Ella mong muốn lập gia đình. Thế nhưng sau gần một thập kỷ yêu đương, hẹn hò mà không đi đến đâu, người phụ nữ 38 tuổi đã hoàn toàn kiệt sức, theo SCMP.
Ella nhận ra cô sẽ khó có thể tìm được người đàn ông phù hợp để kết hôn và thời gian sinh sản tốt nhất cũng không kéo dài mãi.
Chính vì vậy, năm 2013, cô quyết định đông lạnh trứng và có thể sử dụng tinh trùng hiến tặng để thụ tinh nhân tạo vào thời điểm thích hợp.
"Tôi cảm thấy đó là cách giúp mình đảm bảo tương lai".
Ella nói cô không lo sợ việc trở thành mẹ đơn thân. Thế nhưng, tại Hong Kong, Pháp lệnh Công nghệ Sinh sản ban hành từ năm 1997 cấm phụ nữ thụ tinh nhân tạo mà không có chữ ký của chồng. Điều này buộc nữ giới chưa kết hôn phải lách luật ra nước ngoài để đông lạnh trứng.
Ngày càng nhiều phụ nữ Hong Kong quyết định đông lạnh trứng để đảm bảo tương lai. Ảnh: Science Photo Library.
Lặn lội từ Thái Lan đến Ấn Độ
Elle nói lựa chọn tốt nhất là đến Thái Lan - đất nước có tiếng tốt về các phòng khám sinh sản, chi phí thấp hơn nhiều so với phương Tây và chỉ cách Hong Kong 3 giờ bay. Quan trọng hơn cả, Thái Lan cho phép phụ nữ độc thân, đồng tính đông lạnh trứng, thụ tinh nhân tạo với mức chi phí khoảng 6.000 USD.
Hong Kong chỉ chấp nhận việc đông lạnh trứng của những cá nhân đang điều trị ung thư. Các bệnh viện công thường hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn 1.300-3.510 USD chi phí điều trị. Tuy nhiên, nếu muốn cắt giảm thời gian chờ đợi, các đôi phải trả 10.000-20.000 USD.
Việc những người chưa kết hôn ra nước ngoài để điều trị sinh sản như thụ tinh ống nghiệm hoặc mang thai hộ là vi phạm pháp luật. Theo quy định ở Hong Kong, cả nam giới và phụ nữ đều phải đối mặt với khoản tiền phạt 3.000-6.500 USD và 6 tháng cho đến 2 năm tù giam nếu phạm tội.
Sau hai tuần tiêm hormone và tiến hành thủ thuật gây mê toàn thân ở Bangkok, trứng của Ella đã được chiết xuất, đông lạnh và bảo quản để chờ đến khi cô sử dụng.
Trứng được chuẩn bị rã đông tại Shady Grove Fertility ở Rockville, Mỹ. Ảnh: The Washington Post.
Tuy nhiên, khi Ella có ý định sinh con 3 năm sau đó, pháp luật ở Thái Lan đã thay đổi và trở thành rào cản.
Năm 2014, chính quyền Thái Lan soạn thảo Đạo luật Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản, cấm cư dân nước ngoài tham gia các thỏa thuận hợp đồng mang thai hộ thương mại và rút quyền thụ tinh trong ống nghiệm đối với các cặp đồng tính, cha mẹ đơn thân và cá nhân chưa kết hôn.
Việc vận chuyển noãn, tinh trùng trong và ngoài nước cũng trở thành bất hợp pháp. Điều đó có nghĩa là trứng của Ella đang được đông lạnh tại Thái Lan sẽ không thể sử dụng.
"Tương lai của tôi đã bị xé toạc", người phụ nữ U40 than thở khi biết rằng bản thân đã sắp qua độ tuổi sinh đẻ.
Dù vậy Ella vẫn chưa bỏ cuộc. Cô đã tìm được một người đồng tính sẵn sàng hiến tinh trùng cho mình và lên đường sang Ấn Độ để thực hiện các thủ thuật y tế.
Quy trình lấy trứng ở Ấn Độ không đạt chất lượng như ở Thái Lan. Ella đã trải qua hai lần chuyển phôi, song vẫn chưa thành công.
Đông lạnh trứng để chờ đợi "quý ông hoàn hảo"
Joscelyn, giáo viên ở Hong Kong, có quá trình đông lạnh trứng và thụ tinh ống nghiệm suôn sẻ hơn Ella. Thế nhưng, việc trở thành một bà mẹ đơn thân phức tạp, khó khăn hơn cô từng mường tượng.
"Thế hệ chúng tôi lớn lên với những bộ phim tình cảm lãng mạn để rồi cứ mãi tưởng tượng về 'quý ông hoàn hảo'. Hàng chục năm tôi tìm kiếm và chờ đợi nhưng những điều tốt đẹp trong phim ảnh không xảy ra ở đời thực. Để đến khi nhận ra thực tế phũ phàng, tôi mới sực tỉnh mình không còn nhiều thời gian", người phụ nữ 36 tuổi nói.
Năm 2016, Joscelyn sang Anh để thụ tinh nhân tạo. Và một năm sau, cô đón con trai đầu lòng. "Nhiều người nói tôi thật ích kỷ và sai lầm khi quyết định trở thành mẹ đơn thân", Joscelyn kể.
Trong thời kỳ mang thai, cô từng bị một y tá gọi là "cô gái ngớ ngẩn" chỉ vì nói rằng con cô không có cha. Cơ quan đăng ký khai sinh ở Hong Kong cũng từ chối ghi họ của Joscelyn vào giấy khai sinh và khăng khăng muốn sử dụng họ của người hiến tặng tinh trùng.
"Hầu hết nghĩ rằng những bà mẹ đơn thân thường còn trẻ, có hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi, không có việc làm, không được giáo dục tốt và tồn tại nhờ vào hệ thống phúc lợi xã hội. Trong khi thực tế không hạn hẹp như vậy", Joscelyn nói.
Diễn viên Ham So-won (ảnh trên) và Thái Trác Nghiên quyết định đông lạnh trứng. Ảnh: Xinhua, KY Cheng.
Ngày càng nhiều phụ nữ Hong Kong trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch sinh con. Một cuộc khảo sát vào tháng 4 của Hiệp hội Phát triển Phụ nữ Hong Kong cho thấy trong số 1.200 người trưởng thành, 40% không muốn có con do gánh nặng tài chính và thiếu không gian sống.
Những người khác lựa chọn sinh con muộn hơn. Độ tuổi trung bình mà phụ nữ sinh con đầu lòng tăng từ 27,9 tuổi vào năm 1995 lên 30,5 tuổi vào năm 2017.
Tiến sĩ Ingrid Lok Hung, chuyên gia về y học sinh sản tại Bệnh viện và Viện điều dưỡng Hong Kong, cho biết: "Bạn có thể thấy xu hướng này ngày càng phổ biến. Thế nhưng từ sau 25 tuổi, cơ hội thụ thai sẽ giảm dần. Ví dụ: ở tuổi 25, cơ hội thụ thai tự nhiên mỗi tháng là 27% và ở độ tuổi 30 là 20% và từ 35 đến 38 tuổi chỉ còn 10%".
Trên khắp thế giới, nhiều phụ nữ chọn đông lạnh trứng để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp hoặc có thêm thời gian tìm kiếm bạn đời lý tưởng.
Ở châu Á, nhu cầu về thủ thuật này đang tăng lên khi những người nổi tiếng bao gồm nữ ca sĩ kiêm diễn viên Hong Kong Thái Trác Nghiên, nữ diễn viên Hàn Quốc Ham So-won và người mẫu kiêm diễn viên Đài Loan Lâm Chí Linh chia sẻ quyết định đông lạnh trứng của họ.
Trong khi đó, tại Mỹ và Anh, các công ty như Google, Apple và Facebook cung cấp dịch vụ đông lạnh trứng cho nhân viên trẻ tuổi như một phần phúc lợi tiêu chuẩn.
Theo Zing