Phụ nữ trên thế giới vẫn đối mặt những trở ngại về bình đẳng giới
Cập nhật lúc 21:29, Thứ tư, 24/02/2021 (GMT+7)
Khảo sát được thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 10/2020 cho thấy về tổng thể có rất ít thay đổi trong những năm gần đây khi các quyền hợp pháp của phụ nữ vẫn chỉ bằng 75% so với của nam giới.
Hình minh họa
Mặc dù các nước đã đạt tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới, song phụ nữ trên khắp thế giới vẫn đối mặt với những quy định khiến cơ hội phát triển kinh tế của họ bị hạn chế, trong khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra những thách thức mới.
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Phụ nữ, Kinh doanh và Pháp luật 2021 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23/2.
WB đã tiến hành khảo sát tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ về các lĩnh vực như nghề nghiệp, giáo dục, tiền lương…nhằm đánh giá thực trạng bất bình đẳng giới, qua đó tạo cơ sở để các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ hoạch định các chính sách liên quan.
Theo báo cáo, những cải cách nhằm tháo gỡ các trở ngại hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế đã bị chững lại và không đồng đều ở nhiều khu vực.
Khảo sát được thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 10/2020 cho thấy về tổng thể có rất ít thay đổi trong những năm gần đây khi các quyền hợp pháp của phụ nữ vẫn chỉ bằng 75% so với của nam giới.
Chỉ có một số ít quốc gia đạt điểm số tuyệt đối 100 về bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong các quyền hợp pháp. Những quốc gia này gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Latvia, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Thụy Điển.
Theo báo cáo, Nhật Bản rơi xuống vị trí 80 trong danh sách trên, thấp hơn 6 bậc so với vị trí thứ 74 trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn báo cáo đánh giá điều này cho thấy các nỗ lực xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử giới trong tham gia các hoạt động kinh tế tại Nhật Bản chưa có tiến triển tích cực. Trong danh sách trên, Mỹ ở vị trí thứ 34, Trung Quốc ở vị trí 115.
Cũng theo báo cáo, 27 nền kinh tế khác đã thực hiện các biện pháp cải cách nhằm cải thiện bình đẳng giới, trong khi một số nước như Yemen, Kuwait hay Qatar chỉ đạt dưới 30 điểm.
Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh bất chấp những tiến bộ về bình đẳng giới đã đạt được tại nhiều quốc gia, vẫn còn một số ít nền kinh tế tồn tại những quy định đi ngược lại xu thế này, như hạn chế sự đi lại của phụ nữ nếu không có sự cho phép của người giám hộ nam giới.
Ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 cũng đang làm trầm trọng thêm những bất lợi đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có việc cản trở đến trường học hay duy trì công việc, đồng thời bạo lực gia đình đối với phụ nữ gia tăng.
Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách chính sách phát triển của WB Mari Elka Pangestu cho rằng vẫn có những lý do để hy vọng bởi trong năm ngoái, nhiều nước vẫn ưu tiên vấn đề bình đẳng giới bất chấp phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo bà Pangestu, mặc dù nhiều nước đã chủ động triển khai các biệp pháp hỗ trợ phụ nữ vượt qua đại dịch, song vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là cần cải thiện chế độ nghỉ phép để chăm con của các cặp vợ chồng và điều chỉnh chế độ trả lương công bằng.
Hiện mới có gần 40 quốc gia trên thế giới đưa ra chính sách phúc lợi hoặc nghỉ phép nhằm hỗ trợ các cặp vợ chồng chăm sóc con cái.
Trong khi đó, có khoảng 100 quốc gia chưa có các điều luật quy định nam giới và nữ giới được hưởng cùng mức lương đối với cùng một công việc.
Thành Dương-Phạm Tuân (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)