leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho cộng đồng người Việt tại Campuchia - LÊ HIỆP 

Gặp mặt kiều bào và đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để bà con người Việt tại Campuchia có giấy tờ pháp lý, ổn định cuộc sống, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại đây.

Sáng 22.12, tiếp tục chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp (DN) và cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.

Được quan tâm nhiều nhất

Đại diện người Việt Nam tại Campuchia, ông Sim Chy, Chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, cho biết ngoài một bộ phận nhỏ bà con đã ổn định cuộc sống, một số thành công trong kinh doanh, đa số bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề địa vị pháp lý, trình độ dân trí và điều kiện sống. Theo ông Sim Chy, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là cộng đồng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ông bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ Campuchia sớm ban hành văn bản chính thức về quyền lợi của bà con người Việt đã đăng ký ngoại kiều, đã có quyết định công nhận người nước ngoài thuộc diện nhập cư và đã được cấp thẻ thường trú dành cho người nước ngoài thuộc diện nhập cư; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhập quốc tịch cho những đối tượng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người nước ngoài thuộc diện nhập cư. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ di dời thỏa đáng, nhất là đất ở, theo quy hoạch có đủ cơ sở hạ tầng từ trước, phù hợp với nhu cầu sinh sống và nghề nghiệp của người dân bị di dời.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Không có bà con nào khó khăn bằng người Việt tại Campuchia khi địa vị pháp lý chưa vững chắc, khi nhiều bà con không có giấy tờ như hộ chiếu, giấy tờ tùy thân”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, kiều bào ở Campuchia được quan tâm nhiều nhất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. “Chưa có kiều bào nào ở nước ngoài được quan tâm nhiều như kiều bào Việt Nam tại Campuchia”, ông nhấn mạnh. Chủ tịch nước cho biết sau những kết quả đã đạt được với lãnh đạo cấp cao của Campuchia, Đảng, Nhà nước sẽ thảo luận với các bộ, ngành, địa phương để có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa.

Thông báo về những kết quả đã đạt được trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm, Chủ tịch nước cho biết hai bên đã đạt được sự thống nhất cao trong các vấn đề về biên giới; người Việt tại Campuchia; kết nối hai nền kinh tế, đẩy mạnh thương mại biên giới. “Trước đây, chúng ta kỳ vọng kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỉ USD vào năm 2020 - 2021 thì đến tháng 10.2021 đã đạt 9 tỉ USD, năm nay có thể đạt 10 tỉ USD”, Chủ tịch nước nói và cũng lưu ý trách nhiệm của đại sứ quán, cùng các bộ, ngành, địa phương rất lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ chiến lược rất quan trọng giữa Việt Nam - Campuchia.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước cũng đã dành thời gian để gặp mặt DN Việt Nam và DN Khmer gốc Việt tại Campuchia. Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam tại Campuchia, Chủ tịch Câu lạc bộ DN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia (VBCC), cho biết các DN Việt Nam và DN Khmer gốc Việt tại Campuchia vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như khan hiếm lao động có tay nghề; vay vốn ngân hàng hay thường bị cán bộ thuế tại Campuchia gây khó khăn… Từ đó, Chủ tịch VBCC đề nghị Việt Nam có chính sách ưu đãi đặc thù cho DN đầu tư sang Campuchia, đặc biệt là với các ngành, dự án có ý nghĩa trong quan hệ hai nước. Ông Dũng cũng đề nghị phía Campuchia ban hành các chính sách, quy định cụ thể rõ ràng về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; đồng thời có chính sách ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích; tạo việc làm, ổn định đời sống cho Việt kiều tại các địa điểm phải di dời, gặp nhiều khó khăn.

Lắng nghe tất cả các ý kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi xu hướng đầu tư của Việt Nam tại Campuchia ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, Chủ tịch nước chỉ ra việc đầu tư của DN Việt Nam tại Campuchia chủ yếu là quy mô nhỏ, còn hạn chế. Một số DN về nông nghiệp ngày càng hiểu thị trường, song còn nhiều DN vẫn còn lúng túng, khó khăn, cần sự quan tâm giải quyết của các cấp, các ngành.

Chủ tịch nước cho biết đã đề nghị Thủ tướng Campuchia Hun Sen giải quyết nhanh chóng những kiến nghị của Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và DN Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị cần tập trung tháo gỡ về vấn đề lãi suất ngân hàng, tính toán giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay từ trong nước. Ông đề nghị các cơ quan T.Ư xây dựng để có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư của DN Việt Nam tại Campuchia, đầu tư khu vực biên giới, chứ không phải chính sách chung chung.

Về bảo hộ đầu tư, bảo hộ tài sản giữa hai nước còn nhiều vấn đề, Chủ tịch nước giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, soạn thảo để xây dựng chính sách rõ nét hơn, xứng tầm với vị trí và tiềm năng đầu tư giữa hai nước.

Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia (21 - 22.12.2021), Việt Nam và Campuchia đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ song phương theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”… Hai bên hoan nghênh hợp tác giữa hai nước thời gian qua trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Hai bên cũng khẳng định sẽ thúc đẩy trao đổi tiến tới công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc xin/giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19, tạo thuận lợi đi lại cho công dân hai nước, thúc đẩy sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước một cách an toàn.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia; khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước về hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới giữa hai nước. Đồng thời, thúc đẩy Ủy ban Liên hợp biên giới Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết khoảng 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc…

Theo thanhnien