Cuộc chiến tăng dân số của Trung Quốc đang có tác động trực tiếp đến nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Theo đó, nhiều nhà tuyển dụng loại các ứng viên nữ, lấy những lý do không có cơ sở như họ không thể làm việc ngoài giờ, đi công tác hay lái xe.

“Những lời bào chữa này thật không có cơ sở. Làm thêm giờ và đi công tác không liên quan gì đến giới tính. Tùy vào năng lực và khả năng chịu đựng thôi. Lý do đó không thể thuyết phục chúng tôi chút nào", Helen Tang, người đấu tranh cho bình đẳng giới, nói. Cô cho biết mình cũng là nạn nhân của các hành vi phân biệt đối xử kể từ năm 2018.

Tình trạng tiếp diễn

Những năm gần đây, tỷ lệ sinh ngày càng giảm khiến Trung Quốc đau đầu, đẩy mạnh các chương trình khuyến khích sinh đẻ. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến những người sử dụng lao động lo lắng về chi phí thai sản, sự phân biệt đối xử, đặc biệt là kể từ khi Bắc Kinh chính thức chấm dứt chính sách một con vào năm 2016.

Năm 2019, tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc làm việc là 60%, cao hơn tỷ lệ toàn cầu (47%). Tuy nhiên, con số này vẫn giảm hơn 12 điểm phần trăm kể từ năm 1990, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.

Khoảng cách giữa tỷ lệ lao động nam và nữ ở Trung Quốc cũng đã tăng từ 11,6 điểm phần trăm lên 14,8 điểm phần trăm trong giai đoạn 1990-2019.

phu nu bi phan biet doi xu anh 1

Thị trường tuyển dụng ở Trung Quốc còn nhiều phân biệt đối xử với phụ nữ. Ảnh:Xinhua.

"Tôi bị bối rối. Tôi không hiểu tại sao vai trò thư ký chỉ được giao cho nam giới", Tang nói, cho biết thêm khi cô gọi điện để hỏi về vị trí này, nhà tuyển dụng thường nói ưu tiên đàn ông.

Tang hiện làm việc cho Workplace Gender Equality Watch, một nhóm hơn 50 tình nguyện viên lên án hành vi tuyển dụng phân biệt đối xử. Nhóm cũng nộp đơn khiếu nại với các cơ quan và công ty có liên quan, cung cấp trợ giúp pháp lý.

“Mặc dù Trung Quốc có luật và quy định để bảo vệ quyền việc làm cho phụ nữ, nhưng phân biệt giới tính tại nơi làm việc vẫn rất nghiêm trọng. Nói chung, khoảng cách tham gia lao động giữa nam và nữ nhỏ hơn đồng nghĩa với việc bảo vệ tốt hơn quyền việc làm của phụ nữ”, Ren Zeping, làm việc tại Viện nghiên cứu Evergrande, cho biết.

Năm ngoái, Trung Quốc xếp thứ 106 về chỉ số chênh lệch giới tính, so với vị trí thứ 61 vào năm 2008, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Trong một cuộc khảo sát do cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin thực hiện vào năm ngoái với hơn 66.000 người, mức lương chung cho lao động nữ thấp hơn 17% so với lao động nam và chỉ 5% phụ nữ đảm nhiệm vai trò quản lý so với 9% nam giới.

phu nu bi phan biet doi xu anh 2

Phụ nữ bị phân biệt đối xử ở vị trí tuyển dụng. Ảnh:Alamy.

Năm ngoái, trung bình mỗi tháng, Tổ chức Theo dõi bình đẳng giới tại nơi làm việc đã công bố danh sách hơn 100 việc làm phân biệt đối xử, tăng so với mức trung bình là 69 vào năm 2019.

Theo một phân tích về tất cả công việc được công bố từ năm 2017 đến năm 2020 do nhóm này thực hiện, dịch vụ dân sự, đặc biệt ở cấp địa phương, là một "điểm nóng'' trong phân biệt giới tính. Tỷ lệ các vai trò ưu tiên nam giới hàng năm chiếm hơn 10%, so với 1% của nữ giới vào năm ngoái, thậm chí là 0% vào năm 2019.

Thách thức

Tổ chức Theo dõi bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng cho rằng trong khi một số cơ quan chính phủ cho nam và nữ số lượng việc làm như nhau, vẫn có sự phân biệt đối xử trong thực tiễn tuyển dụng. Theo đó, những người đàn ông có trình độ kém hơn thường được thuê thay vì phụ nữ có trình độ cao.

Trong một nghiên cứu được thực hiện trước và sau khi Trung Quốc chính thức bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016, nhóm nghiên cứu do He Haoran đứng đầu từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã gửi lý lịch giả đi ứng tuyển ở ba thành phố phát triển nhất để kiểm tra sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động.

Nhóm phát hiện ra rằng phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh đẻ, nhận được ít phản hồi hơn so với trước năm 2016.

Thời kỳ trước, các công ty nhà nước xây dựng trường học và ký túc xá để chăm sóc con cái của nhân viên và cung cấp các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên ngày nay, Trung Quốc thiếu hụt rất nhiều nhà trẻ và dịch vụ chăm sóc trẻ em, khiến một số phụ nữ trong độ tuổi lao động phải nghỉ việc.

Trong cuộc khảo sát của Zhaopin, gần 60% phụ nữ cho biết họ đã gặp phải các câu hỏi về tình trạng hôn nhân và thai sản trong quá trình tuyển dụng.

“Đối với các công ty, chi phí thai sản là một vấn đề quan trọng. Khi cân nhắc điều này, họ sẽ thích nam giới hơn là phụ nữ”, Tang cho biết.

phu nu bi phan biet doi xu anh 3

Nhiều công ty ngại tuyển dụng phụ nữ

trong độ tuổi sinh đẻ vì sợ tốn chi phí hỗ trợ thai sản, nghỉ phép.

Theo luật, Trung Quốc bảo vệ sự bình đẳng trong môi trường tuyển dụng và từ năm 2019, chính phủ bắt đầu phạt 50.000 nhân dân tệ (7.700 USD) đối với các bài đăng tuyển dụng phân biệt giới tính. Cuối năm ngoái, nước này cũng cấm phân biệt giới tính trong hình thức tuyển dụng trực tuyến.

Tuy nhiên, chưa đến 1/3 phụ nữ trong khảo sát của Zhaopin tin rằng các quy định đó có thể cải thiện môi trường làm việc cho phụ nữ. Các vụ kiện chống lại sự phân biệt đối xử về giới tính trong tuyển dụng là rất hiếm.

Một trong những trường hợp hiếm hoi là ở tỉnh Chiết Giang vào năm 2014. Nữ sinh viên mới tốt nghiệp kiện một trường dạy nấu ăn vì liên tục từ chối đơn xin vào vị trí nhân viên bán hàng của cô.

Cuối cùng, cô chỉ nhận được 2.000 nhân dân tệ (309 USD) bồi thường, thậm chí không đủ trả chi phí kiện tụng.

“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng phân biệt khi tuyển dụng chỉ là bước đầu tiên. Sự phân biệt giới tính còn tiềm ẩn nhiều hơn tại nơi làm việc. Hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ giám sát điều này chặt chẽ hơn trong tương lai", Tang chia sẻ.

Theo Zing