. 8 năm sau, quy định này được mở rộng tới đối tượng nam giới.

Năm 2014, chính phủ nước này quyết định hỗ trợ tài chính để vợ hoặc chồng có thể nghỉ làm chăm con, sau khi nửa kia hết thời hạn nghỉ thai sản.

Theo đó, họ được trợ cấp lên tới 2,5 triệu won/tháng trong 3 tháng đầu, nhiều hơn mức trợ cấp tối đa cho đợt nghỉ phép trước đó là 1,5 triệu won/tháng.

Do nhu cầu trông nom con cái tăng cao giữa Covid-19, chính phủ cho phép cả bố và mẹ có thể nghỉ thai sản cùng lúc kể từ tháng 2/2020. Từ năm 2022, mức trợ cấp nghỉ thai sản tối đa trong 3 tháng đầu sẽ là 3 triệu won cho mỗi người.

dan ong han nghi thai san anh 3

Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích nam giới tham gia vào quá trình nuôi dạy con cái bằng cách

đảm bảo phần nào thu nhập cho người dân. Ảnh:Koreabiz.

"Chính sách hỗ trợ đang chuyển từ khuyến khích phụ nữ sinh con, giúp họ cân bằng cuộc sống gia đình - công việc sang cung cấp nhiều lợi ích hơn cho nam giới, động viên họ tham gia nuôi dạy con cái", Jung Jae-hoon, giáo sư Phúc lợi Xã hội tại ĐH Phụ nữ Seoul, nói.

Nhiều công ty, doanh nghiệp xứ kim chi cũng ủng hộ xu hướng nam giới tạm dừng công việc để ở nhà chăm con. Theo chính sách hiện hành, các bậc phụ huynh làm việc trong lĩnh vực tư nhân, có con từ 9 tháng tuổi tới 8 tuổi có thể nghỉ tối đa 12 tháng.

Dữ liệu do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho thấy số lượng đàn ông đăng ký nghỉ phép cha mẹ trong năm 2010-2018 tăng đều đặn từ 819 lên 17.665 người.

Dưới ảnh hưởng từ Covid-19, tỷ lệ ông bố xin nghỉ thai sản nửa đầu năm 2020 tăng 53,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà nghiên cứu Kwon lưu ý rằng kế hoạch mới nhất của chính phủ là giúp các gia đình “nâng cao chất lượng cuộc sống”.

“Tôi nghĩ rằng nhiều bậc phụ huynh đã bỏ qua giá trị và niềm vui trong quá trình nuôi con vì cuộc sống bộn bề. Vì vậy, các nhà chức trách đang tạo điều kiện để cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con cái mà không cần quá lo lắng về tài chính”.

Yoon, ông bố 2 con đến từ Seoul, nhớ lại quãng thời gian một năm đáng nhớ bên các con.

"Tôi thấu hiểu và gần gũi hơn với các con, biết điều chúng thích và không thích. Đó không phải thứ bạn có thể học từ ai hay bất kỳ nơi nào khác".

Theo Zing