Một phụ nữ ngủ tại cầu đi bộ ở khu Sai Wan Ho. Ảnh: Sam Tsang.

May (49 tuổi) ngủ thiếp đi trong công viên ở khu Mong Kok. Khi giật mình tỉnh giấc, cô phát hiện một người đàn ông lạ mặt nằm bên cạnh.

“Tôi rất sợ hãi. Tại sao anh ta lại ngủ ở đó khi còn nhiều chỗ trống xung quanh?”, cô kể với SCMP.

Kể từ tháng 4, May lui tới công viên này để ngả lưng mỗi tối. Ít nhất 3 lần, cô hét lên khi phải chứng kiến cảnh đàn ông lột trần trước mặt.

Chia sẻ với nhân viên xã hội, cô được khuyên báo cảnh sát nếu tình trạng tương tự tái diễn.

May rời bỏ căn hộ công cộng cách đây 7 năm, sau khi tìm được công việc cung cấp chỗ ở cho nhân viên trong ký túc xá. Tuy nhiên, 5 năm trước, cô thất nghiệp và phải sống lang bạt trên đường phố.

Không kết hôn và bị người thân ghẻ lạnh, May không có ai để nương nhờ.

Gần đây, cô thuê chung căn hộ ở đường Prince Edward với 8 người đàn ông và 2 phụ nữ. Đó là “nhà quan tài” với những không gian sống chật chội, xếp chồng lên nhau, thường có giá thuê từ 1.000 HKD (128 USD) đến 4.000 HKD/tháng.

Tuy nhiên, người phụ nữ 49 tuổi lại khó ngủ vì những người đàn ông chỉ mặc quần lót đi lại trong nhà.

Việc tìm được không gian an toàn để chợp mắt là thách thức chung đối với những phụ nữ vô gia cư như May.

Phụ nữ vô gia cư ở Hong Kong khó tìm không gian an toàn để ngủ. Ảnh: Xiaomei Chen.

Sống trong lo sợ

Theo số liệu chính thức, số người vô gia cư được ghi nhận tăng từ 787 vào năm 2014 lên mức cao kỷ lục 1.562 người vào cuối tháng 6. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ tăng gần gấp đôi, từ 5,5% (2014) lên 10,9% (2021).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết số lượng người vô gia cư thực tế có thể cao hơn nhiều. Hàng nghìn người thuê căn hộ chia nhỏ hoặc “nhà lồng” vẫn thích ngủ trên đường phố.

Hiện, trong số 222 nơi ở khẩn cấp và ngắn hạn trong thành phố, chỉ có 31 là dành cho phụ nữ vô gia cư.

Từ tháng 10/2020 đến tháng 3 năm nay, Hiệp hội các tổ chức cộng đồng Hong Kong đã phỏng vấn 15 phụ nữ và phát hiện 4/5 người cần hỗ trợ tinh thần, khoảng 1/2 cần điều trị tâm thần và 1/3 có vấn đề về nghiện ma túy.

Với các dịch vụ dành cho người vô gia cư chủ yếu tập trung vào nam giới, nhóm cho rằng Hong Kong cần có nhiều sự hỗ trợ hơn nữa dành cho phụ nữ vô gia cư và khuyến nghị chính quyền thành lập đơn vị chuyên làm nhiệm vụ này.

Theo Jeff Rotmeyer, người sáng lập ImpactHK, phụ nữ trên đường phố dễ bị tổn thương và có thể bị lợi dụng. Ảnh: Sam Tsang.

Sau quá nhiều bất đồng với 3 cô con gái trưởng thành trong căn hộ chung cư, Ivy (63 tuổi) bắt đầu ngủ trong công viên ở khu Tsim Sha Tsui từ năm ngoái.

Người phụ nữ nhỏ thó, da nhăn nheo với mái tóc hoa râm luôn lo lắng rằng ai đó sẽ cuỗm hết đồ đạc của mình. Bởi vậy, bà luôn để điện thoại và ví trong quần khi ngủ.

Ivy nhặt nhạnh bìa carton để bán với giá vài HKD và nhận suất ăn miễn phí từ các tổ chức từ thiện hay nhà thờ.

Theo bà, những người đàn ông luôn cố bắt chuyện với bà và phụ nữ vô gia cư khác, đôi khi sử dụng ngôn từ thô tục khiến họ phải bỏ đi.

“Chúng tôi muốn được thoải mái nhưng không thể ngủ nổi vì lo những người đàn ông theo dõi mình”, bà nói.

Thông qua ImpactHK, tổ chức giúp đỡ người vô gia cư trên đường phố, Ivy đã tìm được công việc trong quán cà phê và sống trong nhà khách.

Phụ nữ vô gia cư sống trong lều tạm trên đường phố. Ảnh: Dickson Lee.

Tổ chức này cũng giúp đỡ Ann (36 tuổi, người Philippines). Cô chuyển đến Hong Kong cách đây 15 năm, sau khi kết hôn với người chồng Trung Quốc mà cô gặp ở Manila.

Cặp đôi ly hôn vào năm 2013. Chồng cũ của Ann giành được quyền nuôi con trai. Ngay sau đó, cô bắt đầu sử dụng ma túy.

Ann chuyển đến sống với bạn trai, nhưng khi họ chia tay 7 năm trước, cô trở thành người vô gia cư.

ImpactHK đã đưa Ann vào chương trình trợ giúp cộng đồng. 6 ngày/tuần, cô được giao những trách nhiệm nhỏ nhằm giúp cô kiếm việc làm ổn định.

“Tôi muốn bắt đầu lại, có công việc và nhà để ở. Nhưng một khi lâm vào cảnh khốn cùng, rất khó để vực dậy”, cô thừa nhận.

Số lượng ngày càng tăng

Jeff Rotmeyer, người sáng lập ImpactHK, cho biết ông rất lo lắng về số lượng phụ nữ vô gia cư ngày càng tăng trong năm qua.

Ông ước tính trong số khoảng 300.000 người sống trong nhà quan tài, nhà lồng, nhà sân thượng bất hợp pháp và các căn hộ có vách ngăn, 1/3 là phụ nữ, hầu như không đủ sống.

Theo ông, chỉ cần một sự cố nhỏ như phiếu lương bị chậm hoặc thiếu hỗ trợ từ chính quyền, họ có thể dễ dàng bị đẩy ra đường sống.

“Phụ nữ lang thang trên đường phố dễ bị tổn thương và lợi dụng. Họ rất cần sự an toàn, được hỗ trợ và chăm sóc”, ông nói.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm người ngủ qua đêm tại các cửa hàng mở cửa 24h của McDonald. Kể từ thời điểm chuỗi nhà hàng phải đóng cửa từ 22h tới 7h sáng hôm sau vì dịch, những người này phải ra đường ngả lưng.

Nhiều người phải ra đường ngủ sau khi các cửa hàng Mcdonald đóng cửa từ 22h đến 7h sáng hôm sau vì dịch. Ảnh: Sam Tsang.

Ng Wai-tung, nhà tổ chức cộng đồng của Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng (SoCO), nói rằng điều đó đã góp phần khiến nhiều phụ nữ phải ngủ trên đường phố hơn. Trong cuộc khảo sát năm 2018, nhóm phát hiện rằng 16% trong số 448 người sống tại 109 cửa hàng McDonald là phụ nữ.

Ông Ng cho biết khi bị quấy rối tình dục, một số phụ nữ vô gia cư lo rằng cảnh sát sẽ không xem xét nghiêm túc các khiếu nại của họ. Do đó, họ chọn cách phớt lờ hoặc tỏ thái độ khó chịu.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng tỷ lệ thuận với số lượng phụ nữ vô gia cư. Con số này trước đại dịch là 2,4% và hiện tăng lên 4%.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã giảm xuống 5% từ tháng 5 tới tháng 7, vẫn còn khoảng 198.400 người không có việc làm, Peace Wong Wo-ping, Giám đốc an sinh xã hội và việc làm của Hội đồng Hong Kong cho biết.

Ông nói thêm rằng đối với một số người, việc trở thành vô gia cư chỉ là vấn đề thời gian. “Trước tiên, họ tiêu hết tiền tiết kiệm. Tới khi không thể trả tiền thuê nhà, họ có thể phải lang thang trên đường phố”, Wong nhận định.

Hong Kong không có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Người thất nghiệp có thể nộp đơn lên Bộ Phúc lợi Xã hội để được hưởng Chương trình Hỗ trợ An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA).

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần

Các chuyên gia cho rằng nhiều phụ nữ vô gia cư đang phải sống chung với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

“Những gì chúng tôi thấy trên đường phố là cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần”, Rotmeyer nói.

Cặp đôi vô gia cư Kit - Fung được tổ chức SoCO hỗ trợ 5.800 HKD/tháng để thuê nhà ở khu Tsim Sha Tsui. Ảnh: Xiaomei Chen.

Ông cho biết nhiều phụ nữ có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không được điều trị, một số còn ngại đến bệnh viện.

Trong khi đó, không ít phụ nữ vô gia cư không muốn đến các trại tạm trú vì thiếu sự riêng tư và phải sống trong ký túc xá. Họ thích sống ở ngoài đường với bạn đời hơn là bị chia cắt.

Ông Ng hy vọng bên cạnh việc kéo dài thời gian hỗ trợ trên 6 tháng, ký túc xá cũng cho phép các cặp đôi ở cùng phòng với nhau. Những nơi này cũng có thể mời các chuyên gia tâm thần để tư vấn cho cư dân.

Kit (49 tuổi), người lâm vào cảnh vô gia cư 2 năm nay sau cáo buộc sai liên quan tới ma túy, bày tỏ: “Tôi hy vọng chính phủ có bộ phận riêng để giúp nhóm vô gia cư, những người bị phớt lờ nhưng sợ hãi nói lên mối quan tâm của mình.

Theo zingnews