|
|
TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - Ảnh: VGP/DA |
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 - 18/12/2021 tại Pháp, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" và sắp tới, Lễ đón nhận Bằng ghi danh di sản văn hóa này của UNESCO sẽ được tổ chức trọng thể tại Yên Bái.
Đây là niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng người Thái nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
Để tìm hiểu thêm về nghệ thuật Xòe Thái cũng như hành trình Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đã có những chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này.
Cần nhận diện đầy đủ về giá trị của Xòe Thái
TS. Lê Thị Minh Lý cho biết để làm hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta phải nhận diện tất cả những giá trị của Xòe Thái. Do đó, những người làm hồ sơ phải làm việc với cộng đồng để nhận diện những giá trị đó.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, nếu chúng ta không có được lý thuyết về di sản văn hóa phi vật thể thì sẽ khó lòng nhận diện ra được giá trị đó. Nhận diện giá trị của Xòe Thái là một vấn đề nhưng làm thế nào đển nhận ra được sự biến đổi của Xòe Thái qua thời gian và biết được liệu rằng Xòe Thái có bị xói mòn hay không, có bị thay đổi bởi xu thế phát triển hiện nay hay không. Cái nào thay đổi thì phù hợp, cái nào thay đổi sẽ làm xói mòn những giá trị cốt lõi, giá trị truyền thống thì người làm hồ sơ phải nắm chắc lý thuyết về di sản văn hóa phi thể, phải có trình độ về văn hóa dân gian, về dân tộc học, về nghệ thuật và phải cùng với cộng đồng trong công tác này.
Một trong những nguyên tắc của hồ sơ là phải có sự tham gia của cộng đồng để bảo đảm rằng việc đề cử này là một quá trình nhận thức đầy đủ không phải là chỉ vì danh hiệu mà là quá trình cùng nhận diện những giá trị để bảo vệ nó.
Danh hiệu "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" cần được hiểu đúng vì đó không phải là di sản được xếp hạng và mọi người vẫn dùng từ "công nhận" còn UNESCO không dùng từ "công nhận" mà đưa nó vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó có nghĩa là cộng đồng cần thấy rằng phải tự hào về di sản như là một sáng tạo văn hóa của mình.
Chính vì thế Nhà nước, cộng đồng cùng các tổ chức có liên quan thấy được tầm quan trọng của việc phải giữ gìn Xòe Thái như là văn hóa đại diện cho chính cộng đồng ấy, chính họ cam kết với UNESCO và cùng nhau đưa vào danh sách di sản của nhân loại như là một thành tố đa dạng văn hóa của nhân loại.
|
|
Bảo vệ để Xòe Thái trở thành máu thịt của cộng đồng người Thái. |
Xòe Thái - hồn cốt văn hóa của người Thái
Tuy nhiên, TS. Lê Thị Minh Lý, việc đưa Xòe Thái vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện ý nghĩa cộng đồng người Thái không chỉ ở một tỉnh mà ở nhiều tỉnh ở Tây Bắc đã coi di sản văn hóa từ lâu đời này như là sự sáng tạo của cha ông mình và tạo thành sắc thái văn hóa của chính cộng đồng người Thái.
Cộng đồng người Thái đã cùng nhận diện ra giá trị và cam kết chung tay gìn giữ di sản này cho muôn đời con cháu mai sau trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Họ coi đây như là nhiệm vụ, là chương trình hành động đồng thời là hoạt động văn hóa của chính họ. Điều đó thể hiện tính cộng đồng trong việc đề cử di sản văn hóa này.
Mặt khác, Xòe Thái là dạng thức di sản văn hóa phi vật thể tổng hợp và có nhiều sáng tạo. Trước hết, đó là tập quán xã hội lâu đời của người Thái. Tập quán này được biểu đạt khi họ sinh hoạt chung với nhau trong dịp lễ hội, dịp đầu năm mới hoặc trong những ngày vui của từng gia đình, trong những sự kiện do cộng đồng tổ chức. Cùng với tập quán đó là nghệ thuật trình diễn, đó là múa. Trong Xòe Thái có sự tổng hợp của nhiều loại hình, gồm tập quán xã hội và múa. Chúng ta thấy múa Thái, xòe Thái là dạng thức độc đáo ở Việt Nam. Ở Việt Nam, trong các loại hình nghệ thuật trình diễn thuộc về âm nhạc thì hát nhiều hơn là múa. Cộng đồng người Thái có điệu múa này và nó tạo nên một sự đặc biệt để phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác.
Trang phục và cách trang điểm của người Thái cũng là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, chứa đựng tri thức và kỹ năng, quan niệm và biểu đạt về mặt thẩm mỹ của con người. Chúng ta quan sát một người phụ nữ Thái thì thấy họ mặc những bộ trang phục rất đẹp, tinh tế, biểu đạt được ngôn ngữ hình thể, từ phom áo váy, kết hợp hai màu sáng tối, đặc biệt hàng cúc áo thể hiện tính thẩm mỹ rất cao. Hàng cúc áo được thiết kế hình bướm, hình hoa, là điểm nhấn của bộ trang phục và cũng là để phân biệt người Thái với những cộng đồng khác. Kèm theo đó còn nhiều điểm nữa như bộ xà tích đeo bên hông với các dụng cụ để ăn trầu cũng như cách họ búi tóc, cài trâm bạc lên tóc… Tất cả trang phục, trang sức và cách trang điểm đó cũng chính là những di sản văn hóa phi vật thể.
"Một điểm nữa cũng nằm trong Xòe Thái đó là cách ứng xử văn hóa, văn minh của người Thái trong cộng đồng. Người Thái rất tinh tế, thanh lịch, kỹ càng từ trang phục, món ăn đến ngôn từ và cả tập quán thờ cúng trong gia đình. Tất cả tổng hòa nên một dạng thức văn hóa mà chúng ta gọi là Xòe Thái nhưng trong đó chứa đựng rất nhiều thứ kể cả ngôn ngữ văn học", TS. Lê Thị Minh Lý cho biết.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, trước đây chúng ta đã từng đăng ký xác lập kỷ lục thế giới cho màn "đại xòe" 5.000 người tham gia nhưng sau đó dừng lại. Điều này cần cảnh báo bởi nhiều khi chúng ta chỉ chạy theo kỷ lục. Chúng ta có thể nới rộng vòng xòe với rất nhiều người tham gia nhưng phải bảo đảm những người đó hiểu, trân trọng và có ý thức với Xòe Thái chứ không phải tham gia để giành được kỷ lục.
Ý nghĩa xã hội của Xòe Thái trước hết là sự kết nối cộng đồng. Xòe Thái không bao giờ biểu diễn một người mà bao giờ cũng đông và rất đông người cùng diễn và vòng xòe càng ngày càng mở rộng vòng để mọi người đều có thể tham gia. Điều đó cho thấy tính mở, sự thân thiện, khả năng tạo giao lưu, hội nhập của Xòe Thái, một hình thức văn hóa mở, bản sắc. Đó chính là ý nghĩa xã hội của điệu xòe, góp phần vào những hoạt động có tính cộng đồng để tăng cường sự giao lưu, hiểu biết cùng chia sẻ.
Bảo vệ để Xòe Thái trở thành bản sắc đại diện của cộng đồng người Thái
Để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức, phát huy tính đại chúng và để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau, theo TS. Lê Thị Minh Lý, có một vấn đề phải quan tâm đó là bảo vệ để Xòe Thái trở thành bản sắc đại diện của cộng đồng người Thái chứ không phải bảo vệ Xòe Thái để phát triển du lịch.
"Tuy nhiên Xòe Thái có thể tham gia vào đời sống du lịch, nhưng phải xác định trước hết mục tiêu của việc đề cử là để sống trong đời sống văn hóa của họ. Khi sử dụng di sản để phục vụ du lịch dù không ai cấm nhưng phải nắm chắc những nguyên tắc", TS. Lê Thị Minh Lý nói.
Vậy làm thế nào để giới trẻ thích, phát huy tính đại chúng của Xòe Thái, theo TS. Lê Thị Minh Lý, chúng ta cần giáo dục ngay từ nhỏ, cộng đồng phải sinh hoạt thường xuyên và những buổi sinh hoạt đó không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng được tham gia, rồi phải truyền dạy để khi trẻ em lớn lên, các em mang trong nhận thức Xòe Thái là của chính mình và phải duy trì...
"Sau đó, có thể nhu cầu của giới trẻ thay đổi, ví dụ cách ăn mặc, trang sức, cách biểu đạt các điệu múa có thể thay đổi, nhưng chúng ta phải đánh giá thay đổi theo hướng hiện đại đó có làm xói món những giá trị vốn có không. Nều đó là một dạng lai căng, pha tạp, học đòi thì không nên", TS. Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.
Mặt khác, theo TS. Lê Thị Minh Lý, ngoài giữ Xòe Thái truyền thống, có thể khuyến khích các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, biên đạo múa… dựa trên những giá trị văn hóa căn cốt đó để tạo nên những giá trị mới. Đó không hẳn là Xòe Thái nhưng có âm hưởng và kế thừa Xòe Thái. Chúng ta đã thấy trong âm nhạc có rất nhiều bài hát như "Chiếc khăn piêu" không hẳn liên quan đến Xòe Thái nhưng dựa trên cảm hứng từ Xòe Thái, đó chính là giá trị phái sinh và lôi cuốn được giới trẻ tham gia.
Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.
Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên). Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Theo thoidai