|
|
Tuần hành với biểu ngữ "Cơ thể của tôi là do tôi quyết định" và "Phá thai trong Hiến pháp" ở Paris, Pháp |
Như vậy, Pháp trở thành nước đầu tiên thế giới ghi quyền phá thai vào Hiến pháp để bảo vệ quyền của phụ nữ, trong lúc ngày càng có nhiều nước thắt chặt quy định, thậm chí nghiêm cấm nạo phá thai.
Các nhà lập pháp tại Thượng viện ủng hộ áp đảo việc sửa đổi hiến pháp nhằm trao cho phụ nữ "quyền tự do được đảm bảo" để chấm dứt mọi trường hợp mang thai ngoài ý muốn kéo dài tới 14 tuần. Kết quả biểu quyết tại Thượng viện đã được giới bảo vệ nhân quyền hoan nghênh, xem là “một bước tiến mang tính chất quyết định”, “một trang sử mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ”, thể hiện sự tiên phong của nước Pháp trong việc bảo vệ quyền tự do phá thai.
Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti cho biết Pháp đang đứng trước "ngày lịch sử" khi trở thành "quốc gia đầu tiên trên thế giới bảo vệ trong hiến pháp quyền tự do của phụ nữ" để quyết định điều gì xảy ra với cơ thể họ. Còn Thủ tướng Gabriel Attal gọi đây là “tiến bộ to lớn” và “sự bảo vệ mà chúng ta có được đối với tất cả phụ nữ”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông sẽ triệu tập phiên họp Quốc hội đặc biệt của hai viện tại cung điện Versailles vào ngày 4/3 để bỏ phiếu cuối cùng. Đây chỉ là cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng để ghi quyền phá thai vào Hiến pháp bởi ở cả 2 lần bỏ phiếu riêng rẽ tại Hạ viện và Thượng viện, dự luật đều đã được thông qua với đa số áp đảo.
Tổng thống Macron muốn bảo đảm là quyền tự do phá thai của phụ nữ là quyền Hiến định, không thể đảo ngược. Trên thực tế, việc phá thai được hợp pháp hóa tại Pháp vào năm 1974 trong một đạo luật do Bộ trưởng Y tế Simone Veil ủng hộ nhưng không có điều gì trong Hiến pháp đảm bảo quyền phá thai. Sau đó ban hành một số luật để cải thiện các điều kiện phá thai, thông qua việc bảo vệ sức khỏe và danh tính phụ nữ, cũng như giảm nhẹ gánh nặng tài chính của thủ thuật y tế này.
|
|
Đảng Nước Pháp Bất Khất (LFI) trên tuyến đầu đòi đưa quyền phá thai vào Hiến pháp |
Năm 1988, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa việc sử dụng mifepristone làm thuốc phá thai. Chi phí phá thai, phẫu thuật hoặc do thuốc, được bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.
Trong khi việc phá thai được thực hiện rộng rãi và có ít hạn chế về mặt pháp lý ở Pháp, những người ủng hộ dự luật sửa đổi hiến pháp nói rằng nó gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới những người ngày càng lên tiếng phản đối quyền phụ nữ. Nỗ lực của Pháp nhằm hợp pháp hóa việc phá thai là một phản ứng trực tiếp trước việc Tòa án Tối cao hủy bỏ quyền sinh sản ở Mỹ năm 2022.
Chính phủ của Tổng thống Macron muốn Điều 34 của Hiến pháp Pháp được sửa đổi để bao gồm rằng “Luật xác định các điều kiện để thực hiện quyền tự do của phụ nữ trong việc phá thai, điều này được đảm bảo”. Điều này sẽ khiến bất kỳ chính phủ nào trong tương lai gặp khó khăn hơn nhiều trong việc hạn chế quyền chấm dứt thai kỳ của phụ nữ.
Khi Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đưa việc phá thai vào hiến pháp, các nhà hoạt động nói rằng điều này truyền cảm hứng cho các biện pháp tương tự trên khắp châu Âu. Nó cũng có thể thúc đẩy các nỗ lực bổ sung việc phá thai vào Hiến chương về Quyền cơ bản của châu Âu để bảo vệ quyền tiếp cận phá thai trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Hầu hết các nước EU đưa ra một số hình thức tiếp cận dịch vụ phá thai trong 3 tháng đầu tiên nhưng các nhà vận động nêu ra những hạn chế như quyền từ chối dịch vụ do sự phản đối vì lương tâm, chi phí hoặc việc hình sự hóa việc phá thai ở một số quốc gia. Ba Lan và Malta là những quốc gia có quy định hạn chế nhất trong khối, trong khi Hà Lan và Anh cho phép phá thai tới 24 tuần, thời gian dài nhất để chấm dứt thai kỳ ở châu Âu.
Ngự Bình/Nguồn: AFP, France 24