Sachimi Mochizuki đã làm việc ở Nhật Bản hai thập kỷ qua nhưng cô chưa bao giờ nghỉ ngày phép nào khi đến kỳ kinh nguyệt. Cô cảm thấy đó là một điều may mắn bởi mỗi lần tới “ngày đèn đỏ”, bản thân không quá đau đớn hay mệt mỏi.

Mặt khác, Mochizuki cũng không muốn sử dụng quyền được nghỉ phép này vì cô sẽ phải báo cáo lên cấp trên, hầu hết là nam giới, rằng cô đang có kinh nguyệt.

xin nghi kinh nguyet anh 1

Kinh nguyệt là một chủ đề cấm kỵ tại Nhật Bản. Ảnh:Nikkei.

“Đây là một vấn đề nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ tại Nhật Bản. Chúng tôi không muốn nói về chủ đề này với bất kỳ đàn ông nào”, Mochizuki, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực quản lý sự kiện, cho biết.

Quyền được nghỉ phép khi đến kỳ kinh nguyệt đã tồn tại hơn 70 năm qua ở xứ Phù Tang. Đây không phải là quốc gia châu Á duy nhất có chính sách này.

Năm 1953, Hàn Quốc bắt đầu cho phép phụ nữ nghỉ phép “ngày dâu”. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều tỉnh thành và doanh nghiệp cũng áp dụng chính sách nghỉ kinh nguyệt với nhiều quyền lợi.

Tuy nhiên, chế độ nghỉ phép này lại chưa có mặt tại các quốc gia phương Tây, kể cả Mỹ hay Anh.

Mặt khác, các nhà nữ quyền chưa chắc chắn rằng liệu việc phụ nữ nghỉ làm khi đến “ngày đèn đỏ” là một bước tiến hay tụt hậu. Trong khi nhiều người ủng hộ sáng kiến này, một số khác cho rằng nó có thể làm sâu sắc thêm tình trạng phân biệt giới tính ở chỗ làm.

Cuộc chiến bất bình đẳng giới

Năm 1947, Nhật Bản chính thức đưa ngày nghỉ kinh nguyệt vào luật lao động. Ban đầu, tỷ lệ phụ nữ tận dụng ngày nghỉ phép này tương đối cao - khoảng 26% vào năm 1965, theo truyền thông địa phương.

Tuy nhiên, con số này ngày càng suy giảm. Đến năm 2017, chỉ còn 0,9% nhân viên nữ xin nghỉ kinh nguyệt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc, Trong một cuộc khảo sát năm 2013, 23,6% phụ nữ nước này sử dụng chế độ nghỉ phép. Nhưng 4 năm sau, tỷ lệ này giảm xuống còn 19,7%.

xin nghi kinh nguyet anh 2

Phụ nữ sẽ bị đánh giá năng lực thấp đi nếu xin nghỉ vì đến kỳ. Ảnh:Independent UK.

Theo Yumiko Murakami, người đứng đầu Trung tâm Tokyo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nguyên nhân gây ra tình trạng trên là bởi phụ nữ không biết đến quyền lợi này của mình. Đồng thời, các công ty cũng “tảng lờ”, không cung cấp thông tin cho nhân viên.

Tuy nhiên, văn hóa mới vấn đề lớn hơn cả.

Phụ nữ từ lâu đã phải đối mặt với cuộc chiến bất bình đẳng giới, đặc biệt tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia có mức chênh lệch lương giữa nam - nữ cao nhất trong OECD.

Mặc dù phân biệt đối xử là bất hợp pháp ở xứ sở hoa anh đào, nữ giới vẫn thường phải đối mặt với áp lực xin nghỉ việc, ngay cả khi mang thai. Trên thực tế, người lao động thuộc mọi giới tính đều không được khuyến khích nghỉ phép dưới bất kỳ hình thức nào, theo bà Murakami.

“Nếu bạn xin nghỉ vì đau bụng kinh, mọi người sẽ đánh giá năng lực của bạn yếu kém, không bằng nam giới”, bà nói.

Ngoài ra, kinh nguyệt vẫn là một chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản. Chẳng hạn, khi phụ nữ mua băng vệ sinh, nhân viên bán hàng cho chúng vào túi giấy màu nâu và kín cứ như thể là mặt hàng cấm.

Kinh nguyệt không phải thứ "bẩn thỉu"

Ởnhững nơi khác tại châu Á, các doanh nghiệp không chỉ hết mình hỗ trợ nhân viên nghỉ kinh nguyệt, họ còn đưa ra tuyên bố chính trị.

Zomato, một công ty giao hàng thực phẩm tại Ấn Độ, bắt đầu triển khai chế độ nghỉ “ngày đèn đỏ” cho phụ nữ ở công ty vào tháng 8. Thông qua chính sách mới, họ muốn thay đổi nhận thức ở quốc gia này - nơi kinh nguyệt còn bị coi là một nỗi nhục.

xin nghi kinh nguyet anh 3

Nhiều ý kiến cho rằng chế độ nghỉ phép “ngày đèn đỏ” sẽ khiến

các nhà tuyển dụng ngại tuyển lao động nữ. Ảnh:Getty.

Theo một báo cáo năm 2014 của tổ chức từ thiện Darsa, các bé gái Ấn Độ thường bỏ lỡ 20% tổng số tiết học trong năm vì tới “ngày dâu”. Mặc dù cũng là phụ nữ, tới 70% các bà mẹ coi kinh nguyệt là một “thứ bẩn thỉu”.

Tuy nhiên, thông báo của Zomato vẫn vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Một số nhà phê bình cho rằng chính sách này có thể khiến phụ nữ trông yếu đuối hơn phái mạnh, dẫn đến việc các nhà tuyển dụng không muốn thuê lao động nữ.

Theo Giáo sư Elizabeth Hill của Đại học Sydney - một người chuyên nghiên cứu về giới và việc làm, lý do khiến chính sách nghỉ kinh nguyệt gây tranh cãi trong xã hội, ngay cả giữa các nhà nữ quyền, là bởi có rất ít dữ liệu cho thấy việc nghỉ phép có cản trở gì phụ nữ tại nơi làm việc hay không.

Nhiều ý kiến phản đối chế độ nghỉ phép “ngày đèn đỏ” có chung lập luận với những quan điểm chống lại việc nghỉ thai sản, lo rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lao động nữ trong xã hội.

Thế nhưng, Giáo sư Hill cho biết hiện có bằng chứng cho thấy chính sách nghỉ thai sản thậm chí “giữ chân” nữ giới trong lực lượng lao động. Điều này đặc biệt quan trọng tại Ấn Độ - một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ đi làm thấp nhất thế giới, ở mức 35%.

“Đó là một cách điều chỉnh hợp lý. Vấn đề luôn nằm ở công việc, chứ không phải phụ nữ”, Deepa Narayan, một nhà khoa học xã hội và cựu cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết.

Tranh cãi ở phương Tây

Cứ vài năm một lần, câu chuyện có nên nghỉ phép “ngày đèn đỏ” hay không lại rộ lên ở các nước phương Tây. Thông thường, chủ đề này đi kèm với những lập luận phản đối gay gắt, cho rằng đó là một ý tưởng tồi.

xin nghi kinh nguyet anh 4

Nhà hoạt động Jen Huls trong trang phục băng vệ sinh kêu gọi phản đối thí nghiệm trên

kỳ kinh nguyệt của loài linh trưởng. Ảnh:Chris Hondros.

Ngay sau thông báo của Zomato, tờ The Washington Post đăng một bài báo có tiêu đề Tôi là một nhà nữ quyền. Và cho phụ nữ nghỉ một ngày vì đến kỳ là một ý tưởng ngu ngốc.

Bài báo này cho rằng chính sách nghỉ kinh nguyệt là một đề xuất “ngớ ngẩn và gia trưởng” nhằm “tái khẳng định rằng có một yếu tố sinh học mang tính quyết định đến đời sống phụ nữ”.

Năm 2017, Tổ chức Tín thác Phụ nữ Victoria, một nhóm vận động cho quyền phụ nữ ở Australia, đưa ra chính sách nghỉ kinh nguyệt cho các nữ nhân viên của họ. Ngay lập tức, tờ The Courier-Mail đăng tải một bài báo với tiêu đề Là một phụ nữ làm việc ở Australia, tôi thấy bị xúc phạm bởi ý tưởng điên rồ này.

Giáo sư Hill cho biết mặc dù các cô gái, chàng trai trẻ ở phương Tây dễ tiếp thu ý tưởng này hơn, phụ nữ lớn tuổi lại có xu hướng phản đối vì họ muốn giới trẻ cũng phải chịu khổ “ngày đèn đỏ” như họ từng trải qua.

xin nghi kinh nguyet anh 5

Ở nhiều quốc gia, băng vệ sinh vẫn được để vào túi kín, tối màu như một "vật cấm". Ảnh:Getty.

Năm 2019, một cuộc khảo sát trên 32.748 phụ nữ Hà Lan cho thấy 14% đã xin nghỉ làm hoặc nghỉ học trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, chỉ 20% trong số đó đưa ra lý do thực sự là đến “ngày dâu”.

Khoảng 68% cho biết họ ước rằng được linh động học tập hoặc làm việc khi đến kỳ. Thế nhưng, phần lớn vẫn tiếp tục đến trường/chỗ làm, mặc dù họ cảm thấy kém năng suất hơn do các triệu chứng đau đớn.

“Tôi cho rằng chính sách nghỉ kinh nguyệt đã đem lại những điều tích cực đến môi trường làm việc của tôi. Bạn không nên che giấu lý do vì sao bạn không thể đến công ty và làm việc hiệu quả”, Mary Crooks, Giám đốc điều hành Tổ chức Tín thác Phụ nữ Victoria, cho biết.

Theo Zing