leftcenterrightdel
 Các cơ sở giáo dục lẫn hệ thống cầu đường tại Pakistan chịu thiệt hại nặng nề sau thiên tai, khiến nhiều học sinh không thể quay lại trường

Những ngày này, Bibi phải trải qua chuyến hành trình vất vả để đến được ngôi trường tạm - một túp lều dựng cạnh bờ sông thuộc địa phận làng Lagan Khar, quận Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. 

“Thiên tai khiến việc học của em bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ lúc trường đóng cửa, em không thể học bài vở mới” - Bibi chia sẻ khi đứng bên ngoài ngôi trường tạm. Vì phải nghỉ quá lâu, cô bé tiết lộ “cũng đã dần quên những nội dung học trước đây”.

3,5 triệu trẻ bị gián đoạn học tập

Lũ lụt đã cướp đi mạng sống của hơn 1.700 người, để lại con số thiệt hại 30 tỉ USD. Bên cạnh cuộc khủng hoảng về sức khỏe, với 33 triệu người (gần 7% dân số nước này) bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Pakistan đang đối mặt rất nhiều khó khăn trong vấn đề giáo dục.

Theo thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), lũ lụt thảm khốc làm thiệt hại hoặc phá hủy hoàn toàn hơn 26.600 cơ sở giáo dục trên khắp cả nước. Chương trình học của hơn 3,5 triệu học sinh Pakistan bị gián đoạn. Phía UNICEF nhấn mạnh: “Trước cả thiên tai, Pakistan đã đứng thứ hai thế giới về tỉ lệ trẻ em thất học - 22,8 triệu trẻ ở độ tuổi từ 5-16”.

“Đại dịch COVID-19 từng buộc các trường học tạm đóng cửa thời gian dài. Nay trẻ em Pakistan lại lần nữa bị đe dọa quyền lợi được đến trường” - Robert Jenkins, giám đốc bộ phận giáo dục toàn cầu của UNICEF, phát biểu.

Bộ Kế hoạch của Pakistan ước tính cần 918 triệu USD để khôi phục cơ sở hạ tầng ngành giáo dục - khoản kinh phí cao hơn nguồn quỹ bảo trợ nhân đạo Liên hiệp quốc kêu gọi đóng góp cho quốc gia Nam Á.

Tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, người dân đang lo ngại trước tình trạng thiếu hụt nguồn vốn hỗ trợ tái xây dựng, sửa chữa những ngôi trường chịu thiệt hại sau trận lũ. Nỗi sợ lớn nhất của nhiều nhà giáo, nhà hoạt động xã hội là nguy cơ trẻ em bị thất học.

“Thiên tai khiến học sinh phải rời xa sách vở, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình học tập, tiếp thu kiến thức mới của các em” - Adnan Khan, một giáo viên công tác tại trường tiểu học công lập Bair, nơi Bibi theo học trước đây, bày tỏ.    

Giải pháp tạm thời

Dẫu chính quyền Khyber Pakhtunkhwa cho thiết lập một số trường học tạm, giới hoạt động xã hội và giáo viên bản địa đang lên tiếng phản ánh về cơ sở vật chất nghèo nàn, chật hẹp của những nơi này.  

Túp lều được dùng làm địa điểm dạy học tại làng Lagan Khar - xây dựng bởi chương trình hỗ trợ nông thôn Sarhad, một tổ chức phi chính phủ chuyên làm công tác xóa đói giảm nghèo trong khu vực Tây Bắc Pakistan - có diện tích khá nhỏ, thiếu nguồn cung điện, nước lẫn hệ thống sưởi. Không có năng lượng sưởi ấm đồng nghĩa trẻ nhỏ sẽ khó lòng chống chọi thời tiết để đến lớp vào mùa đông, khi khí hậu trở nên khắc nghiệt.

leftcenterrightdel
 Cùng với các ngôi trường, nhiều cầu, đường bị phá hủy do lũ lụt là nguyên nhân chính khiến trẻ em không thể đến lớp

Sher Ali, một giáo viên khác sống ở Lagan Khar, cho biết: “Sau khi trường tạm mở cửa từ cuối tháng 10 vừa qua, khoảng 1/3 học sinh vẫn chưa quay lại lớp”. Ali quan ngại, nhiều đứa trẻ là con em các gia đình nghèo trong làng sẽ chọn cách thôi học.

“Trường học mang lại hy vọng duy nhất với cha mẹ và trẻ nhỏ ở làng chúng tôi” - công nhân 50 tuổi Gulab Khan, người có con theo học tại trường tiểu học Bair, chia sẻ. Ông rất mong chính quyền địa phương sớm tìm nguồn tài trợ để xây dựng trường mới.      

Zubair Torwali, một nhà hoạt động xã hội tại miền Bắc Pakistan, nhận định: “Cơ quan Hợp tác và Phát triển của Thụy Sĩ (SDC) là đơn vị quốc tế duy nhất đang đứng ra hỗ trợ tái thiết hệ thống đường sá, trường học trong khu vực. Thế nhưng hết tháng 11 này, dự án của họ sẽ kết thúc và hiện chưa có tổ chức nhân đạo nào khác đứng ra trợ giúp người dân”.

Theo Torwali, cùng với các ngôi trường, nhiều cầu, đường bị phá hủy do lũ lụt là nguyên nhân chính khiến trẻ em không thể đến lớp.

Phía nhà chức trách tiết lộ, Khyber Pakhtunkhwa cần khoản chi phí 45 triệu USD để “sửa chữa lẫn xây mới tất cả 2.000 cơ sở giáo dục bị hư hại, trong vòng 8 tháng tới”. Số liệu công bố bởi Motasim Billah Shah, thư ký bộ giáo dục tỉnh. Vị này cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ nỗ lực giúp toàn bộ trẻ em tiếp tục được đến trường. Theo kế hoạch, chính quyền tỉnh sẽ chi trả kinh phí cần thiết để khôi phục hoạt động giáo dục. Nhưng đồng thời chúng tôi luôn kêu gọi hỗ trợ từ những tổ chức như Ngân hàng Thế giới và UNICEF”.

Trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2022 diễn ra mới đây tại Ai Cập, các nhà lãnh đạo Pakistan cho biết nước này rất cần trợ giúp kinh phí “khôi phục thiệt hại và mất mát” do thiên tai.

Ở ngôi làng nhỏ Lagan Khar, bé gái 8 tuổi Bibi đang nóng lòng chờ mong trường của em được tái xây dựng, để tiếp tục đến lớp. Bibi bày tỏ: “Tương lai, em muốn trở thành giáo viên, giúp xóa mù chữ cho các bé gái trong làng”.

Theo phụ nữ TPHCM