Với Anna, phố đi bộ ở Pattaya không chỉ là khu phố đèn đỏ nổi tiếng mà đó còn là nơi cô làm việc trong 12 năm qua. Chính tại đó, giữa những dãy hộp đêm, quán bar và tiệm mát xa, Anna và nhiều gái mại dâm khác chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Nhờ thu nhập từ nơi này, nhiều người đã xây dựng cuộc sống, trong khi những người mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên hiện tại, phố đi bộ ở Thành phố Pattaya ở ven biển Chonburi không còn là nơi giải trí và mở ra cơ hội cho họ nữa. Các tụ điểm giải trí về đêm cung cấp việc làm cho nhiều gái bán dâm đã đóng cửa, không còn những ngọn đèn neon lập lòe hay không khí âm nhạc sôi động vào ban đêm. Kể từ năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 tấn công Thái Lan, nơi này đã vắng bóng khách du lịch.
"Thật nghẹn ngào. Pattaya lúc 6 giờ tối hiện nay trông như một thành phố bỏ hoang. Hầu như không có bất kỳ dấu hiệu nào của cuộc sống trên phố đi bộ. Điều này khiến tôi muốn bật khóc, nơi này đã từng tạo ra thu nhập và xây dựng tương lai cho rất nhiều người", Anna nói. Cô là một trong số hàng trăm nghìn gái mại dâm ở Thái Lan mất nguồn thu nhập chính do khủng hoảng từ Covid-19.
Mất việc làm do đại dịch
Theo SWING, một tổ chức địa phương phối hợp với những người hoạt động trong ngành này, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người hành nghề mại dâm ở Thái Lan. Theo đó, khi chính phủ nhiều lần ra lệnh đóng cửa các điểm giải trí về đêm kể từ năm ngoái vì nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhiều người phải chịu cảnh mất đi nguồn thu nhập.
"Hàng trăm nghìn người hành nghề mại dâm để nuôi sống bản thân và gia đình bỗng dưng thất nghiệp. Họ không được nhà nước chăm sóc hoặc nhận bất kỳ khoản tiền cứu trợ nào trong hơn một năm nay", Surang Janyam, giám đốc SWING cho biết.
"Thật khó để tưởng tượng làm thế nào họ có thể tồn tại mà không có bất kỳ khoản thu nhập nào, vì hầu hết họ sống dựa vào tiền kiếm được hàng ngày", cô nói thêm.
Ở Thái Lan, mại dâm là bất hợp pháp. Tuy nhiên, đất nước này từ lâu đã được biết đến với các khu phố đèn đỏ phát triển mạnh ở các điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Pattaya và Phuket.
Theo Surang, giám đốc tổ chức SWING, có khoảng 200.000 người hành nghề mại dâm ở Thái Lan. Nhiều người trong số họ đã đấu tranh để hoạt động mại dâm được hợp pháp hóa, điều giúp đảm bảo họ được bảo vệ theo luật lao động và phúc lợi cơ bản như các ngành nghề khác.
Hầu hết những người hành nghề mại dâm không được đăng ký vào hệ thống an sinh xã hội vì tính chất tội phạm liên quan đến công việc này. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp cận các phúc lợi an sinh xã hội, bao gồm cả tiền cứu trợ cho người làm việc có bảo hiểm bị thất nghiệp từ các gói hỗ trợ Covid-19 của chính phủ.
Surang cho biết, họ đang thúc đẩy chính quyền thừa nhận mại dâm là công việc và cần được đưa vào luật lao động. Theo Đạo luật ngăn chặn và trấn áp mại dâm năm 1996 của Thái Lan, bất kỳ ai gạ gẫm hoặc giới thiệu mình để bán dâm với mức phạt lên tới 1.000 baht (gần 700.000 đồng). Ngoài ra, gái mại dâm cũng ở đất nước này có thể phải đối mặt với án tù lên đến hai năm và phạt tiền từ 10.000 - 40.000 baht (khoảng 7 triệu – 31 triệu đồng) nếu quảng bá bản thân để bán dâm bằng bất kỳ hình thức nào.
Đói khổ, không nơi nương tựa
Thái Lan đang phải chống chọi với làn sóng Covid-19 dai dẳng. Các ca mắc mới đã tăng trên 20.000 ca một ngày trong tháng này do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Các câu lạc bộ về đêm cũng như quán bar đã đóng cửa trong vài tháng do các hạn chế để kiểm soát đại dịch. Nhiều nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao như Bangkok và Chonburi đã thực hiện lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng, khiến những người hành nghề mại dâm càng khó tìm được khách hơn. Một số người phải chật vật sống trong khi không có thu nhập mà vẫn phải trả tiền ăn, tiền thuê nhà và nuôi sống gia đình.
Theo SWING, có những người thậm chí trải qua nhiều ngày mà không được ăn uống. Nhiều người chọn cách dùng tiền tiết kiệm trong những năm qua, trong khi số khác buộc phải vay tiền từ những kẻ cho vay nặng lãi để duy trì cuộc sống.
Ngoài ra, theo lời kể của Anna, một số gái mại dâm bị mất việc, không có đủ tiền trả tiền thuê phòng chủ đuổi đi và phải ngủ trên bãi biển. Vì sợ bắt giữ do vi phạm lệnh giới nghiêm, họ phải ngủ trong các quán rượu và quán bar đã đóng cửa, nằm sau quầy hàng vào ban đêm, chịu cảnh muỗi đốt hoặc ướt sẫm khi trời mưa.
Anna chia sẻ, thời gian này cô làm việc part-time cho SWING và giúp liên lạc với những người hành nghề mại dâm cần giúp đỡ.
Theo thông tin, Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người đã hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp và những người không nơi nương tựa. "Mỗi gia đình sẽ nhận hỗ trợ không quá 3.000 baht (hơn 2 triệu đồng), tùy thuộc vào đánh giá của nhân viên xã hội hoặc các quan chức khi đến thăm nhà để kiểm tra. Nó được cung cấp không quá ba lần mỗi năm", Bộ cho biết.
Theo SWING, có khoảng 8.000 người hành nghề mại dâm trong mạng lưới của tổ chức ở Bangkok và Pattaya, chỉ một số ít họ nhận được hỗ trợ với số tiền từ 1.000 - 2.000 baht (khoảng 700.000 – đến 1,4 triệu đồng).
Nỗ lực "giải cứu" gái mại dâm
Kể từ năm ngoái, SWING đã cung cấp thức ăn, nước uống, thuốc men cho những người có nhu cầu; đồng thời giúp những người hành nghề mại dâm bị nhiễm Covid-19 được điều trị y tế.
Trụ sở chính của SWING nằm ở Patpong, một trong những khu phố đèn đỏ nổi tiếng nhất ở Bangkok đã được chuyển đổi thành một nhà bếp đặc biệt, nơi các nhân viên chuẩn bị thực phẩm và phân phát ba lần một tuần. Khu vực này, từng trở nên sống động vào ban đêm với ánh đèn neon đầy màu sắc, những người giải trí và khách du lịch, giờ trở nên tối tăm và trống trải.
"Không chỉ đèn neon tắt, rất nhiều cuộc đời cũng đã ra đi. Những ngọn đèn này đã mang lại thu nhập cho họ. Chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng sẽ không bao giờ giống như vậy được nữa", Surang nói.
Ngoài ra, ở miền bắc Thái Lan, trung tâm hỗ trợ của Empower Foundation giúp đỡ cả người dân Thái và gái mại dâm bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Được biết, tổ chức này đã ủng hộ quyền, giáo dục và phúc lợi của người bán dâm trong hơn 30 năm và có hơn 50.000 thành viên trong mạng lưới bao phủ các vùng khác nhau của Thái Lan.
Arsio Laechoe, người từng làm việc trong một quán bar ở Chiang Mai, cho biết: "Công việc 'bán phấn buông hương' đã giúp chúng tôi duy trì cuộc sống. Hiện giờ, ai cũng chật vật tìm việc, làm gì cũng được. Một số làm ở cửa hàng, bồi bàn hoặc nhân viên tại các trạm xăng dầu. Những người khác đã gia nhập các công ty giao hàng thực phẩm hoặc các công trường xây dựng. Tuy nhiên, vẫn có những người không thể tìm được việc làm nào".
"Hiện tại, nhiều người vẫn có thể tạm duy trì cuộc sống trong một thời gian nhưng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài sang năm sau, chúng tôi có thể đối mặt với những điều 'chưa bao giờ trải qua' và không bao giờ muốn", một thành viên của quỹ Quỹ Empower Foundation nói.
Kim Ngọc (theo channelnewsasia)