‘Nhớ nguồn’ - hồi ký nhiều tư liệu quý về cách mạng Việt Nam tại hải ngoại
Cập nhật lúc 21:56, Thứ sáu, 14/04/2023 (GMT+7)
Gần 350 trang sách trong 17 chương, 4 tư liệu phụ lục, hồi ký Nhớ nguồn đã ghi lại chặng đường hoạt động của các vị lão thành cách mạng Việt Nam tại Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) từ năm 1930 đến 1945.
Đó là các nhà cách mạng: Bùi Ngọc Thành, Hoàng Đình Giong (Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khóa I), Hoàng Văn Thụ (Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khóa I – Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ), Hồ Đức Thành (Phó Chủ nhiệm Biện sự xứ Việt Nam tại Côn Minh), Lý Đào, Lê Tùng Sơn (Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Bình), Bồ Xuân Luật (Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng Không bộ), Trương Trung Phụng (Đại biểu Quốc hội khóa I Hải Phòng), Đinh Chương Dương (Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thanh Hóa), Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khóa I – Bí thư Tổng bộ Việt Minh), Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Bộ Thanh niên), Đặng Việt Châu (Phó Thủ tướng Chính phủ), Trần Lâm (Hoàng Anh) - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình…
Họ là những nhà cách mạng hoạt động dưới danh nghĩa Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) từ bên Trung Quốc trước Cách mạng tháng Tám 1945. Sau đó trở về nước, họ tham gia giải phóng Hà Giang (cùng đại úy Ba Viên, thiếu úy Một Mai, thiếu úy Một Hải). Trên danh nghĩa Đồng minh hội, những nhà cách mạng Việt Nam từ hải ngoại về đã tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội trong cuộc Tổng tuyển cử (6.1.1946) và thành lập Chính phủ Liên hiệp (2.3.1946)…
Những hoạt động của các nhà cách mạng hải ngoại khi ở Vân Nam và Quảng Tây đã xây dựng được lực lượng cả về chính trị và quân sự trong khối đại đoàn kết dưới hình thức Mặt trận Đồng minh hội. Khi về nước, các nhà cách mạng Đồng minh hội đại diện là các Ủy viên chính thức Đinh Chương Dương, Bồ Xuân Luật, Lê Tùng Sơn, Trương Trung Phụng, Hồ Đức Thành đã ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạn chế sự phá hoại của phái Đồng minh hội đứng đầu là Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Quốc dân đảng dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… Vì thế, hầu hết các Ủy viên này người bị bắt giam như Trương Trung Phụng, người bị ám sát như Bồ Xuân Luật trên phố Hàng Đào (Hà Nội) song may mắn thoát nạn. Các Ủy viên còn lại như Lê Tùng Sơn, Hồ Đức Thành cũng luôn gặp hiểm họa rình rập.
Sau những biến động của lịch sử, đầu thập niên 1990, các vị lão thành cách mạng Việt Nam tại Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) từ năm 1930 đến 1945 ngồi lại cùng nhau, ôn lại chặng đường hoạt động cách mạng, ra chung hồi ký lấy tên Nhớ nguồn do 2 người chấp bút đứng tên tác giả là Bích Tùng và Lý Đào.
Tác giả Bích Tùng tức Hồ Đức Thành (1913 – 2011) sinh tại xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946 – 1960) tỉnh Nam Định, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (1936 – 1937), chuyên viên Bộ Nội thương (nay là Bộ Công thương).
Tác giả Lý Đào tức Lý Thủy Thọ (1913 – 1997) quê huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Trưởng phòng Tình báo QĐND Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946 – 1960).
|
Theo Thanh niên