Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 1.500 phụ nữ phục vụ trong quân đội. Ảnh: AFP

 

Nidhi Rao từng có 13 năm kinh nghiệm phục vụ trong đơn vị thông tin liên lạc của quân đội Ấn Độ. Cũng giống như nhiều nữ sỹ quan quân đội khác ở quốc gia Nam Á này, Rao được ký hợp đồng 5 năm, được gia hạn thêm 5 năm, nhưng sau đó cô bị bỏ rơi. Ở Ấn Độ, không có nữ quân nhân nào đạt được mức phục vụ 20 năm để có thể có quyền nhận lương hưu. Không giống như nam giới, họ không được cung cấp một công việc lâu dài, ổn định.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ, Rao khốn đốn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Thu nhập từ việc kinh doanh online đối với Rao là vô cùng ít ỏi và không đủ để cô trang trải cuộc sống hằng ngày. Rao chia sẻ: "Tôi thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi dù đã có thời gian cống hiến cho quân đội". Cùng với nhiều người khác, Rao đang đấu tranh để đòi quyền lợi cho mình cũng như cho những phụ nữ bị đối xử bất công trong quân đội.

Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 1.500 phụ nữ phục vụ trong quân đội. Họ luôn bị đối xử bất bình đẳng so với các đồng nghiệp nam giới. Năm 2010, sau khi một nhóm nữ sĩ quan đưa vụ việc của họ ra tòa, một phán quyết được đưa ra nhằm đặt phụ nữ ngang hàng với nam giới, nhưng chính phủ Ấn Độ đã phản đối và từ chối thực hiện. Cuộc chiến pháp lý tiếp tục kéo dài trong suốt một thập kỷ qua và vào tháng 2/2020, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã phán quyết xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ trong quân đội.

Các nữ quân nhân Ấn Độ luôn bị đối xử bất công so với các đồng nghiệp nam. Ảnh: Getty Images

 

Theo phán quyết của tòa án, các nữ quân nhân có quyền hưởng lương hưu và các chế độ phúc lợi khác giống như nam giới. Các nhà chức trách sau đó đã lập một bảng, xếp hạng các nữ quân nhân. Những người có 14 năm phục vụ trở lên được nhận được hưởng chế độ lương hưu đầy đủ (PC) khi đến tuổi nghỉ hưu. Những người có thời gian phục vụ từ 10-14 năm được ưu tiên bố trí công việc ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, nếu họ giải ngũ trước thời hạn thì sẽ không được nhận lương hưu. Cho đến tháng 11/2020, người phát ngôn của quân đội Ấn Độ khẳng định rằng 422 phụ nữ trong số 615 đã được bố trí công việc phù hợp và ổn định.

Điều đáng buồn là Rao và 68 đồng nghiệp của cô trong đơn vị thông tin liên lạc lại không nằm trong số được cấp PC. Cô không được gia hạn hợp đồng và nghỉ việc mà không có lương hưu. Đa số những người trong nhóm của Rao đều đã ngoài 30, đã kết hôn, sinh con. Sau khi cống hiến hơn một chục năm tuổi thành xuân cho quân đội, họ bị bỏ rơi với hai bàn tay trắng. Ở độ tuổi này, Rao và các bạn khó có thể cạnh tranh với những nhân công lao động trẻ trung khác, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề việc làm.

Cũng giống như Rao, Anjali Sinha đã có 11 năm phục vụ trong quân đội. Khi cô mang thai, Sinha vẫn phải thực hiện yêu cầu chạy 5 km trong khi tập luyện. 1 tuần sau khi sinh con, Sinha đã quay trở lại quân ngũ để tránh bị chấm dứt hợp đồng. Sinha làm rất nhiều công việc nặng nhọc trong quân đội và không hề nhận được sự ủng hộ của chồng và người thân trong gia đình. Công việc nặng nhọc là thế, nhưng Sinha vẫn không thuộc thành phần được xem xét có PC và cũng không được gia hạn hợp đồng.

Các nữ quân nhân cũng cho rằng đã có sự thiếu minh bạch trong quá trình tuyển chọn nhân sự và khẳng định con số PC cấp cho phụ nữ thực tế thấp hơn nhiều so với tuyên bố của quân đội.

Theo ông Prakash Patil, một cựu binh quân đội, phụ nữ trải qua quá trình huấn luyện quân sự giống như nam giới nhưng trong khi hầu hết các sĩ quan nam được đảm nhận các vai trò lâu dài và được trao cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, thì hầu hết phụ nữ phải bỏ giữa chừng vì sự thiếu công bằng.

Ông Patil cho biết, các sĩ quan nam luôn được ưu ái trong công việc, họ có thể chọn học các khóa học kỹ thuật nâng cao. Nhưng phụ nữ lại không có cơ hội sở hữu những tấm bằng như vậy, nên trong trường hợp phụ nữ xuất ngũ, họ rất khó tìm việc làm ở ngoài thị trường lao động tự do.

Tháng 9/2020, ông Patil đã viết thư cho Tổng thống Ấn Độ, Ram Nath Kovind và yêu cầu chính quyền có chế độ lương hưu hoặc chí ít cũng phải có trợ cấp và hỗ trợ dạy nghề cho 68 nữ quân nhân. Mặc dù vậy, cho đến nay, lá thư của ông vẫn chưa có phúc đáp. Ông Patil cảm thấy xót xa: "Tổ chức nào trên thế giới mất 14 năm để đánh giá giá trị của một người? Chính phủ không thể bỏ rơi những người phụ nữ ở tuổi xế chiều".

Luật sư Rakesh Kumar, đại diện cho một số trong số 68 nữ quân nhân bị bỏ rơi, tuyên bố: "Những phụ nữ này đã phải chịu định kiến về giới của chính sách bất bình đẳng này. Hơn nữa, không có cơ sở hợp lý nào để phân biệt họ với những người đã hoàn thành 14 năm. Họ vẫn có thể tiếp tục cống hiến trong công việc thay vì chấm dứt hợp đồng với họ".

Hầu hết các nữ quân nhân Ấn Độ không được nhận lương hưu. Ảnh: AP

 

Sinha tuyên bố: "Hầu hết các nữ quân nhân trong nhóm của chúng tôi đều hoàn toàn phù hợp và không có trường hợp nào bị kỷ luật. Ấn Độ có các vận động viên bắn súng, đua xe đạp và leo núi đẳng cấp quốc tế. Họ đã đại diện cho Ấn Độ ở đấu trường quốc tế và giành vô số các huy chương. Tại sao chúng tôi lại bị đối xử bất công như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân".

Tòa án, công luận hiện đều đứng về phía các nữ quân nhân. Nhưng ở một quốc gia luôn bị chỉ trích trong vấn đề bình đẳng giới như Ấn Độ, chuyện nữ quân nhân Sinha và các đồng nghiệp của cô có đòi được sự bình đẳng cho mình hay không vẫn là một dấu hỏi rất lớn!

N.A (Theo The Guardian)