Ảnh minh họa

Ella mong muốn lập gia đình. Thế nhưng, sau gần một thập kỷ yêu đương, hẹn hò mà không đi đến đâu, người phụ nữ 38 tuổi đã hoàn toàn kiệt sức. Ella nhận ra cô sẽ khó có thể tìm được người đàn ông phù hợp để kết hôn và thời gian sinh sản tốt nhất cũng không kéo dài mãi. Chính vì vậy, năm 2013, cô quyết định đông lạnh trứng và có thể sử dụng tinh trùng hiến tặng để thụ tinh nhân tạo vào thời điểm thích hợp. "Tôi cảm thấy đó là cách giúp mình đảm bảo tương lai", Ella nói.

Chọn trứng để đông lạnh

Ella nói cô không lo sợ việc trở thành mẹ đơn thân bởi vì cô cũng lớn lên trong một gia đình chỉ có mẹ. Thế nhưng, tại Hồng Kông, Pháp lệnh Công nghệ Sinh sản ban hành từ năm 1997 cấm phụ nữ thụ tinh nhân tạo mà không có chữ ký của chồng. Điều này buộc nữ giới chưa kết hôn phải lách luật ra nước ngoài để đông lạnh trứng.

Lựa chọn tốt nhất cho Ella là sang Thái Lan - quốc gia nổi tiếng về các phòng khám sinh sản, chi phí lại thấp hơn nhiều so với phương Tây và chỉ cách Hồng Kông 3 giờ bay. Thái Lan chào đón phụ nữ độc thân và đồng tính nữ muốn đông lạnh trứng, sau đó thụ tinh bằng nguồn trứng đó chỉ với chi phí khoảng 6.000 USD.

Hồng Kông chỉ chấp nhận việc đông lạnh trứng của những cá nhân đang điều trị ung thư. Các bệnh viện công thường hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn 1.300-3.510 USD chi phí điều trị. Tuy nhiên, nếu muốn cắt giảm thời gian chờ đợi, các đôi phải trả 10.000-20.000 USD. Việc những người chưa kết hôn ra nước ngoài để điều trị sinh sản như thụ tinh ống nghiệm hoặc mang thai hộ là vi phạm pháp luật. Theo quy định ở Hồng Kông, cả nam giới và phụ nữ đều phải đối mặt với khoản tiền phạt 3.000-6.500 USD và 6 tháng cho đến 2 năm tù giam nếu phạm tội.

Đông lạnh trứng

Sau 2 tuần tiêm hormone và thực hiện quy trình gây mê toàn thân ở Bangkok, trứng của Ella đã được lấy ra, làm đông lạnh và lưu trữ chờ ngày cô cần sử dụng. Tuy nhiên, khi Ella có ý định sinh con 3 năm sau đó, pháp luật ở Thái Lan đã thay đổi và trở thành rào cản. Năm 2014, chính quyền Thái Lan soạn thảo Đạo luật Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản cấm cư dân nước ngoài tham gia các thỏa thuận hợp đồng mang thai hộ thương mại và rút quyền thụ tinh trong ống nghiệm đối với các cặp đồng tính, cha mẹ đơn thân và cá nhân chưa kết hôn. Việc vận chuyển noãn và tinh trùng trong và ngoài nước cũng trở thành hành vi bất hợp pháp. Điều đó cũng có nghĩa là trứng của Ella đã bị mắc kẹt ở một cơ sở đông lạnh của Thái Lan.

Ella gặp một người đồng tính và biết rằng anh cũng có mong muốn giống mình. Họ quyết định sẽ cùng nhau kết hợp để sinh con và nuôi con chung. Họ đến Mumbai (Ấn Độ), nơi chi phí thụ tinh trong ống nghiệm rẻ hơn và ít thủ tục hơn. Lúc này Ella đã 38 tuổi và quy trình lấy trứng ở Ấn Độ không đạt chất lượng như cô đã trải qua ở Thái Lan. Ella đã trải qua hai lần chuyển phôi, song vẫn chưa thành công.

Còn cô Joscelyn là một giáo viên có quá trình đông lạnh trứng và thụ tinh ống nghiệm suôn sẻ hơn Ella. Năm 2016, Joscelyn sang Anh để thụ tinh nhân tạo. Một năm sau, cô đón con trai đầu lòng. Thế nhưng, việc trở thành một bà mẹ đơn thân phức tạp, khó khăn hơn cô từng mường tượng. Cơ quan đăng ký khai sinh ở Hồng Kông từ chối ghi họ của Joscelyn vào giấy khai sinh và đòi sử dụng họ của người hiến tặng tinh trùng. "Hầu hết nghĩ rằng những bà mẹ đơn thân thường còn trẻ, có hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi, không có việc làm, không được giáo dục tốt và ăn bám vào hệ thống phúc lợi xã hội," Joscelyn nói.

Phụ nữ Hồng Kông tập trung cho sự nghiệp, trì hoãn việc sinh con

Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021của Hiệp hội Phát triển Phụ nữ Hồng Kông cho thấy, ngày càng nhiều phụ nữ trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch sinh con. Trong số 1.200 người trưởng thành, hơn 40% không muốn có con do gánh nặng tài chính và thiếu không gian sống. Những người khác lựa chọn sinh con muộn hơn. Độ tuổi trung bình mà phụ nữ sinh con đầu lòng tăng từ 27,9 tuổi vào năm 1995 lên 30,5 tuổi vào năm 2017.

Tiến sĩ Ingrid Lok Hung, chuyên gia về y học sinh sản tại Bệnh viện và Viện điều dưỡng Hồng Kông, cho biết, xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn ngày càng phổ biến. Nhiều phụ nữ chọn đông lạnh trứng để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp hoặc có thêm thời gian tìm kiếm bạn đời lý tưởng. Tuy nhiên, từ sau 25 tuổi, cơ hội thụ thai sẽ giảm dần: Ở tuổi 25, cơ hội thụ thai tự nhiên mỗi tháng là 27% và ở độ tuổi 30 là 20% và từ 35 đến 38 tuổi chỉ còn 10%.

Nhu Thụy (Nguồn: SCMP)