|
Rác thải nhựa ở đại dương. (Nguồn: Forbes) |
Đảo rác được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1997 ngoài khơi Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, các chương trình nghiên cứu khoa học đã khám phá bốn đảo rác khác ở các đại dương khác nhau. Theo một nghiên cứu xuất bản năm 2014, được Reuters trích dẫn, có tới 5.250 tỷ mẩu rác thải nhựa trôi lềnh bềnh trên đại dương từ Nam Cực đến Bắc Cực với tổng trọng lượng lên đến 269.000 tấn.
“Đảo rác” thành “lục địa rác”
Đó chỉ mới là con số ước tính với các vật thể nổi chưa kể đến lượng rác thải chìm dưới đáy các đại dương. Công ty truyền thông LADbible (Anh), đối tác của NGO Plastic Oceans Foundation (Mỹ) trong chiến dịch Trash Isles năm 2017 đưa ra thống kê khủng khiếp hơn: 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải vào đại dương mỗi năm, tương đương mỗi phút lại có xe tải chở đầy rác thải nhựa đổ xuống biển.
Mới đây, hôm 1/9, Scientific Reports công bố một báo cáo, theo đó, có tới 90% rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương có nguồn gốc từ năm nước công nghiệp phát triển nhất và chúng đang tạo thành các “lục địa rác” hay còn được ví von là “lục địa thứ bảy” trên Thái Bình Dương.
Xu hướng nhựa dùng một lần gia tăng
Từ giữa thế kỷ XX, ngành công nhiệp nhựa bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ. Tính từ năm 1950-2017, 9,2 tỷ tấn nguyên liệu nhựa đã được sản xuất và một nửa trong số đó được đưa vào thị trường từ năm 2000 đến nay. Hiện nay, thế giới sản xuất khoảng 400 triệu tấn nguyên liệu nhựa mỗi năm, dự kiến đạt mức 600 triệu vào năm 2025.
Tính đến thời điểm này, nhân loại vẫn tiếp tục sử dụng 24% lượng nhựa đã sản xuất ra và tái chế được 10%. Tuy nhiên, khoảng 40% sản lượng nhựa trong 70 năm qua đã trở thành rác thải chỉ sau một tháng sử dụng và tổng lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới hiện lên đến gần 7 tỷ tấn.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP), bao bì trong tất cả các lĩnh vực chiếm khoảng 40% rác thải nhựa thế giới. Ở quy mô toàn thế giới, chỉ 14% được tái chế, 14% được thiêu huỷ, 40% đang được tích trữ và 32% còn lại được thải thẳng ra môi trường.
Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Terra Nova (Pháp) công bố tháng 7/2022, ngành công nghiệp sản xuất nhựa chiếm tới 6% phát thải CO2 toàn cầu và dự báo đến năm 2050 sẽ chiếm tới 15%. 46% bao bì sử dụng trong tất cả các lĩnh vực được làm từ nhựa dùng một lần.
Cũng theo báo cáo này, cho dù nhựa có đặc tính bền vững nhưng có tới 81% sản phẩm nhựa được sản xuất ra có tuổi đời sử dụng dưới một năm. Ngay cả khi tuổi đời sử dụng tối đa của sản phẩm nhựa có thể lên tới 35 năm (trong các công trình xây dựng) thì cũng là khoảng thời gian rất nhỏ so với tuổi thọ thực tế của nhựa lên đến hàng thế kỷ hay hàng nghìn năm. Do vậy, rác thải nhựa dùng một lần hiện là thách thức mà cả thế giới phải đối mặt vì đây là thành phần chính tạo ra các “lục địa rác”.
Có nhiều lập luận cho việc nhựa dùng một lần trở nên phổ biến như công năng của sản phẩm sự tiện lợi, vệ sinh, giá thành rẻ… Điều này lý giải xu hướng gia tăng trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.
Theo Plastics Europe, các tuyên bố của European Plastics Converter (EuPC) và American Energy Alliance (AEA) cho rằng, các sản phẩm nhựa dùng một lần là công cụ tốt nhất “đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người tiêu dùng” trước virus.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Ocean Cleanup thuộc Đại học Wageningen (Hà Lan), đa số mẫu vật thu nhặt được không thể xác định nguồn gốc. Trong số 6.093 mẫu được phân tích, các nhà nghiên cứu đã xác định nguồn gốc 232 mẫu vật dựa trên ngôn ngữ, tên hoặc logo của công ty. Phần lớn trong số 232 mẫu vật này đến từ Nhật Bản (34%), Trung Quốc (32%), Hàn Quốc (10%), Mỹ (7%) và Đài Loan (Trung Quốc)(6%). |
Điều tiết thị trường rác thải thế giới
Một trong những lập luận ủng hộ việc sử dụng nhựa trong đóng gói bao bì là khả năng tái chế. Theo Văn phòng quốc tế tái sử dụng và tái chế (BIR), lĩnh vực tái chế hiện đang trong thời kỳ phát triển bùng nổ, tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm trên toàn thế giới. Hàng năm có tới 600 triệu tấn rác nguyên liệu được tái chế, trong đó có một phần ba được xem là hàng hóa trao đổi quốc tế, mang lại doanh thu toàn cầu lên đến 170 tỷ Euro.
Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế vẫn ở mức rất thấp. Ngay tại các nước EU, nơi có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng và tái chế rác thải nhựa, tỷ lệ tái chế trung bình chỉ đạt 35% vào năm 2018. Cho dù tái chế rác thải nhựa tại châu Âu đang có chiều hướng tăng (tăng 43% trong thời gian từ 2018-2020), việc thúc đẩy tái chế tại đây đang gặp phải hai trở ngại lớn là chi phí đắt đỏ và chất lượng nhựa được tái chế chưa đáp ứng các đòi hỏi về nguyên liệu nhựa trên thị trường đầu vào. Vì vậy, phần lớn rác thải nhựa của châu lục này vẫn được thiêu hủy hoặc xuất khẩu ra thế giới.
Dưới danh nghĩa tái chế, một phần lớn rác thải nhựa của các nước công nghiệp phát triển được đẩy sang các nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi. Trên thực tế, xuất khẩu rác từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển để tái chế chỉ là giải pháp đẩy gánh nặng lên các nước đang phát triển, nơi các quy định về tái chế và môi trường chưa được chặt chẽ, thậm chí chưa từng tồn tại.
Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu rác thải nhựa phản ánh mô hình phân công lao động quốc tế. Các nước đang phát triển là công xưởng của các nước công nghiệp phát triển bằng việc sản xuất hàng hóa tiêu dùng cho họ. Ở chiều ngược lại, các nước đang phát triển sẽ nhận lại rác thải sau tiêu dùng để tái chế với giá thành thấp cùng với các quy định ít chặt chẽ về môi trường.
Trước năm 2018, Trung Quốc từng là nước nhập khẩu rác thải giấy và nhựa lớn nhất thế giới, đứng thứ bảy về nhập khẩu rác thải kim loại. Ngoài việc Trung Quốc là nước sản xuất rác thải nhựa sử dụng một lần lớn nhất thế giới (25,4 triệu tấn vào năm 2019), theo Statista.com (trang cung cấp thông tin thị trường thế giới), trước khi áp dụng lệnh cấm nhập khẩu năm 2018, Trung Quốc tiếp nhận 85% rác thải nhựa của châu Âu, hơn 50% rác thải nhựa, kim loại và giấy của Mỹ. Kể từ khi nước này áp dụng quy định cấm nhập khẩu rác thải nhựa, bản đồ nhập khẩu rác nhựa thế giới đang được sắp xếp lại. Thiếu đi Trung Quốc, các nhà xuất khẩu rác thải lớn nhất thế giới là EU, Mỹ và Nhật Bản hướng tới các thị trường ở Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi hay thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ, nước mới nổi lên trở thành công xưởng tái chế rác thải. Một trong những hệ quả của xu hướng tái định hình bản đồ nhập khẩu rác thế giới là việc Bồ Đào Nha trở thành “thùng rác của châu Âu”. Theo nhật báo Journali của nước này, năm 2018, Bồ Đào Nha nhập 2,2 triệu tấn rác thải từ các nước châu Âu, tăng 53% so với 2017.
Còn theo thống kê mới nhất của trang này công bố hôm 23/9, trong năm 2021, Đức dẫn đầu trong số các nước EU về xuất khẩu rác thải nhựa (720.000 tấn), tiếp sau đó là Hà Lan (630.000 tấn). Những con số trên chỉ là thống kê chính thức được các chính phủ công khai, chưa kể đến trường hợp các chính phủ từ chối công bố hoặc rác thải nhập lậu.
Tại châu Á, theo trang Statista.com, từ năm 2018, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia và Việt Nam đang trở thành điểm đến của rác thải nhựa của các nước công nghiệp hóa. Tại châu Phi và Nam Địa Trung Hải là Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2020, Nhật Bản xuất khẩu hơn 818.000 tấn rác thải nhựa, Mỹ 206.000, Pháp 189.000. Thổ Nhĩ Kỳ nhập 742.462 tấn, Malaysia nhập 459.063 tấn, Việt Nam 291.699 tấn. |
Đi tìm giải pháp
Theo phân tích của các chuyên gia, vấn đề đặt ra hiện nay cho các nước xuất khẩu là ngoại trừ Ấn Độ, phần lớn các thị trường mới nổi hiện không đủ năng lực tái chế rác thải như Trung Quốc. Ngay cả với Ấn Độ, nước có quy mô kinh tế lớn nhất trong số này, việc nhập khẩu và tái chế rác thải từ các nước công nghiệp hóa đang tạo ra các nguy cơ lớn về vệ sinh và môi trường, từ đó đặt ra câu hỏi về tính bền vững của thị trường rác thải thế giới bởi sớm hay muộn, các quốc gia này sẽ áp dụng các hạn chế hoặc thậm chí cấm nhập khẩu rác thải.
Trước thách thức của hoạt động xuất khẩu rác thải, năm 2019, các quốc gia thành viên đã thông qua việc sửa đổi Công ước Basel (1989), đặt ra các điều kiện cho hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa. Điều khoản sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Công ước sửa đổi được kỳ vọng sẽ đặt ra cơ chế minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý buôn bán rác thải nhựa, bên cạnh việc đảm bảo rác thải nhựa được xử lý đúng cách.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Công ước Basel sẽ là công cụ pháp lý nhằm bảo vệ các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển khỏi khủng hoảng rác thải nhựa từ những luồng phế liệu kém chất lượng từ các nước phát triển.
Trong một nỗ lực khác, hôm 2/3/2022, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Nairobi, UNEP đã thành công trong việc thúc đẩy 175 nước thành viên thông qua các nguyên tắc cơ bản trong một hiệp định sẽ được đàm phán nhằm đấu tranh chống ô nhiễm rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu có thể đưa vào áp dụng từ năm 2024.
Được kỳ vọng là một hiệp định quốc tế lớn nhất kể từ sau Hiệp định Paris năm 2015, thỏa thuận mới về rác thải nhựa có tham vọng tái định hình cách tiếp cận của thế giới đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm nhựa.
Theo Inger Anderson, Giám đốc điều hành của UNEP, “thông điệp rất đơn giản là chúng ta sẽ loại trừ ô nhiễm nhựa khỏi môi trường”. Tuy nhiên, các đàm phán đi đến ký kết và áp dụng một hiệp định như hứa hẹn còn rất chông gai.
Điều mỗi người, mỗi quốc gia có thể làm lúc này là hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tìm giải pháp thay thế, phân loại và tái chế tối đa rác thải.
Theo baoquocte