Trong một lớp học kỹ thuật tự vệ, nữ nhân viên văn phòng Choi Yeon-su (24 tuổi) chăm chỉ luyện tập động tác sử dụng túi xách để phòng vệ khi bị tấn công. Giáo viên hướng dẫn nói với lớp: “Kẻ tấn công có thể nhắm vào vị trí cổ họng của các bạn. Hãy vung túi xách theo đường chéo về phía cổ để che chắn cơ thể”.

Các học viên ở trung tâm Seongdong tập động tác tự vệ bằng túi xách khi bị tấn công - Nguồn ảnh: Yonhap
Các học viên ở trung tâm Seongdong tập động tác tự vệ bằng túi xách khi bị tấn công - Nguồn ảnh: Yonhap

 

Choi và 13 thành viên khác của lớp là ví dụ điển hình cho hiện tượng bùng nổ làn sóng đăng ký học tự vệ, sau hàng loạt vụ tấn công người vô cớ bằng dao gây kinh hoàng ở Hàn Quốc trong những tháng gần đây.

Trung tâm đào tạo kỹ năng thoát hiểm Seongdong (thuộc quận Seongdong, thủ đô Seoul) - nơi Choi theo học - ban đầu được thành lập nhằm mục đích dạy trẻ em và người lớn kỹ năng thoát hiểm khi gặp tai nạn, thiên tai. Tuy nhiên, sau các vụ tấn công bằng dao tại Seoul, quản lý trung tâm quyết định mở lớp dạy tự vệ dành cho người có nhu cầu. 

Một dự án khảo sát mới của Viện Nghiên cứu Gallup Korea cho thấy: 82% trên 1.001 người được hỏi (tuổi từ 18 trở lên) tỏ ra “vô cùng lo lắng” về nguy cơ gặp phải một vụ tấn công. Hiện cảnh sát Hàn Quốc đang tăng cường rà soát những ai bị tình nghi mang theo vũ khí quanh các khu vực đông dân, siết chặt hoạt động tuần tra, quản lý an ninh bằng nhân lực lẫn hệ thống camera mở rộng.

Dẫu vậy, những phụ nữ yếu thế vẫn tìm tới lớp học tự vệ do chính quyền địa phương tổ chức, ở một số phòng gym hay câu lạc bộ thể thao, vì muốn chủ động bảo vệ bản thân tốt hơn trong mọi tình huống. “Nhờ học tự vệ, giờ đây tôi đã biết phải làm gì nếu bị đe dọa. Tôi không còn lo sợ khi ra ngoài nữa” - Choi chia sẻ.  

Tại Ấn Độ, một làn sóng nữ giới học tự vệ cũng đang rộ lên. Tại thành phố biển Chennai (miền nam Ấn Độ), nữ võ sư Marieen Vijay đã xây dựng những lớp học tự vệ cho phụ nữ và trẻ vị thành niên từ vài năm qua. Cô hy vọng, võ tự vệ sẽ giúp phái yếu, người cô thế chủ động bảo vệ bản thân. Trên hết, họ có thể được khích lệ tinh thần để trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn ngay cả khi đối mặt nguy hiểm. “Điều quan trọng đầu tiên tôi thường dạy học viên nữ là cách đi đứng dạn dĩ” - Vijay cho biết. “Điều ít người để ý là, dáng đi bình thản, tự tin, không rụt rè đã đủ khiến một số kẻ có ý đồ xấu phải dè chừng bạn”, cô nói. 

Cũng ở Chennai, tổ chức phi lợi nhuận Bảo vệ và Trao quyền cho phụ nữ (PENN) bắt đầu thực hiện chương trình dạy kỹ năng tự vệ cho sinh viên nữ ở các trường địa phương từ năm 2020.

Hiện họ đang nhân rộng mô hình này ra cộng đồng, thu hút phụ nữ thuộc mọi tầng lớp theo học.

V S Sridhar - nhà sáng lập và điều hành PENN - chia sẻ: “Tính đến nay, chúng tôi đã huấn luyện võ tự vệ cho hơn 1.200 nữ sinh. Song song đó, chúng tôi cung cấp một số bài học về tâm lý, hướng dẫn phụ nữ cách giữ bình tĩnh, linh hoạt xử lý trong bất kỳ tình huống xấu nào. Các bạn trẻ cũng được nhắc nhở việc tìm hiểu luật, nhất là những luật bảo vệ quyền phụ nữ”. 

Tổ chức Trao quyền tự vệ (ESD Global, trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ) - một tổ chức thể thao phi lợi nhuận - muốn tiến xa hơn nữa để khuyến khích phụ nữ châu Á bảo vệ bản thân và quyền lợi chính đáng của họ. Hơn 5 năm qua, từ Pakistan, Thái Lan đến Philippines, ESD Global triển khai chương trình dạy kỹ năng tự vệ cho những lãnh đạo nữ đang làm việc trong nhiều lĩnh vực. 

Một học viên người Pakistan bày tỏ: “Thông qua những buổi học với ESD Global, mong mỏi hàng đầu của tôi là tìm ra giải pháp thiết thực trước vấn đề bạo lực giới tính. Mai sau, tôi có thể chia sẻ kiến thức học được và góp phần nhân rộng mô hình dạy kỹ năng tự vệ bổ ích cho phụ nữ Pakistan”.

Theo phụ nữ TPHCM