Ngay sau khi fanpage H&M nhận hàng chục nghìn phẫn nộ và bình luận phản đối, nhiều nhóm có tên "Tẩy chay H&M" xuất hiện trên Facebook, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia.
|
Nhiều nhóm được lập để phản đối H&M sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp. |
Trong nhóm kín "Tẩy chay H&M. Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" với hơn 21.000 thành viên, mọi người bày tỏ thái độ không hài lòng sau thông tin trên mạng cho rằng hãng này dùng bản đồ lưỡi bò phi pháp.
"Đừng đùa với người Việt, tẩy chay H&M", "Tẩy chay đi anh em" là những bài đăng trong nhóm kêu gọi tẩy chay hãng thời trang này. Một số bài đăng khác kêu gọi "tấn công" fanpage hoặc đánh giá một sao cho các cửa hàng H&M tại Việt Nam trên Google.
Một nhóm khác có tên "Tẩy chay H&M" với 2.200 thành viên cũng đăng ảnh, kêu gọi thành viên phẫn nộ, bình luận hoặc báo cáo (report) fanpage của H&M để phản đối. Hàng chục nhóm kêu gọi tẩy chay H&M cũng xuất hiện trên Facebook từ tối 2/4 đến nay.
Trên Twitter, những hashtag #Apologize_to_Vietnam (Hãy xin lỗi Việt Nam), #BoycottHM (Tẩy chay H&M) hay #TaychayHM cũng lọt top thịnh hành với hàng nghìn chủ đề thảo luận. Trong khi đó, kết quả tìm kiếm các cửa hàng H&M trên Google cũng hứng chịu "bão 1 sao" từ người dùng Internet.
|
Website H&M tại Việt Nam hiện thông báo bất thường. |
Hiện website của H&M Việt Nam đăng dòng thông báo bằng tiếng Anh, tạm dịch: “Khi việc kinh doanh bình thường trở nên bất thường. Tình hình tại các cửa hàng của chúng tôi đang thay đổi liên tục. Thông tin mới nhất sẽ được cập nhật trên trang Facebook của chúng tôi”, hãng này viết.
Trước đó, H&M đưa ra cáo buộc rằng đối tác của hãng tại Trung Quốc cưỡng bức lao động. Sau đó, truyền thông và người dùng Internet Trung Quốc đã tẩy chay thương hiệu thời trang này. Hiện tại, vị trí các cửa hàng H&M đã bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc.
Theo Zing