Nhiều quốc gia châu Á có dân số già đang triển khai các biện pháp kích thích sinh đẻ, từ hỗ trợ nuôi con đến trao thưởng. Tuy nhiên, ở Indonesia, chính phủ đang thuyết phục người dân làm điều ngược lại, theo Bloomberg.
Đất nước đông dân thứ 4 thế giới đang khuyến khích người dân kết hôn muộn hơn, thực hiện kế hoạch hóa gia đình và tránh thai để giảm tỷ lệ sinh xuống còn 2,1 trẻ/phụ nữ vào năm 2025.
Tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ làm giảm mức tăng dân số ở quốc gia 270 triệu người, giảm thiểu lo ngại về việc ít cơ hội việc làm do đông dân và giảm áp lực lên các chính sách của chính phủ.
Theo Hasto Wardoyo, giám đốc Cơ quan Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Indonesia, ngoài làm giảm tốc độ tăng dân số, Indonesia đang hướng tới việc cải thiện đồng thời các yếu tố khác như y tế, giáo dục và việc làm.
“Trước đây, trọng tâm các chương trình của chính phủ chỉ là giảm tỷ lệ sinh còn bây giờ tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện chất lượng dân số", Wardoyo nói.
Điều này nghe có vẻ là một quyết định mạo hiểm đầy rủi ro đối với thị trường mới nổi như Indonesia, nơi thu hút các nhà đầu tư với lượng nhân công trẻ, rẻ, Bloomberg nhận định.
Tuy nhiên, xứ vạn đảo cho biết không thể chờ đợi thêm, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cho khả năng người dân ít sử dụng các biện pháp tránh thai, số ca mang thai tăng trong các đợt phong tỏa do dịch bệnh.
|
Indonesia đang tìm cách giảm tỷ lệ sinh, khuyến khích người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. |
Khó khăn
Giống như nhiều bạn bè và người thân, Yulia Purnamasari (29 tuổi) có thai ngay sau khi kết hôn vào năm 2018. Tuy nhiên khi nhận ra sự tốn kém để nuôi dạy một đứa trẻ, cô và chồng quyết định hoãn việc có thêm con trong vài năm nữa để tiết kiệm tiền.
Sinh sống trên đảo Lombok, phía đông Indonesia, Purnamasari không biết về kế hoạch hóa gia đình hoặc cách tiếp cận dịch vụ tư vấn. May mắn là cô được một nữ hộ sinh địa phương giúp đỡ đặt vòng tránh thai.
Không phải ai cũng nhận thức được như vợ chồng Purnamasari. Ví dụ, em gái cô không thực hiện kế hoạch hóa gia đình hay các biện pháp tránh thai thường xuyên nào.
"Nếu mang bầu ngoài ý muốn, nó chỉ coi đó là một điều may mắn", Purnamasari cho biết.
|
Nhiều phụ nữ Indonesia chưa nhận được tư vấn hay tiếp cận với các biện pháp tránh thai. |
Tuy nhiên, các chiến dịch của chính phủ Indonesia đang khiến những phụ nữ như Purnamasari không còn là thiểu số. Thêm việc tập trung phát triển nhóm lực lượng lao động kỹ thuật số, quốc gia này đang giành được niềm tin từ các nhà phân tích và đầu tư.
Những nỗ lực của Indonesia tương phản với các nước trong khu vực, đặc biệt là quốc gia có dân số già như Thái Lan và Singapore.
Xứ Chùa Vàng được cảnh báo có thể là nước đang phát triển đầu tiên trở thành "quốc gia già" vào năm tới. Nước này đang thúc đẩy tăng tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ người cao tuổi và khuyến khích dử dụng lao động trên 60 tuổi.
Trong khi đó, Singapore đề nghị tăng mức hỗ trợ tiền mặt cho những công dân sinh con vì lo sợ dịch bệnh sẽ khiến nhiều người trì hoãn việc sinh nở. Số người kết hôn ở đảo quốc sư tử giảm khoảng 10% vào năm 2020.
Thách thức
Dù có mức thu nhập trung bình cao, quốc gia vạn đảo vẫn xếp sau các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở nhiều chỉ số như chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, việc làm cho thanh niên, trình độ học vấn và tuổi thọ.
Dịch Covid-19 càng đem lại nhiều khó khăn, đặc biệt khi Indonesia là một trong các nước bùng dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á.
“Ngay cả khi không có đại dịch, thị trường việc làm của Indonesia vẫn khá căng thẳng với khoảng 2,5 triệu người mới tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm. Nếu chính phủ không thể đảm bảo cho mọi người khỏe mạnh, được giáo dục tốt và có việc làm thì thay vì đạt được mục tiêu dân số, đó sẽ là một thảm họa", Turro Wongkaren, giám đốc Viện Nhân khẩu học thuộc Đại học Indonesia, cho biết.
|
Nhiều người Indonesia vẫn quan niệm sinh càng nhiều con càng có phước. |
Theo Satyawanti Mashudi, ủy viên Ủy ban Quốc gia Indonesia về Bạo lực Phụ nữ, giảm tỷ lệ sinh là một quá trình lâu dài. Quốc gia này đã mất hơn hai thập kỷ để giảm tỷ lệ sinh từ khoảng 3 con/phụ nữ vào năm 1991 xuống còn 2,4 vào năm 2017.
"Ngoài ra còn có các giá trị văn hóa và tôn giáo ăn sâu vào quan niệm người dân. Người Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi, việc sinh thêm con được coi là mang lại nhiều phước lành. Ngay cả khi phụ nữ cởi mở hơn với các biện pháp tránh thai, chồng và người thân của họ có thể không ủng hộ", bà nhận định.
Theo Zing