Máy đo thân nhiệt tự động được đặt ngay cổng ra vào tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các địa phương phải phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch với phương châm "5K + vắc xin + công nghệ".

Hiện nay nhiều công nghệ, ứng dụng công nghệ đã được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dùng sử dụng để phòng chống dịch.

Kiểm soát người nghi nhiễm, cách ly

Một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất hiện nay là Bluezone - cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần qua sóng Bluetooth giữa các smartphone cùng cài đặt và sử dụng, giúp truy vết nhanh chóng người nhiễm cũng như những người tiếp xúc.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông), tính đến hết tháng 5-2021, trên cả nước đã có hơn 34 triệu lượt tải và cài đặt ứng dụng Bluezone. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng người cài đặt ứng dụng này phải lên đến 60% dân số (tức khoảng 60 triệu người) thì mới phát huy tối đa khả năng truy vết và khoanh vùng của nó.

Ứng dụng công nghệ khác cũng đang được đông đảo người dân sử dụng là khai báo y tế trực tuyến thông qua các ứng dụng như VHD (Vietnam Health Declaration), NCOVI và website tokhaiyte.vn. 

Trong đó, ứng dụng VHD và tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc), khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc) hoặc ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng. Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học... 

Tính đến nay, tờ khai đã ghi nhận trên 25 triệu lượt khai báo y tế của người dân.

Mới đây, thêm nhiều tỉnh thành có dịch như Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hòa Bình đã đưa vào vận hành bản đồ dịch tễ COVID-19 (Covid Maps) cho phép cập nhật thông tin về dịch tại địa phương theo thời gian thực. Bản đồ giúp các cơ quan quản lý cũng như người dân thuận tiện trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình dịch.

Hai nhà mạng di động hàng đầu Việt Nam hiện nay là VNPT và Viettel cũng vừa triển khai lắp đặt hơn 6.000 camera giám sát tại các khu cách ly để giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát, theo dõi những người nghi nhiễm. 

Các tính năng chính của hệ thống camera là giám sát trực tiếp (live view), xem lại (playback), phân quyền người dùng (nhóm người dùng), bảo vệ dữ liệu người dùng, truy cập và lưu trữ theo quy định đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng triển khai hệ thống tổng đài ảo tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phòng chống dịch. Chẳng hạn, VNPT có tổng đài 18001119 với tư vấn viên ảo sử dụng công nghệ AI - Callbot tiếp nhận các cuộc gọi của người dân cũng như chủ động thực hiện các cuộc gọi đến các thuê bao để tiếp nhận thông tin liên quan đến khai báo y tế và phòng chống dịch. 

"Từ ngày 28-5, VNPT cũng đã sử dụng hệ thống Callbot để hỗ trợ gọi điện tuyên truyền, kêu gọi, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone cho thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh", đại diện VNPT chia sẻ thêm.

Người ra vào Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) được đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại- Ảnh: DUYÊN PHAN

Xét nghiệm hơi thở, vòng đeo tay giám sát

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã đàm phán thành công với với Công ty Breathonix (Singapore) - nhà sản xuất máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở (ống thổi) đầu tiên trên thế giới - để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8-2021. 

Theo đó, Vingroup sẽ mua thiết bị BreFence Go COVID-19 Breath Test System, và trao tặng cho Bộ Y tế, gồm 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu kiểm thử.

Phương pháp xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở có ưu điểm đặc biệt nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải chọc mũi, họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở. Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường. Một thuật toán phần mềm độc quyền phân tích các dấu ấn sinh học và cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút với độ chính xác hơn 90%.

Tương tự, Công ty Công nghệ cao G-Innovations, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ G-Group, cho biết đã sản xuất thành công vòng đeo tay điện tử G-Track - thiết bị theo dõi cách ly và kiểm soát thân nhiệt hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. 

Đại diện công ty cho biết G-Track là sản phẩm được phát triển "siêu tốc độ" khi chỉ mất 3 tuần kể từ lúc Bộ Thông tin và truyền thông ra thông điệp kêu gọi doanh nghiệp công nghệ chung tay chống dịch.

Vòng đeo tay điện tử G-Track sẽ có 2 phiên bản: kết nối không dây Bluetooth và định vị GPS. Trong đó, phiên bản GPS có thể cảnh báo khi người đeo ra khỏi nơi cách ly (tại nhà hoặc cơ sở tập trung); đo thân nhiệt của người đeo và cảnh báo khi thân nhiệt vượt ngưỡng cho phép; cảnh báo khi người đeo cố tình tháo vòng ra khỏi tay; hỗ trợ thực hiện truy vết ở nơi mà người đeo đã từng đi qua; có cảm biến phát hiện thay đổi độ cao (có thể phát hiện việc di chuyển giữa các tầng chung cư). Thiết bị sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho không ít cán bộ phòng chống dịch.

Theo đại diện G-Innovations, thiết bị đã được triển khai đánh giá thử nghiệm và báo cáo lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông để có đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia. Nếu được, đơn vị này sẽ cho sản xuất hàng loạt thiết bị và áp dụng thử nghiệm đối với người trong diện cách ly từ cuối tháng 6 và tiến tới triển khai rộng rãi từ quý 3-2021.

Chủ động dùng công nghệ chống dịch từ doanh nghiệp

Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động phát triển nhiều ứng dụng công nghệ phòng chống dịch ngay từ phạm vi nội bộ. Mới đây, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp với Công ty TMA Innovation đưa vào ứng dụng hệ thống kiểm tra thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang tự động nhằm sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19.

Theo đó, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang (nếu người đó không đeo) khi có người đi qua. Nếu thân nhiệt vượt quá 37,5OC, máy sẽ đưa ra cảnh báo. Hệ thống này đang được áp dụng tại nhiều nơi thuộc QTSC, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), khu biệt thự An Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM)...

Bà Nhiêu Quốc Trân - trưởng bộ phận giải pháp công nghệ QTSC - chia sẻ: "Hệ thống tiện ích này giúp các cơ quan, trường học, bệnh viện, sân bay, các bến xe, trên xe bus và những nơi tập trung đông người giảm bớt được các nhân sự phụ trách kiểm tra thân nhiệt và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng...".

Thiết lập lực lượng công nghệ phục vụ phòng chống dịch 24/7

Bộ Thông tin và truyền thông vừa quyết định thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng chống dịch COVID-19 với tên gọi Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia (gọi tắt là trung tâm). Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng chống dịch.


Ông Bùi Sơn Nam - phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone - nói: "MobiFone mong muốn được sẻ chia với Chính phủ, các bộ ngành và toàn dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Thời gian tới, MobiFone có kế hoạch đồng hành với doanh nghiệp và người dân Việt Nam với những chương trình thiết thực, cụ thể cả về ngắn hạn cũng như lâu dài... MobiFone tin tưởng rằng với sự nỗ lực của toàn xã hội và truyền thống đoàn kết của dân tộc trước mọi khó khăn, thử thách, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng và đẩy lùi hoàn toàn COVID-19".

Người dân chỉ cần đưa mã QR của mình qua máy quét khai báo y tế mà không cần tiếp xúc với nhân viên chốt trực - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Khai báo y tế tự động ở Đà Nẵng

Để phòng chống COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, TP Đà Nẵng đã triển khai lắp đặt hệ thống khai báo y tế không tiếp xúc.

Hệ thống khai báo này "không những giảm đầu việc cho các thành viên chốt kiểm dịch mà còn góp phần đảm bảo hạn chế tiếp xúc, tránh nguy cơ lây bệnh. Giải pháp tối ưu này chúng tôi thấy đặc biệt thích hợp cho những nơi tập trung đông người" - ông Nguyễn Phúc Vĩnh Trung, thành viên nhóm giải pháp Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng, nói.

Lưu dữ liệu 2 chiều

Chốt kiểm dịch trên đường Trường Sa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đặt trên huyết mạch giao thông giữa Đà Nẵng và Hội An với mật độ giao thông khá đông. Từ khi máy đọc mã QR code tự động được lắp đặt ở đây, nhiệm vụ các cán bộ chốt kiểm dịch "dễ thở" hơn nhiều vì việc khai báo được thực hiện tự động hoàn toàn.

Trải qua 3 lần đứng chốt ở đường Trường Sa, chị Lê Thị Thanh Bình (Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn) cho biết công việc hiện nay đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Trước đây, hình thức khai báo y tế chủ yếu qua phiếu khai báo chỉ có tác dụng lưu trữ nên việc phòng dịch bị động khi có ca mắc liên quan. Tuy nhiên, với việc ứng dụng số hóa dữ liệu như hiện nay mang đến khả năng kiểm soát chính xác từng phút, giây và đo đếm được lưu lượng người qua lại tại mỗi chốt dịch.

"Điều quan trọng nhất, khác biệt nhất so với trước đây là việc thông qua quét mã dữ liệu vừa được cập nhật trên hệ thống chống dịch của thành phố vừa đồng thời lịch trình vẫn được lưu lại trên máy của mỗi người dùng. Do đó nếu cần truy vết thì sẽ có tới 2 nguồn chủ động để thực hiện" - chị Bình giải thích.

Lái xe chở đoàn chuyên gia ra vào thường xuyên Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), anh Trung Tá cho biết đã tiết kiệm rất nhiều thời gian từ khi làm quen với hệ thống khai báo y tế trên. 6 người trên xe anh Tá thực hiện khai báo online trên các ứng dụng của TP Đà Nẵng và được cấp mã QR có hiệu lực trong 3 ngày. Khi qua lại chốt dịch chỉ cần đưa mã QR là máy tự động đọc. 

"Giờ chẳng phải tiếp xúc với ai mà cứ đến máy quét đưa mã và đo thân nhiệt là được qua. Cứ thử hình dung nếu từng người phải xuống xe điền phiếu hoặc nhờ người gõ trên hệ thống máy tính thì phải mất nửa tiếng" - anh Tá bày tỏ.

Người dân đo thân nhiệt tự động tại chốt dịch đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cải tiến để phòng dịch hiệu quả

Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Trung, thành viên nhóm giải pháp của Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng, cho biết với yêu cầu của lãnh đạo TP, nhóm kỹ sư của sở và các doanh nghiệp CNTT sáng chế ra máy đọc mã QR để việc khai báo trở nên tự động hoàn toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc gần giữa cán bộ kiểm soát và cá nhân thực hiện khai báo y tế.

Thời gian đầu đợt dịch, nhóm kỹ sư triển khai Ứng dụng quản lý khai báo y tế do thành phố Đà Nẵng phát triển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Phước Thanh (phòng CNTT Cảng Đà Nẵng), mặc dù đã thực hiện khai báo y tế online nhưng vẫn còn yếu tố "tiếp xúc gần" giữa nhân viên chốt với người khai báo. Từ đó, nhóm kỹ sư tiếp tục nghiên cứu giải pháp kiểm soát khai báo y tế điện tử không tiếp xúc để tối ưu giải pháp.

"Chúng tôi quyết định nâng cấp ứng dụng này thành một máy đọc mã QR. Bởi ứng dụng trước đây được triển khai trên hệ thống điện thoại. Trong khi đó, điều kiện làm việc tại các chốt kiểm dịch nắng mưa thất thường, điện thoại cũng có khi gặp trở ngại, lúc đó làm việc online sẽ gặp khó khăn" - ông Thanh nói.

Nhóm kỹ sư đã nâng cấp ứng dụng giải pháp và triển khai lần đầu tại khu vực Cảng Tiên Sa ngay trong đêm 17-5 phục vụ việc kiểm soát người ra vào. Hiện nay người kiểm soát chốt dịch tại cảng đã làm việc hoàn toàn qua màn hình tivi nối với camera và chỉ can thiệp trong trường hợp khai báo y tế có cảnh báo nguy cơ.

Tính đến nay, TP Đà Nẵng đã triển khai kiểm soát khai báo y tế điện tử không tiếp xúc tại gần 30 địa điểm gồm các trung tâm hành chính, chốt kiểm dịch, nhà ga, bến cảng, chợ và các địa điểm tập trung đông người... Hiện nhóm kỹ sư của Sở Thông tin và truyền thông và các doanh nghiệp cũng đã triển khai thử nghiệm sáng chế đo thân nhiệt tự động để giảm bớt công việc hằng ngày tại các chốt kiểm dịch.

Áp dụng 17 giải pháp CNTT phòng dịch

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng đã triển khai 17 giải pháp ứng dụng CNTT phòng chống dịch như bản đồ an toàn dịch; hệ thống truy vết F1, F2; biểu đồ phòng dịch...

Kiểm tra tại một chốt dịch, ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - nhận xét việc triển khai các giải pháp CNTT vào khai báo y tế qua mã đọc QR đang giúp TP kiểm soát dịch tốt hơn. "Hình thức khai báo qua mã QR mà TP triển khai hiện nay không những kiểm soát việc người dân ra vào mà còn ứng dụng kiểm soát ở nơi đông người để phòng dịch, góp phần đạt hai mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất" - ông Quảng nói.

Theo congnghe.tuoitre