leftcenterrightdel
Nhiều người đặt rau quả mình trồng ủng hộ dự án 
Free-Go đã đặt nhiều tủ lạnh và kệ đựng thức ăn trên các đường phố tại Geneve, nơi người qua đường có thể trái cây, rau, bánh mì và các đồ ăn khác để mang về nhà. Trong khi đó, các chủ nhà hàng và những người khác cũng có thể tận dụng dự án này để cho đi những thực phẩm sắp hết hạn hoặc mua nhiều quá mà dùng không hết.

Chương trình tốn khoảng 40.000 USD để hoạt động mỗi năm và nhận được sự hỗ trợ từ cả các nhóm từ thiện và chính quyền thành phố. Ban đầu dự án chỉ có 1 tủ lạnh duy nhất đặt bên ngoài trung tâm cộng đồng ở phía Tây Geneve năm 2022 nhưng giờ đã có 4 chiếc. Chiếc thứ 5 cũng đang được lên kế hoạch. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của các cộng đồng ở Thụy Sĩ và các quốc gia châu Âu khác nhằm góp phần bảo vệ môi trường đồng thời giúp cắt giảm lãng phí thực phẩm.

Giám đốc dự án Marine Delevaux cho biết, thực phẩm được mọi người cho đi thường được lấy hết trong vòng một giờ. Vì lý do sức khỏe và quy định, mọi người không được phép để thực phẩm đông lạnh, hộp đựng thực phẩm đã mở nắp, thức ăn chế biến sẵn hoặc rượu trong tủ lạnh.

Free-Go cũng đang thử nghiệm hình thức đưa tủ lạnh đến các khu chung cư để cư dân dễ dàng tham gia chương trình hơn. Nó cũng đã thiết lập một “đường dây nóng” mà các chủ nhà hàng có thể sử dụng để gọi nhờ thu hồi thực phẩm mà họ không dùng để tránh lãng phí. “Thông thường, khi thực phẩm được thu gom từ các cửa hàng và nhà hàng được chuyển đến vào buổi sáng, mọi người đã sẵn sàng chờ để lấy”, bà Marine Delevaux nói.

Bên ngoài một trung tâm cộng đồng ở khu vực dành cho tầng lớp lao động của Geneve, Shala Moradi, một bà nội trợ 65 tuổi đến từ Iran đã sống ở Geneve trong 1 thập kỷ, cho biết bà đánh giá cao sáng kiến này. "Nó rất tốt. Tôi có thể lấy dâu tây, anh đào, những thứ tương tự… miễn phí”, bà nói.
leftcenterrightdel
Một phụ nữ lấy thức ăn trong tủ lạnh Free-Go 

Mới ký gửi một số cà chua từ vườn rau của mình, Severine Cuendet, một giáo viên 54 tuổi nói “chúng tôi có quá nhiều” và hoan nghênh sáng kiến này “vì khu phố này có rất nhiều nhu cầu.”

Theo Free-Go, chiếc tủ lạnh đầu tiên ở Geneve đã giúp tiết kiệm khoảng 3,2 tấn thực phẩm khỏi bị lãng phí năm 2022. Trong số các thực phẩm được mọi người cho đi, chỉ khoảng 3% phải vứt bỏ vì không ai muốn dùng.

Các chiến dịch chia sẻ thực phẩm tương tự đang diễn ra ở thủ đô Bern và phía Tây Neuchatel.

Free-Go cho biết những người đóng góp thực phẩm - Chủ nhà hàng hoặc người bán thực phẩm - phải cam kết đảm bảo thực phẩm quyên góp là an toàn. Luật pháp Thụy Sĩ quy định thực phẩm quá hạn sử dụng được khuyến nghị có thể được tiêu thụ trong vòng một năm sau đó.

Free-Go cho biết khoảng 1 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm trên khắp thế giới, sử dụng hết năng lượng và các nguồn tài nguyên khác trong quá trình canh tác và vận chuyển.

“Lãng phí thực phẩm không chỉ là một vấn đề đạo đức và kinh tế mà còn làm cạn kiệt môi trường với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế,” Ủy ban châu Âu cho biết.

Một nhóm cộng đồng ở Đức đã bắt đầu việc làm này từ hơn 1 thập kỷ trước. Hơn nửa triệu người ở Đức, Thụy Sĩ và Áo đã biến “sáng kiến chia sẻ thực phẩm thành một phong trào quốc tế” và đã giúp tiết kiệm được 83 triệu tấn thức ăn khỏi bị lãng phí.

Theo thoidai