Khi nhiều khu vực tại Mỹ bắt đầu phong tỏa vào tháng 3, một số tổ chức e ngại điều này sẽ làm gia tăng bạo lực gia đình với những phụ nữ gốc Á.

Nếu trước đây, nạn nhân sợ bị chồng đánh đập, ném xuống cầu thang thì nay họ lại có mối lo lắng khác. “Đừng gọi cho tôi nữa, không an toàn đâu” - là lời kêu cứu của nhiều người khi đối mặt với nạn bạo hành.

Không chỉ bị chồng theo dõi cả ngày, họ còn bị tước mất điện thoại, xe hơi và thẻ tín dụng khiến việc tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc bỏ nhà đi gần như vô vọng.

Sau khi quy định cách ly xã hội dần được nới lỏng trong những tháng gần đây, các cuộc gọi nhờ hỗ trợ tăng lên đáng kể.

Một số chuyên gia dự đoán nạn bạo lực gia đình sẽ lại bùng nổ nếu chính phủ tiếp tục phong tỏa vào mùa thu hoặc mùa đông. Điều đó khiến những nạn nhân phải nhanh chóng tìm cơ hội thoát khỏi “cơn ác mộng của mình”.

Một số nạn nhân gần như tuyệt vọng vì không có đường trốn thoát. Ảnh: ABC News.

“Chúng tôi không biết liệu sẽ có làn sóng thứ hai hay không. Nhiều người đang chờ thời cơ chín muồi để chạy trốn những kẻ bạo hành”, Kavita Mehra, giám đốc điều hành của Sakhi, một tổ chức chuyên hỗ trợ những người nhập cư ở New York, nói.

Mehra cho biết vào tháng 1/2020, 166 phụ nữ đã gọi đến Sakhi để nhờ giúp đỡ. Khi New York bước vào giai đoạn cách ly, số người cần hỗ trợ đã giảm xuống còn 53.

Nhà cũng là nơi giam cầm


Nhiều phụ nữ trong số này không giỏi giao tiếp bằng tiếng Anh, không có người thân, bạn bè ở Mỹ. Vì thế, cuộc sống của họ gần như phụ thuộc vào chồng.

Một số trường hợp khác khó khăn hơn vì sống ở các điểm nóng Covid-19 như Queens và Brooklyn. Vào tháng 4, các cuộc gọi cầu cứu bắt đầu tăng lên. Tính đến tháng 6, số nạn nhân đã lên đến 224, vượt quá con số trước đại dịch.

Bindu Fernandes, giám đốc điều hành của Narika, một tổ chức chống bạo lực gia đình, cũng nhận thấy chiều hướng tương tự ở Fremont, California.

Khi khu vực Bay Area tiến hành phong tỏa vào tháng 3, một số nữ nội trợ nói rằng họ ngại tìm đến sự giúp đỡ.

Số nạn nhân gọi đến đường dây báo cáo bạo lực gia đình tăng mạnh trong mùa dịch. Ảnh: NBC News.

Nhưng khi các hạn chế đi lại được nới lỏng, nhiều người trong số này đã liên hệ với Narika để được hỗ trợ về ngôn ngữ, lập kế hoạch bảo vệ sự an toàn và các dịch vụ văn hóa cho phụ nữ châu Á.

Melissa Luke, người phụ trách tổ chức Asian Women’s Home ở San Jose (bang California), cho biết đa số nạn nhân tìm đến họ là người Trung Quốc và Việt Nam. Theo thống kê của Asian Women’s Home, số phụ nữ nhờ giúp nộp đơn yêu cầu hạn chế bạo lực gia đình đã tăng 45%.

“Phần lớn cần nơi trú ẩn khẩn cấp, chúng tôi đã đưa nhiều phụ nữ tạm lánh vào khách sạn trong thời gian đại dịch bùng phát”, Luke nói thêm.

Ngoài tỷ lệ nạn bạo hành gia tăng, một nghiên cứu mới từ Bệnh viện Brigham and Women ở Boston cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng ngày càng tồi tệ hơn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những bệnh nhân cần cấp cứu khẩn cấp vì bạo lực gia đình, có nhiều trường hợp bị bóp cổ, đâm bằng dao, làm bỏng, bị súng bắn. Mehra cho rằng một số người còn bị lạm dụng tình dục.

“Tôi nghĩ sự căng thẳng do đại dịch đã dẫn đến nhiều hình thức bạo lực cực đoan hơn”, Mehra bày tỏ.

Những áp lực vô hình


Một số chuyên gia cho rằng các yếu tố văn hóa thường ngăn cản phụ nữ châu Á tại xứ sở cờ hoa - vốn là nhóm ít có khả năng báo cáo lạm dụng nhất - tìm kiếm sự giúp đỡ. Với họ, bạo lực gia đình thường bị coi là vấn đề riêng tư.

Nạn nhân có thể phải đối mặt với những áp lực vô hình về văn hóa để che giấu sự lạm dụng và cố chịu đựng trong những cuộc hôn nhân đầy sóng gió.

Đồng thời, họ cũng đứng trước nhiều khó khăn khác như phân biệt chủng tộc và nguy cơ bị trục xuất. Mehra, thuộc nhóm Sakhi, cho biết các ông chồng thường sử dụng tình trạng nhập cư như một hình thức để bảo toàn quyền lực và sự kiểm soát người vợ.

Nạn nhân không thể khai báo tình trạng của mình nếu họ không có giấy tờ tùy thân hoặc đến từ các quốc gia có hệ thống bảo vệ người bị hại yếu kém.

Trước những áp lực về con cái, kỳ thị người châu Á, nhiều phụ nữ từ chối giải thoát cho chính mình.

Trong bối cảnh kỳ thị người châu Á gia tăng, hơn 2.500 người Mỹ gốc Á đã báo cáo các vụ việc phân biệt chủng tộc trong đại dịch, theo thống kê của Stop AAPI Hate, nhiều phụ nữ đã từ chối rời khỏi “địa ngục” vì sợ gặp phải thế giới tăm tối hơn ở ngoài kia.

Ngoài ra, tình hình suy thoái kinh tế hậu đại dịch cũng khiến họ lo lắng về sự bất ổn tài chính. Hầu hết khách hàng của Mehra đều là lao động chân tay, có mức lương thấp và bị thất nghiệp. Việc không có khả năng độc lập tài chính khiến họ ngày càng phụ thuộc vào người bạn đời vũ phu của mình.

Nỗi sợ hãi về Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều người sống sót sau các vụ bạo hành. Mehra từng gặp một trường hợp vẫn cố chịu đựng ngay cả khi bạo lực leo thang vì cô sợ việc rời đi sẽ khiến bản thân và các con bị nhiễm virus.

“Cô ấy chấp nhận việc tiếp tục bị đánh đập vì nỗi sợ hãi của chính mình”, Mehra nói.

Sau nhiều lần đắn đo, người phụ nữ này quyết định chạy trốn vì cho rằng nguy cơ bị bạo hành còn nghiêm trọng hơn cả Covid-19. Tổ chức Sakhi đã giúp đưa hai mẹ con cô đến nơi an toàn cùng những người thân ở bang lân cận.

Theo  Zing