Tại một số trường đại học ở Trung Quốc, khoảng 250 chiếc túi phát băng vệ sinh miễn phí đã được lắp đặt sau chiến dịch kêu gọi của một nhóm vận động có tên Stand By Her.
Hoạt động này cũng nằm trong nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị đối với chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ tại đất nước tỷ dân, theo The Guardian.
Wang Ping, sinh viên năm 3 tại Đại học Minzu (Vân Nam), cho biết với sự giúp đỡ của hàng chục tình nguyện viên, nhóm của cô đã dựng được 10 điểm phát băng vệ sinh xung quanh trường.
“Hy vọng hoạt động này có thể giúp chấm dứt tình trạng coi chu kỳ 'đèn đỏ' của phụ nữ là điều đáng bị kỳ thị. Không né tránh, chúng tôi muốn đối mặt trực tiếp với vấn đề này", Wang nói.
|
Nhiều điểm phát băng vệ sinh miễn phí được lập ra ở các trường đại học Trung Quốc. |
Đây cũng là một trong những chương trình hiếm hoi được phát động trong thời điểm vấn đề về kinh nguyệt thu hút sự quan tâm ở Trung Quốc. Tại quốc gia này, chu kỳ kinh nguyệt của phái nữ thường bị coi là điều khiến nhiều người xấu hổ hoặc xem nhẹ.
Trong những tháng đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19, các nữ nhân viên y tế từng phàn nàn khi được thông báo rằng những sản phẩm về vệ sinh không được coi là đồ quan trọng và sẽ không được cung cấp cho họ.
Một tổ chức phi chính phủ sau đó đã vận động quyên góp băng vệ sinh và quần lót nguyệt san gửi cho các nữ nhân viên y tế tuyến đầu.
Tháng 8 vừa qua, một bức ảnh chụp loại băng vệ sinh giá rẻ, không nhãn hiệu được rao bán với giá 21,99 nhân dân tệ (3 USD)/100 cái cũng lan truyền trên mạng xã hội, dấy lên tranh luận về điều kiện sống khó khăn của phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
Không ít người bắt đầu kêu gọi chính phủ đưa ra các chương trình hỗ trợ những người không đủ khả năng mua các loại sản phẩm này.
|
Hoạt động phát băng vệ sinh miễn phí được nhiều nữ sinh hưởng ứng. |
Khi được hỏi, nhiều sinh viên nữ cũng cho biết họ thường cảm thấy xấu hổ khi đi mua các sản phẩm vệ sinh.
Liu, sinh viên năm 3 tại Đại học Quảng Tây, nói bất cứ khi nào cô mua băng vệ sinh ở các cửa hàng trong khuôn viên trường, chủ cửa hàng đều đựng nó trong một túi ni lông đen, ngăn cách với các sản phẩm khác, trước khi đưa cho cô.
Tu Yajie, tình nguyện viên hỗ trợ lắp đặt các túi phát băng vệ sinh tại Cao đẳng Y tế Thành Đô (Tứ Xuyên), nhận xét hoạt động này góp phần kêu gọi chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ phụ nữ, nâng cao nhận thức người dân.
"Đây là cách tôi có thể làm để giúp đỡ những người phụ nữ khác, với tư cách cũng là một phụ nữ", Tu nói.
Theo Zing