Tuy thất bại trước một bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của Haruki Murakami nhưng Bàn tay của Chúa vẫn là một trong những bộ phim điện ảnh để lại dấu ấn sâu đậm.
|
Fabietto quá trẻ khi đối diện với nỗi đau mất mát, với số phận, với câu hỏi về sự sống - cái chết |
Nếu là người hâm mộ bóng đá, khi nhắc đến cụm từ “bàn tay của Chúa”, bạn sẽ biết ngay đang nói đến trận tứ kết World Cup năm 1986 giữa Argentina và Anh, nơi huyền thoại Argentina Diego Maradona đã ghi bàn thắng bằng tay.
Bàn tay của Chúa (tựa gốc tiếng Ý: È stata la mano di Dio) của đạo diễn Paolo Sorrentino cũng có sự xuất hiện của Maradona và trái bóng tròn. Đó là thập niên 1980 ở thành phố Napoli (Ý) bên bờ biển với những cư dân có tình yêu cuồng nhiệt môn túc cầu đón nhận tin câu lạc bộ Napoli đã chiêu mộ thành công ngôi sao Maradona.
Thành Napoli đó cũng chứng kiến chàng thiếu niên Fabietto Schisa sống những ngày hạnh phúc bên đại gia đình với những mối quan hệ phức tạp, những bí mật gia đình, những nỗi đau âm thầm hay hiển lộ.
Ở đoạn đầu phim là hình ảnh một buổi tiệc gia đình diễn ra trong vườn với nhiều thế hệ cùng tham dự, có tiếng cười, những đứa trẻ chơi đùa, bà cô già lẩn thẩn cáu gắt ngồi tách biệt. Có cảm giác như ta đang xem một bức tranh, nơi những khuôn mặt hiện ra dù chỉ thoáng qua nhưng vẫn đầy ấn tượng. Ta cảm nhận được âm thanh huyên náo của trần gian, nhựa sống tràn trề không ngừng tuôn chảy. Tuy nhiên, tức khắc, mọi thứ đã chuyển sang một không gian đẫm màu sắc tâm linh, siêu thực.
Trailer phim Bàn tay của Chúa:
Tất cả như đã được dự báo ngay từ đầu. Trong cái thế giới người rộn ràng ấy tưởng chừng chỉ tồn tại niềm vui, định mệnh vẫn âm thầm chi phối dưới bàn tay sắp đặt của một đấng toàn năng mà chàng thiếu niên không thể lý giải được. Chàng vẫn đang khám phá thế giới. Đôi mắt Fabietto ẩn chứa sự tò mò. Dường như lúc nào chàng cũng bị vẻ lạ lẫm của đời sống thu hút. Như thể có hàng ngàn câu hỏi xuất hiện trong đầu chàng nhưng không có lời giải đáp. Chàng quá trẻ khi đối diện với nỗi đau mất mát, với số phận, với câu hỏi về sự sống - cái chết. Lẽ ra chàng đã qua đời cùng cha mẹ mình nếu không vì mê xem bóng đá mà thoát khỏi bàn tay tử thần. Một người họ hàng đã an ủi chàng thiếu niên, rằng chàng được cứu nhờ bàn tay của Chúa.
Cái chết trong phim đột ngột, có cảm giác như phi lý. Những con người sôi nổi, vui vẻ phút trước, bỗng nhiên biến mất. Và đó là cuộc đời - một cuộc đời dài rộng khôn lường, mà dù có sống lâu đến đâu vẫn cứ tồn tại những chuyện chẳng bao giờ lý giải nổi.
|
Thành Napoli chứng kiến chàng thiếu niên Fabietto Schisa sống những ngày hạnh phúc bên đại gia đình |
Phải chăng bởi thế mà đến cuối phim, Fabietto quyết định bỏ đi và học làm phim? Phải chăng đó cũng là lời bộc bạch của đạo diễn Paolo Sorrentino, rằng thông qua điện ảnh, ta khám phá thế giới này, trả lời những câu hỏi về sự hiện hữu, để khắc ghi mãi mãi và để ký ức sống đời đời?
Đạo diễn Sorrentino từng tâm sự ông đã ở Napoli từ lúc chào đời đến năm 37 tuổi. Thành phố và ký ức trở thành nguồn dưỡng chất cho bộ phim của ông. Qua điện ảnh, Sorrentino đã “vẽ lại” ký ức của mình, dù điều đó không hề dễ dàng. “Mỗi khi quay lại Napoli, tôi phải đối mặt với các cảm xúc mâu thuẫn. Tôi có niềm vui vô bờ bến cũng như nỗi đau khổ tột cùng” - ông nói. Thành phố trở thành kho đựng ký ức, niềm vui và nỗi đau, như một đời sống thu nhỏ tưởng bất biến nhưng hóa ra lại chất chứa vô vàn biến động.
Xem Bàn tay của Chúa, bạn sẽ có cảm tưởng đang bước vào thành Napoli, bước vào vương quốc ký ức của Sorrentino - một nội tâm riêng tư được phô bày trước thế giới để kiếm tìm sự đồng điệu, để những kỷ niệm sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Theo phụ nữ TPHCM