leftcenterrightdel
Các tòa nhà chung cư tại Berlin, Đức, ngày 14/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Sự bất bình đẳng về giàu nghèo thể hiện rất rõ ràng trên toàn thế giới và châu Âu cũng không ngoại lệ: 10% người giàu nhất lục địa sở hữu tới 67% tài sản tại khu vực, trong khi nửa dưới của nhóm dân số trưởng thành chỉ sở hữu 1,2%.

Mức độ của cải được phân bổ không đồng đều cũng khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, như được thể hiện trong Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2023 do ngân hàng Credit Suisse và UBS công bố.

Sự phân bổ của cải không đồng đều được đo bằng hệ số Gini: hệ số Gini càng cao thì càng có nhiều sự bất bình đẳng về giàu nghèo, với 0 đại diện cho sự bình đẳng hoàn toàn.

Trong số 36 quốc gia châu Âu được nghiên cứu vào năm 2022, bất bình đẳng giàu nghèo của các nước này dao động từ 50,8 ở Slovakia đến 87,4 ở Thụy Điển.

Ngoại trừ Iceland, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ở các quốc gia Bắc Âu là khá cao. Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đều đứng ở nửa trên của bảng, trong đó Thụy Điển đứng đầu danh sách.

Đức có điểm bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất (77,2) trong số bốn cường quốc kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Xếp sau là Pháp (70,3), Tây Ban Nha (68,3) và Italy (67,8).

Vương quốc Anh, cựu thành viên EU và vẫn được coi là một trong bốn nền kinh tế lớn nhất ở lục địa châu Âu có hệ số 70,2.

Bỉ (59,6), Malta và Slovenia (64,4) theo sau Slovakia và thuộc nhóm quốc gia có mức chênh lệch giàu nghèo ít nhất.

Trong số các quốc gia giàu có hàng đầu ở châu Âu, cụ thể là bốn nền kinh tế lớn của EU cùng Vương quốc Anh, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo thực tế đã giảm ở Đức trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2022, khi hệ số Gini của nước này giảm 4,3.

Tuy nhiên, Đức vẫn có hệ số bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất trong số năm nền kinh tế lớn của châu Âu vào năm 2022.

Vương quốc Anh cũng chứng kiến tình trạng bất bình đẳng giảm so với cùng kỳ, mặc dù ít đáng kể hơn (-0,4). Trong khi đó, Italy ghi nhận mức tăng cao nhất với 7,4 điểm, Tây Ban Nha tăng 2,8 và Pháp tăng 0,6.

Theo các nhà nghiên cứu tại Quỹ cải thiện điều kiện sống và làm việc châu Âu (Eurofound), một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến bất bình đẳng giàu nghèo tại khu vực này là vấn đề sở hữu tài sản.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở giữa các quốc gia là một trong những yếu tố chính góp phần tạo nên sự khác biệt trong phân bổ của cải.

Các nhà nghiên cứu cho hay những quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu nhà cao hơn thường ghi nhận mức độ bất bình đẳng giàu nghèo thấp hơn. Ngược lại, những nước mà người dân dễ tiếp cận các tài sản tài khác hơn thì có xu hướng có bất bình đẳng giàu nghèo cao hơn.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vào năm 2022, Đức có tỷ lệ sở hữu nhà thấp nhất khi chỉ có 46,5% dân số sống trong nhà riêng.

Mức trung bình của EU là 69,1%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn mức trung bình EU ở Thụy Điển (64,2%) và Thổ Nhĩ Kỳ (57,5%).

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các khoản lương hưu tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự bất bình đẳng về tài sản.Họ cho biết ở các nước khu vực Tây Âu, người dân có nhiều khả năng tiết kiệm để nghỉ hưu hơn.

Điều này là nhờ thu nhập cao và vì họ có khả năng tiếp cận với các công cụ tạo thu nhập sau khi nghỉ hưu so với công dân Đông và Nam Âu./.

Theo vietnamplus