Các gương mặt nổi bật của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2024: Jean-Luc Mélenchon và François Ruffin từ liên minh cánh tả (trên cùng), Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron (bên trái), Marine Le Pen và Jordan Bardella (bên phải).
Đảng theo xu hướng tự do và trung lập của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có thất bại sốc trước đảng Tập hợp Quốc gia (RN) có tư tưởng cực hữu trong cuộc bầu cử ở Nghị viện châu Âu. Gần như ngay lập tức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giải thể Quốc hội Pháp và triệu tập cuộc bỏ phiếu sớm. Động thái này được đánh giá là một "canh bạc" với tình hình hiện tại không hề ủng hộ ông.
Cuộc bầu cử này không chỉ là sự kiện chính trị đặc biệt mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới toàn xã hội Pháp. Sự trỗi dậy của RN dưới sự lãnh đạo của bà Marine Le Pen đang đặt ra các câu hỏi về tương lai của những tiến bộ về quyền phụ nữ đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua, không chỉ tại Pháp mà còn ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Kết quả của cuộc thăm dò ý định bầu cử của Ifop. Nguồn: Politico
Cuộc bầu cử diễn ra thế nào?
Quốc hội Pháp (Assembleé Nationale) là cơ quan có quyền lực rất lớn, với quyền lập pháp và giám sát chính phủ. Để bầu ra những người đại diện thực thi những quyền lực này, cử tri tại 577 khu vực bầu cử sẽ tham gia vào hai vòng bỏ phiếu khá phức tạp.
Trong vòng đầu tiên, ứng viên nào đạt được đa số phiếu của ít nhất 25% số cử tri tại khu vực đó sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều này thường khó xảy ra, và vòng thứ hai sẽ được tổ chức. Khi này, chỉ có hai ứng viên đứng đầu hoặc những ứng viên với sự ủng hộ của ít nhất 12,5% số cử tri đăng ký mới được tiếp tục tranh cử. Ứng viên nhận được nhiều phiếu nhất ở vòng này sẽ giành chiến thắng.
Cuộc bầu cử có hai mốc thời gian quan trọng: ngày 30 tháng 6 là thời gian diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên, ngày 7 tháng 7, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức ở các khu vực bỏ phiếu mà không ứng viên nào đắc cử ngay từ vòng 1.
Các liên minh chính trị đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử này. Những đảng phái và phong trào với các mục tiêu chính trị gần nhau thường liên kết để tăng cơ hội giành chiến thắng. Liên minh của RN, một liên minh cực hữu, hiện đang nhận được khoảng 36% sự ủng hộ, dẫn đầu, theo các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, liên minh của các đảng cánh tả (Nouveau Front populaire, hiện đang có khoảng 29% ủng hộ) và các phong trào xã hội đang nỗ lực liên kết với nhau để đối phó với sự trỗi dậy của RN. Trong khi đó, liên minh tự do và trung lập của Tổng thống Macron xếp thứ ba, với 21% sự ủng hộ.
Theo những thống kê này, nhiều khả năng Pháp sẽ có Tổng thống (người được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu ở một cuộc bầu cử riêng) và Thủ tướng (người nhận được sự ủng hộ từ đa số Quốc hội) đến từ hai đảng phái chính trị khác nhau, một hiện tượng được gọi là "cộng sinh".
"Cộng sinh" là một hiện tượng hiếm gặp tại Pháp. Nếu hiện tượng này xuất hiện, có thể dẫn đến sự tê liệt trong các hoạt động của các thể chế. Hơn nữa, nếu như một phe phái chính trị có thể đạt được đa số tuyệt đối (hơn 50%) tại Quốc hội, họ có thể thực thi rất nhiều chính sách của mình mà không cần sự chấp thuận của Tổng thống. Nếu kịch bản này diễn ra với RN, họ có khả năng cô lập ông Macron và thực hiện các chính sách cực đoan của mình.
Người “thuyền trưởng” của đảng RN cực hữu Pháp Marine Le Pen (trái) và ứng cử viên sáng giá cho chức Thủ tướng Jordan Bardella. Ảnh: AP
Lý do giúp RN trỗi dậy
Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) do Marine Le Pen lãnh đạo, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong chính trường Pháp những năm gần đây. Với thành công trong các cuộc bầu cử châu Âu và quốc gia, RN đang dần trở thành một lực lượng chính trị không thể bỏ qua.
Các yếu tố góp phần vào sự vươn lên của RN bao gồm lo ngại về kinh tế, vấn đề nhập cư và sự bất mãn với các đảng phái truyền thống. Tình trạng thất nghiệp và bất ổn kinh tế đã khiến nhiều cử tri chuyển sang ủng hộ RN, hy vọng vào những chính sách bảo vệ việc làm và an sinh xã hội.
Vấn đề nhập cư cũng là một trong những chủ đề chính mà RN sử dụng để thu hút cử tri, khi họ cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ biên giới để bảo vệ an ninh quốc gia và văn hóa truyền thống.
Bà Marine Le Pen đã có những bước đi chiến lược để khiến hình ảnh của đảng mình hấp dẫn hơn trong mắt cử tri đại chúng. Bà đã thay đổi tên đảng từ Front National (FN) sang Rassemblement National (RN) nhằm xóa bỏ những liên tưởng tiêu cực với quá khứ phân biệt chủng tộc và cực đoan trong thời kỳ cha của bà lãnh đạo.
Bà Le Pen cũng nỗ lực xây dựng hình ảnh RN như một đảng bảo vệ quyền lợi của người dân Pháp, đặc biệt là phụ nữ, mặc dù có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng đây là những bước đi có phần mang tính biểu diễn nhằm thu hút thêm phiếu bầu.
Ngoài Marine Le Pen, một nhân vật quan trọng khác của RN là ông Jordan Bardella, người được dự kiến sẽ trở thành Thủ tướng nếu đảng giành chiến thắng. Ông Bardella đã nỗ lực thu hút sự ủng hộ của phụ nữ bằng cách cam kết bảo vệ quyền và tự do của họ, một thông điệp đi ngược lại lịch sử lập pháp của đảng này.
Một cuộc biểu tình vì nữ quyền chống lại phe cực hữu ở Toulouse, Pháp. Ảnh: AFP
Sự e ngại của các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ
Những nỗ lực cải thiện hình ảnh của Le Pen đã mang lại một số kết quả, khi tỉ lệ phụ nữ ủng hộ RN tăng lên đáng kể. Theo công ty thăm dò dư luận Ipsos, tỉ lệ này đã tăng 10%, đạt 30% trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 và năm 2024.
Thế nhưng, trong khi RN đang cố gắng xây dựng hình ảnh mới, nhiều nhà quan sát vẫn hết sức cảnh giác với sự thay đổi này. Các cuộc biểu tình gần đây của các nhóm hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ chỉ ra rằng RN vẫn là một mối đe dọa đối với nhân quyền nói chung.
Theo Chloe Rougeyres, một nhà hoạt động nữ quyền, các quan điểm thực sự của RN về quyền phụ nữ vẫn được cho là rất bảo thủ và mang tính chất truyền thống. Các nghị sĩ của RN tại Nghị viện châu Âu thường xuyên bỏ phiếu chống lại hoặc bỏ phiếu trắng đối với các biện pháp bảo vệ quyền phụ nữ. Annika Bruna, một nghị sĩ của RN, đã bỏ phiếu chống lại tất cả các văn bản ủng hộ quyền của phụ nữ, từ việc bảo vệ quyền phá thai cho đến các biện pháp chống quấy rối tình dục.
Bà Marine Le Pen và ông Jordan Bardella, người có thể trở thành Thủ tướng nếu RN thắng cử, đã có nhiều phát ngôn ủng hộ quyền của phụ nữ. Tuy nhiên, vào chính ngày Bardella trấn an cử tri về quan điểm của RN là ủng hộ quyền tự quyết của phụ nữ với cơ thể của mình, 11 đại biểu của đảng này đã không bỏ phiếu ủng hộ quyền nạo phá thai và 20 người bỏ phiếu trắng. Trong chương trình nghị sự của mình, RN cũng luôn ủng hộ "một chính sách khuyến khích sinh sản thay vì nhập cư" và bảo vệ "các giá trị truyền thống", cho dù điều này có vi phạm các quyền cơ bản của phụ nữ và làm tổn thương các nhóm yếu thế.
Vì các hành động này, nhiều nhà phê bình cho rằng RN chỉ đang lợi dụng vấn đề quyền phụ nữ như một công cụ chính trị, trong khi thực chất vẫn duy trì quan điểm bảo thủ và phản đối sự tiến bộ của nữ quyền. Các đại biểu của RN tại Quốc hội Pháp cũng đã bỏ phiếu chống lại các biện pháp nhằm cải thiện điều kiện làm việc và quyền lợi kinh tế cho phụ nữ, như tăng lương tối thiểu và quyền nghỉ thai sản.
Sarah Durocher, từ tổ chức Kế hoạch hóa gia đình (Planned Parenthood), nhấn mạnh sự gia tăng các cuộc tấn công kỳ thị người chuyển giới và người đồng tính trong thời gian gần đây. Mariam Sissoko, Chủ tịch hiệp hội nữ quyền Sức mạnh của phụ nữ cho biết: "Các bà mẹ trong mạng lưới hiệp hội của chúng tôi lo lắng cho tương lai của con mình".
Một số công đoàn cũng tham gia các cuộc tuần hành phản đối RN. Sophie Binet, Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), nêu ý kiến: "Chỉ cần nhìn vào cuộc bỏ phiếu của họ tại Quốc hội: 30 người trong số họ đã không bỏ phiếu ủng hộ việc hợp hiến hóa quyền phá thai. Về phần chính phủ, họ không muốn đối đầu với các ông chủ sử dụng lao động ở vấn đề sự bình đẳng về quyền lợi". Morgane Legras, 28 tuổi, một nhà hoạt động và kỹ sư hạt nhân tại cuộc tuần hành nói: "Khi nhìn vào lịch sử của đảng RN, bạn không thể nói rằng đảng này bảo vệ phụ nữ".
Một người đàn ông đứng ở lối vào một trạm bỏ phiếu, trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp, tại một trạm bỏ phiếu ở Henin-Beaumont, miền bắc nước Pháp, ngày 30 tháng 6 năm 2024. Ảnh: Reuters
Tác động của cuộc bầu cử có thể vươn ra ngoài nước Pháp
Sự gia tăng của sự ủng hộ dành cho RN cho thấy một xu hướng đáng lo ngại trong chính trị Pháp, khi mà những mối lo về kinh tế và an ninh khi được kết hợp với những phong trào cực hữu có thể dẫn đến sự ủng hộ cho những chính sách cực đoan và bài ngoại. Việc RN đạt được sự ủng hộ ngày càng lớn từ một bộ phận những người phụ nữ cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của quyền phụ nữ dưới sự lãnh đạo của đảng này.
Đáng chú ý, nếu RN giành được quyền lực, không chỉ quyền phụ nữ tại Pháp có thể bị ảnh hưởng mà còn có khả năng kéo theo những thay đổi tiêu cực trong bối cảnh quốc tế. Pháp là một thành viên quan trọng trong Liên minh châu Âu và có tiếng nói lớn trong các sáng kiến nhân quyền toàn cầu. Việc RN nắm quyền có thể dẫn đến sự dịch chuyển trong các liên minh quốc tế và thay đổi cách tiếp cận của Pháp đối với các vấn đề nhân quyền. RN có xu hướng ủng hộ các phong trào cực hữu khác ở châu Âu, điều này có thể tạo ra một làn sóng bảo thủ và phản đối quyền phụ nữ trên toàn khu vực.
Ninh Phí