leftcenterrightdel
Ngoài mất việc làm, phụ nữ còn gánh nặng khá lớn trong việc chăm sóc gia đình trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh 

Mới đây, một báo cáo toàn diện được công bố bởi Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết phụ nữ phải gánh chịu những tác động về kinh tế và xã hội nặng nề do dịch COVID-19, từ mất thu nhập và giáo dục, bạo lực gia đình, tảo hôn, trách nhiệm chăm sóc trẻ em và người thân bị bệnh.

Chủ tịch IFRC Francesco Rocca cho biết: “Trong một cuộc khủng hoảng, phụ nữ luôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Trong số 38 quốc gia tham gia khảo sát, 31 nước trong số đó chiếm tỷ lệ 82%, xác định phụ nữ thuộc nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề vì dịch bệnh. Người nghèo thành thị, người di cư và người tị nạn cũng được xác định là các nhóm có nguy cơ cao.


Mặc dù tỷ lệ mất việc làm trên toàn cầu đối với nam giới cao hơn do họ tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động nói chung nhưng phụ nữ cũng bị ảnh hưởng không kém. Cùng với thanh niên và người di cư, phụ nữ chiếm đa số trong các công việc lao động phổ thông và các lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch, chẳng hạn như ngành bán lẻ, giúp việc gia đình, du lịch.

Ở Jamaica, cũng như nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động gián tiếp kiếm sống từ ngành du lịch. Kevin Douglas, Hội Chữ thập đỏ Jamaica, cho biết tại các chợ thủ công và các ngôi làng nhỏ sống dựa vào lượng du khách, chẳng hạn như Middle Quarters, dịch bệnh bùng phát đã khiến nhiều phụ nữ mất thu nhập, lao đao.

Ngoài thất nghiệp, phụ nữ còn phải đối mặt với nhiều gánh nặng khác, nổi bật là vấn nạn bạo lực gia đình, tảo hôn, trách nhiệm chăm sóc trẻ em và người thân bị bệnh.

Kenya là một ví dụ nổi bật khi phụ nữ và trẻ em gái phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng khí hậu và nghèo đói. Tiến sĩ Asha Mohammed, Tổng thư ký của Hội Chữ thập đỏ Kenya, cho biết bà "bị sốc" trước tác động của việc đóng cửa trường học đối với trẻ em gái, với sự gia tăng các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên và nạn tảo hôn.

“Sự khác biệt mà chúng ta có thể tạo ra là chúng ta cần có các biện pháp can thiệp nhằm mục tiêu rõ ràng hướng đến phụ nữ và trẻ em gái. Nếu chúng ta không làm cho họ kiên cường trước những thảm họa này, nó sẽ chẳng ích gì” - tiến sĩ Asha Mohammed nhấn mạnh.

Theo phunuonline