|
|
Một thai phụ tới bệnh viện khám thai. (Ảnh:VCG) |
Sau khi tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, chính phủ nước này đã cho ban hành hàng loạt biện pháp khuyến sinh như kéo dài thời gian nghỉ thai sản hay trợ cấp tài chính và tăng cơ hội để trẻ được đi học mầm non. Song trên thực tế, mọi chuyện dường như vẫn không thay đổi.
Trong những năm qua, cô Julia Li đã phải đấu tranh với tình thế tiến thoái lưỡng nan, do cô đã kết hôn và gần bước sang 40 tuổi nhưng vẫn chưa quyết định bao giờ sẽ sinh con. Việc cô Li trì hoãn sinh con đã khiến bạn bè và người thân liên tục thúc giục.
Song vào tháng 8/2021, cô Li và chồng quyết định sẽ trở thành cặp đôi DINK “gấp đôi thu nhập, không sinh con”, một xu hướng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Bởi theo cô Li, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá lớn và vượt qua cả mọi lợi ích tiềm năng, nhất là việc phục hồi sau sinh nở ở độ tuổi như cô Li sẽ là “thách thức lớn”.
“Tôi sẽ đối mặt với nguy cơ cao già hóa sớm, mất dáng và mất năng lượng. Chuyện này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sự nghiệp và khả năng cạnh tranh của tôi”, cô Li nói với Sixth Tone.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh con và kết hôn ở Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng dân số. Đáng nói, Trung Quốc hiện nằm trong danh sách một trong những xã hội già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Thay đổi chính sách dân số
Để tăng tỷ lệ sinh đẻ, chính phủ Trung Quốc đã cho xóa bỏ chính sách hai con kể từ năm 2015, và cho phép sinh 3 con kể từ tháng 7/2021. Ngoài ra, những cặp đôi vi phạm chính sách giới hạn sinh 3 con cũng không bị nộp phạt. Đây là bước chuyển biến lớn trong chính sách dân số trong 40 năm qua tại Trung Quốc.
Ngoài ra, một số chính quyền địa phương còn đưa ra nhiều sáng kiến mới. Như thành phố Bắc Kinh đưa công nghệ hỗ trợ sinh sản vào danh sách chi trả bảo hiểm y tế. Theo đó, các cặp vợ chồng có thể được thanh toán số tiền 11.000 nhân dân tệ (1.600 USD) khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Hay thành phố Phàn Chi Hoa thuộc tỉnh Tứ Xuyên chi trả cho những gia đình có 2 hoặc 3 con số tiền 500 nhân dân tệ/tháng/trẻ cho tới khi các em được 3 tuổi.
Thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang còn cho phép các gia đình có 3 con được miễn trừ thi hành chính sách giới hạn mua nhà. Theo đó, những gia đình này được mua thêm căn nhà thứ 2.
Song những chính sách trên lại không phát huy tác dụng như kỳ vọng. Vào tháng Tư, Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc cho biết tỷ lệ sinh ở nước này lại tiếp tục giảm vào năm 2021 và rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949.
Tại tỉnh Hà Nam, nửa đầu năm nay chỉ có 372.000 trẻ sơ sinh chào đời, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay ở thành phố Giao Châu của tỉnh Sơn Đông, số giấy khai sinh được cấp trong nửa đầu năm nay cũng giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, vào ngày chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách 3 con, Tân Hoa Xã đã cho đăng cuộc khảo sát trên mạng xã hội Weibo và kết quả là hơn 90% người trả lời khảo sát nói “Không” với câu hỏi có ý định sinh con thứ 3 hay không. Sau đó, Tân Hoa Xã đưa cho xóa bỏ cuộc khảo sát này cùng ngày.
Theo các chuyên gia, lý do chính khiến người dân Trung Quốc ngại đẻ là vì những chính sách được chính phủ ban hành không thấu vào đâu so với chi phí nuôi dậy một đứa trẻ. Bởi Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có chi phí nuôi con đắt nhất thế giới.
Hồi tháng Hai, kết quả từ một cuộc khảo sát cho thấy chi phí trung bình nuôi đứa con đầu ở Trung Quốc là gần 500.000 nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với những nước giàu như Mỹ, Đức và Nhật Bản.
Nghiên cứu của các học giả tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cũng đưa ra kết luận chi phí kết hôn và nuôi con là những thách thức lớn nhất khiến các Cử nhân ở nước này trì hoãn xây dựng gia đình, bên cạnh yếu tố môi trường lao động cạnh tranh khốc liệt.
Tăng trưởng dân số âm
Ông Ren Yuan, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cho hay số cặp đôi sẵn sàng sinh con ở Trung Quốc về cơ bản “không quá thấp”. Tuy nhiên, tồn tại khoảng cách lớn giữa mong muốn của bản thân và hiện thực sinh con.
“Một số người sẵn sàng sinh con, nhưng lại phải từ bỏ ý định do áp lực công việc vì thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc con trẻ”, ông Ren nói.
Do đó, theo ông Ren, biện pháp hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ sinh đẻ là cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận các trường mẫu giáo và dịch vụ chăm sóc trẻ đối với trẻ em dưới 3 tuổi.
Cũng theo ông Ren, tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc dường như sẽ lại sụt tiếp tục giảm và quốc gia này có khả năng cao trải qua tăng trưởng dân số âm.
Sự bùng phát của biến chủng Omicron khiến nhiều thành phố ở Trung Quốc rơi vào cảnh phong tỏa kéo dài kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và tăng mối lo về một tương lai bất ổn.
“Tất cả những lý do trên dường như đang tác động xấu tới quyết định sinh con của người dân”, ông Ren kết luận.
Theo cô Li, việc thành phố Thượng Hải bị phong tỏa thời gian dài vào đầu năm nay trở thành lý do lớn khiến cô tiếp tục quyết định chưa sinh con.
“Do chúng tôi chưa có con, cuộc sống của chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn. Nhưng với những gia đình có con mà chúng tôi biết, họ đã phải chịu đựng cả tác động tình cảm lẫn vật chất”, cô Li nói.
|
|
Tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc liên tiếp sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây. (Ảnh:VCG) |
Sinh con là mất việc
Nhiều phụ nữ Trung Quốc phàn nàn rằng chính sách tăng thời gian nghỉ thai sản càng làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử liên quan tới giới tính ở nơi làm việc, khi mà các ông chủ không muốn chịu thêm chi phí cho nhân viên.
Điển hình, cô Liu Qin, một cựu trưởng phòng kinh doanh ở Thượng Hải, đã từ chức được khoảng 2 tháng sau khi kỳ nghỉ thai sản kết thúc vào năm ngoái. Trong thời gian cô Liu nghỉ đẻ, một đồng nghiệp đã đảm nhận vai trò của cô ở công ty. Do đó, quản lý của công ty không còn để cô Liu phụ trách những dự án “quan trọng” khi cô đi làm trở lại.
“Thu nhập của tôi bị giảm một nửa vì không có thêm khoản tiền thưởng”, cô Liu (29 tuổi) tâm sự.
Cô Liu nhấn mạnh, một số bà mẹ mới sinh con mà cô biết cũng đang chịu sức ép phải bỏ việc.
“Chuyện này không chỉ xuất phát từ các sếp, chính các đồng nghiệp cũng phàn nàn chuyện chúng tôi nghỉ phép để chăm con, hoặc chỉ trích chúng tôi không còn tận tâm với công việc kể từ sau khi sinh con”, cô Liu cho hay.
Cô Liu nói thêm, chính sách kéo dài chế độ nghỉ thai sản còn khiến phụ nữ khó đi xin việc. Bởi trong những cuộc phỏng vấn xin việc, cô Liu thường xuyên bị hỏi về tình trạng hôn nhân. Đây cũng là câu hỏi mà gần 60% nữ ứng viên đi xin việc bị nhà tuyển dụng hỏi, theo báo cáo năm 2021. Một số nhà tuyển dụng tại Thượng Hải thừa nhận với Sixth Tone rằng, chính sách mới của chính phủ Trung Quốc đã khiến họ cân nhắc kỹ hơn chuyện thuê phụ nữ đã có con mà nhất là con nhỏ vào làm việc.
Nói về khoản trợ cấp với những cặp đôi sinh con thứ 2 hoặc 3, nhiều người cho rằng số tiền này quá nhỏ trong quá trình nuôi con.
Cô Camellia He, một bà mẹ 3 con ở thành phố Tô Châu, cho hay cô chọn sinh 3 con, bởi cô muốn như vậy và cô đủ khả năng để nuôi con.
“Tôi mang thai và sinh con. Đó là lẽ tự nhiên”, cô He cho biết.
Hay như cô Zhao, một bà mẹ mới sinh con ở thành phố Nam Kinh, cũng nói rằng các chính sách khuyến sinh của chính phủ không liên quan tới quyết định mang thai của mình.
“Những người không muốn sinh con sẽ không thay đổi quan điểm chỉ vì các chính sách mới”, cô Zhao nói.
Cô Zhao (29 tuổi) mới sinh con hồi tháng Bảy cũng cho biết cô mới chỉ nghĩ tới chuyện sinh 1 con. Vợ chồng cô Zhao đều tốt nghiệp những trường Đại học hàng đầu và làm công chức nhà nước, nên họ đang cố gắng tích lũy để chi trả khoản tiền đặt cọc mua nhà ở thành phố Nam Kinh.
“Do sức ép tài chính, chúng tôi hiện chưa nghĩ tới chuyện sinh con thứ 2 trong tương lai”, cô Zhao thừa nhận.
Theo infonet.vietnamnet